Nhiều trẻ bị bệnh ngoài da do nắng nóng

18/05/2024 - 06:00

PNO - Bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm - chuyên khoa nội nhi da liễu Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết, thời tiết nắng nóng là yếu tố thúc đẩy các bệnh ngoài da khởi phát và diễn tiến phức tạp hơn bình thường.

Rôm sảy, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da do tã lót, chốc lở do vi khuẩn đang là những nhóm bệnh được ghi nhận nhiều nhất tại phòng khám da liễu Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bên cạnh đó, những trẻ mắc bệnh mạn tính về da như viêm da cơ địa, chàm sữa cũng bị tái đi tái lại, bùng phát đợt cấp tính nhiều hơn. Mỗi tuần, bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm khám khoảng 100 bệnh nhi từ vài tháng cho tới 5 tuổi liên quan tới yếu tố nắng nóng.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm đang khám cho bệnh nhi bị ổ mủ gây áp xe ngoài da
Bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm đang khám cho bệnh nhi bị ổ mủ gây áp xe ngoài da

Đa số trẻ tới khám với bệnh cảnh có những sẩn hồng ban, mụn da viêm tấy với kích thước 1 - 2mm nằm rải rác ở ngực, lưng, trán, mặt.

Điển hình là trường hợp bé trai P.V.H. - 4 tháng tuổi, ở tỉnh Bình Dương. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện trên đầu, tai, cổ, trước ngực của bé có nhiều ổ mủ nằm rải rác. Đây là tình trạng áp xe do vi khuẩn tụ cầu gây ra.

Một trường hợp khá nghiêm trọng khác là bé gái P.T.K.L. - 3 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai. Bé có khởi phát bệnh tưởng chừng đơn giản như nổi rôm sảy thông thường. Thế nhưng, dù gia đình cho tắm đủ thứ nước lá mà tình trạng bé vẫn không thuyên giảm.

Khi tới Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé có những ổ mủ tổn thương do vi khuẩn tụ cầu xâm nhập rải rác ở mặt, đầu, cổ, lưng. Dù bé đã điều trị bằng thuốc nhưng vẫn bị tái đi tái lại.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm đã chỉ định rạch tháo mủ thì mới xử trí triệt để tình trạng nhiễm trùng dai dẳng. Tụ cầu tồn tại ở môi trường xung quanh, có thể bám sẵn trên bề mặt da. Khi cơ thể có vết thương hở, vi khuẩn này sẽ xâm nhập gây bội nhiễm, áp xe.

Trời nắng nóng, các bé ra mồ hôi nhiều. Nếu cha mẹ không cho bé mặc đồ thoáng mát, vệ sinh cơ thể sạch sẽ thì dễ sinh ngứa ngáy. Khi đó, bé cào gãi làm trầy xước da. Đó chính là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn tụ cầu xâm nhập vào vết thương trên da.

Khoảng 2 tuần nay, bé H.V.T. - 5 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - bị chốc lở ở vùng xung quanh lỗ mũi gây ngứa và đau. Cha bé đã đưa đi khám ở phòng khám tư và được bác sĩ kê toa điều trị cách đây 1 tuần.

Tuy nhiên, tổn thương do chốc lở còn lan cả xuống cổ và mí mắt của bé khiến gia đình lo lắng, quyết định đưa bé T. tới Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm cho biết, bệnh chốc lở mà bé T. mắc phải do vi khuẩn gây ra. Đây là bệnh dễ gặp ở trẻ trong điều kiện thời tiết oi bức, nóng nực. Dù đã dùng thuốc nhưng tổn thương của chốc lở còn lan ra là do bé T. cào gãi.

Chị N.T.V. - 28 tuổi, ở tỉnh Bình Dương - cho biết con gái 3,5 tháng tuổi của mình bỗng dưng 1 tuần nay nổi mẩn đỏ rực cả 2 bên má, vùng nếp gấp ở cổ và tay, chân. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết bé bị chàm sữa.

Yếu tố thời tiết nắng nóng có thể là nguyên nhân khởi phát đợt bệnh cấp. Sau khi hướng dẫn mẹ cách chăm sóc và vệ sinh cho bé, bác sĩ đã kê thuốc điều trị triệu chứng nổi mẩn.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm khuyến cáo nếu thấy trẻ bị nổi sẩn, phụ huynh tuyệt đối không được tự điều trị bằng cách tắm nước lá. Cứ 10 trường hợp tới khám da liễu thì có 9 phụ huynh cho biết đã tự tắm nước lá để chữa bệnh ngoài da cho con. Không phải loại lá nào cũng phù hợp tắm cho bé.

Thực tế, bé vẫn có thể bị kích ứng với những nước tắm có thành phần thiên nhiên. Không ít phụ huynh khi thấy con nổi sẩn lại tự mua thuốc có chứa thành phần corticoid về bôi mà chưa biết nguyên nhân gây bệnh.

Điều này khiến hàng rào miễn dịch da của trẻ suy giảm, tổn thương trên da càng bùng phát dữ dội. Bệnh ngoài da tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng tái đi tái lại, nhiễm trùng sẽ tác động xấu tới sự tăng trưởng của trẻ.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI