Nhiều trang tin điện tử đã gây bức xúc trong dư luận xã hội

04/12/2019 - 17:39

PNO - Việc tuyển dụng phóng viên còn lỏng lẻo, nhiều trang tin điện tử gây bức xúc trong dư luận xã hội... là những vấn đề được Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông nêu ra trong Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật báo chí.

Ngày 4/12, Bộ thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức Hội nghị thi đua sơ kết 3 năm thi hành Luật báo chí 2016. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về báo chí, quan điểm xuyên suốt của Bộ luôn là tính dân chủ, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược và tạo ra động lực cho báo chí phát triển.

"Bằng tinh thần trách nhiệm và sự cầu thị, Bộ TT-TT trân trọng lắng nghe, ghi nhận tất cả những ý kiến, tâm tư, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức sau 3 năm Luật Báo chí 2016 đi vào cuộc sống", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Nhieu trang tin dien tu da gay buc xuc trong du luan xa hoi
Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc cũng cho biết, Luật Báo chí 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Sau khi có hiệu lực, Luật Báo chí 2016 đã kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; phần nào khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trải qua 3 năm triển khai thi hành, một số quy định của Luật Báo chí 2016 đã dần bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong thực tiễn của lĩnh vực báo chí dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Ví dụ Luật chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí.

"Có tình trạng nhiều văn phòng đại diện chỉ có trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại phóng viên thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về làm cộng tác viên, không đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ của người làm báo", ông Lưu Đình Phúc nói.

Vì thế, việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Báo chí 2016 là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong công tác chỉ đạo của Đảng và quản lý nhà nước về báo chí

Nhieu trang tin dien tu da gay buc xuc trong du luan xa hoi
Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hướng sửa Luật Báo chí tới đây sẽ  đưa ra tòa án để phân xử. Các địa phương cần khuyến khích các tổ chức kiện ra tòa nếu thông tin sai sự thật, bước đầu đã có doanh nghiệp kiện cơ quan báo chí…

"Thực tiễn cho thấy, việc tuyển dụng phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí còn lỏng lẻo, nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn còn hạn chế; nhiều cơ quan báo chí phải đóng góp tài chính nuôi cơ quan chủ quản; trang tin điện tử là cánh tay nối dài của cơ quan báo chí, nhưng trên thực tế nhiều trang tin điện tử đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, theo quy định thì trang tin điện tử không được sản xuất, không được biên tập tin bài và khi dẫn lại nguồn tin phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận xét. 

Vì lý do trên, khi tiến hành sửa đổi Luật Báo chí tới đây, Bộ TT-TT sẽ phải khắc phục được những bất cập, những hạn chế mà Luật Báo chí 2016 cũng như thực tiễn đang đặt ra, dự báo được xu hướng phát triển trong thời gian tới.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI