Nhiều tranh cãi về trợ tử trẻ em

21/04/2023 - 07:29

PNO - Mới đây, Hà Lan đã mở rộng các quy tắc trợ tử cho trẻ em ở mọi lứa tuổi.

Việc cho phép áp dụng trợ tử trẻ em ở mọi lứa tuổi đang gây nhiều tranh cãi - ẢNH: THE GUARDIAN
Việc cho phép áp dụng trợ tử trẻ em ở mọi lứa tuổi đang gây nhiều tranh cãi - Ảnh: The Guardian

Theo đó, đối với trẻ từ 1-12 tuổi mắc bệnh nan y ở giai đoạn không còn chịu đựng nổi đau đớn, việc chăm sóc giảm nhẹ vô hiệu cũng như không có hy vọng cải thiện bệnh trạng, các bác sĩ sẽ được phép thực hiện trợ tử. Tuy nhiên, các quy tắc mới sẽ chỉ áp dụng cho 5-10 trẻ mỗi năm. “Đó là giải pháp thay thế hợp lý duy nhất cho những đau khổ triền miên và sự vô vọng của trẻ” - người phát ngôn của chính phủ nói hôm 14/4.

Hà Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa cái chết êm dịu với những điều kiện nghiêm ngặt từ năm 2002. Tất cả các trường hợp có nhu cầu trợ tử phải được thông qua hội đồng y tế quốc gia. Trước đây, luật chỉ cho phép trợ tử đối với trẻ bị bệnh nan y từ sơ sinh cho đến 1 tuổi và các trẻ trên 12 tuổi. Từ đó đến nay, chỉ có 1 trường hợp trợ tử cho trẻ vị thành niên (12-16 tuổi) được báo cáo vào năm 2022, theo số liệu từ hội đồng y tế quốc gia.

Dù là nơi đầu tiên hợp pháp hóa trợ tử ở người, Hà Lan không phải là nước đầu tiên cho phép các bác sĩ trợ tử cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Quốc gia láng giềng Bỉ đã cho phép điều này từ năm 2014 và vào tháng 9/2016, 1 trẻ vị thành niên mắc bệnh nan y đã trở thành đứa trẻ đầu tiên được trợ tử ở nước này. Cho đến nay, Bỉ vẫn là quốc gia duy nhất cho phép trợ tử không giới hạn độ tuổi.

“Quyền được chết” áp dụng cho người dưới 18 tuổi tại Bỉ cũng đi kèm nhiều điều kiện, bao gồm cả việc đứa trẻ phải được đánh giá là đã có thể hiểu được cái chết êm dịu nghĩa là gì, đồng thời phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Hiện Canada cũng đang xem xét tiến tới chế độ trợ tử cho trẻ và thậm chí được cho là các điều kiện còn dễ hơn 2 quốc gia Bắc Âu kể trên. 
Dù các lập luận ủng hộ trợ tử luôn dựa vào lý do “nhân đạo”, nhưng Alex Schadenberg - thuộc Liên minh Phòng chống trợ tử - cho rằng: “Các khuyến nghị do ủy ban đưa ra sẽ làm cho Canada thành nơi có luật trợ tử dễ dãi nhất thế giới. Thay vì xem xét mở rộng đối với luật trợ tử không phù hợp, chính phủ nên tập trung nhiều hơn vào cách có thể giúp đỡ những người đang cảm thấy họ không còn đáng sống”.

Theo tiến sĩ Gordon Gubitz - giáo sư y khoa Đại học Dalhousie - công chúng Canada chưa sẵn sàng cho việc trẻ vị thành niên nhận cái chết êm dịu. Ông khuyến nghị chính phủ tiến hành “một cách chu đáo, thận trọng và tiếp cận từng bước”. Cùng với Hà Lan, Bỉ và Colombia, Canada đã đi một chặng đường dài so với những gì được dự kiến trong luật năm 2016 rằng cần trợ tử cho những người trưởng thành mắc bệnh lý “nghiêm trọng và không thể chữa khỏi”.

Tiến sĩ nhi khoa lâm sàng Maria Alisha Montes cũng kêu gọi thận trọng. Bà chỉ ủng hộ một số khuyến nghị hữu ích được ủy ban đặc biệt nói trên đưa ra như cải cách mở rộng dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Cuối năm 2022, nhóm Bảo vệ sự sống Pro-Life Caucus bao gồm các nghị sĩ của Colombia đã bày tỏ sự phản đối các dự luật mở rộng quyền trợ tử cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Họ gọi đó là “một cuộc tấn công mới chống lại các gia đình”. Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, hơn 60 thành viên của Pro-Life Caucus cho biết họ hoàn toàn không đồng ý việc hợp pháp hóa cái chết êm dịu cho trẻ em, dù có sự đồng ý của cha mẹ hay không. Họ đã chỉ ra rằng “có những điều khoản phớt lờ trách nhiệm nhà nước trong việc cung cấp một cách ưu tiên và kịp thời đối với sự chăm sóc mà trẻ vị thành niên cần”. 

Nam Anh (theo Reuters, CNA, National Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI