Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã yêu cầu Shopee và nhiều sàn thương mại điện tử rà soát, gỡ tất cả sản phẩm có nội dung xuyên tạc trên. Vụ việc cho thấy không ít trang thương mại điện tử đang hoạt động rất bát nháo.
“Thủ phủ” hàng giả, hàng nhái
Nhiều trang thương mại điện tử (TMĐT) như là “chợ hàng nhái” bởi phần lớn sản phẩm trên đó đều mang thương hiệu “sang chảnh” nhưng lại có giá rẻ như cho.
Chẳng hạn, tại trang sendo.vn, nhiều mẫu giày Adidas chỉ có giá 325.000-550.000 đồng/sản phẩm; tại trang lazada.vn, đồng hồ Michael Kors chỉ có giá từ 269.000-399.000 đồng/sản phẩm; tại trang shopee.vn, nước hoa Pháp chính hãng Lancôme chỉ có giá 180.000 đồng/sản phẩm, Acqua di Gio giá 250.000 đồng/sản phẩm, Luxy Victoria giá 299.000 đồng/sản phẩm.
|
Sản phẩm đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc in "đường lưỡi bò" được bán tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Niên. |
Không chỉ bán hàng nhái, các trang TMĐT còn là nơi bán sản phẩm có chất lượng không tương xứng, khác xa với thực tế.
Chị Hoàng Hoa (ngụ tại Q.3, TP.HCM) cho biết, trên trang lazada.vn rao bán thảm tập yoga Kmart đang giảm giá, chỉ còn 99.000 đồng/sản phẩm, hình ảnh đưa lên rất “lung linh”, nhưng khi nhận được hàng, chị… hỡi ôi vì thảm mỏng tanh, oặt ẹo, không có độ bám khi tập.
Hơn nữa, khi mở thảm ra, mùi nhựa khó chịu xộc lên mũi khiến chị choáng váng. Phản ánh với bên bán, chị Hoa được yêu cầu phải gửi sản phẩm ra Hà Nội theo quy định của sàn giao dịch, phí chuyển hàng gần 100.000 đồng nên chị Hoa đành phải vứt thảm.
Mới đây, anh Huân Trần (ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM) vào trang adayroi.com và đặt mua chiếc điện thoại Samsung J7 Pro hàng mới, giá 5,4 triệu đồng. Khi nhận hàng và kiểm tra, anh Huân mới phát hiện điện thoại này đã được kích hoạt bảo hành trước khi anh mua.
Quá bức xúc, anh phản ánh lên Adayroi thì nhân viên bảo, dù đã bóc tem nhưng vẫn là hàng mới. Không chấp nhận, anh Huân đã trả hàng, lấy lại tiền nhưng vẫn không khỏi ấm ức.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) - nhận định, TMĐT tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, vẫn còn tình trạng các đối tượng làm ăn gian dối hoặc các doanh nghiệp “ma” sử dụng mạng để rao bán các sản phẩm có giá trị lớn như iPhone, iPad, laptop... nhưng sau khi nhận tiền đặt cọc thì trốn hoặc giao sản phẩm kém chất lượng.
Có những doanh nghiệp giao hàng lỗi, không đúng yêu cầu nhưng giải quyết chậm trễ hoặc giải quyết không dứt điểm khiếu nại của người tiêu dùng.
Quản không xuể
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM - cho biết, thực trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên các sàn TMĐT tại Việt Nam đang được xem là hiện tượng bình thường.
|
Trên một trang TMĐT, giá đồng hồ Michael Kors chỉ từ 269.000 đồng/sản phẩm. Ảnh chụp màn hình. |
Nguyên nhân là do Nhà nước chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ các đối tượng quảng cáo, kinh doanh trên các trang TMĐT, sàn online và các trang mạng xã hội.
Sự quản lý lỏng lẻo nằm ở việc đăng ký bán hàng trên các trang TMĐT hiện nay dễ như việc tạo một tài khoản trên các diễn đàn. Người kinh doanh không cần phải có giấy phép kinh doanh, không phải trả phí cho các trang TMĐT, bán gì và đăng thông tin như thế nào tùy vào người bán.
Chẳng hạn, tại trang shopee.vn, chỉ cần nhấp vào phần “đăng ký” ở góc bên trái, nhập số điện thoại, mã xác định (được gửi qua số điện thoại), tên đăng nhập, mật khẩu là có thể sử dụng mua sắm thoải mái; nếu muốn bán hàng, tiếp tục vào mục “kênh bán hàng” để thiết lập thông tin gồm tên cửa hàng, hình đại diện, mô tả, thiết lập người vận chuyển hàng hóa, đơn vị vận chuyển (là những đối tác của Shopee)… là có thể đăng hình sản phẩm để quảng cáo.
Nội dung quảng cáo đều do chủ cửa hàng tự quản lý, miễn sao thu hút được khách hàng. Còn tại một số trang TMĐT khác, người bán hàng có thêm một bước cam kết “không bán hàng giả, hàng nhái”, nhưng lại không có công cụ nào kiểm soát việc thực hiện cam kết này.
Luật gia Phan Thị Việt Thu cho biết, cùng với Luật Thương mại, hiện có Nghị định số 52/2013, kèm theo đó là hai thông tư số 47/2014 và số 59/2015 hướng dẫn về quản lý các website TMĐT và quản lý các ứng dụng cài đặt trên các thiết bị điện thoại di động.
Hiện ở Việt Nam, có những nhóm website TMĐT phổ biến: nhóm website TMĐT bán hàng (bán các loại hàng hóa, dịch vụ), website cung cấp dịch vụ TMĐT (website trung gian để người mua và người bán gặp nhau, ví dụ như sàn TMĐT Lazada, Sendo...) và website đấu giá (người có sản phẩm đấu giá và người mua đấu giá lên đó).
Người có website bán hàng phải thông báo và người có website cung cấp dịch vụ phải có nghĩa vụ đăng ký với Bộ Công thương, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch TMĐT được thực hiện chính xác, đầy đủ.
“Sàn TMĐT phải có trách nhiệm với hình thức phân phối sản phẩm chứ không đổ hết trách nhiệm cho người bán hàng. Tổ chức bán hàng mà không kiểm soát hàng, không chịu trách nhiệm là điều vô lý, không phù hợp với Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng như Luật Thương mại” - bà Thu nói.
Theo ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM - có nhiều đơn vị tham gia quản lý hàng hóa kinh doanh trên mạng. Các năm trước, chi cục có phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số để kiểm tra, nhưng không mấy hiệu quả vì lực lượng QLTT mỏng, trong khi các chủ cửa hàng chỉ đăng ký kinh doanh trên mạng, không có kho hàng, trụ sở.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, năm 2017, cục phối hợp với quản lý thị trường, phát hiện hơn 300 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 6 tỷ đồng.
Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thực phẩm chức năng, hàng thời trang, mỹ phẩm...
|
Một cán bộ chi cục này cho biết thêm, Nghị định số 52/2013 yêu cầu những người kinh doanh trên trang TMĐT khi đăng ký làm gian hàng phải cung cấp thông tin như tên, địa chỉ trụ sở thương nhân, địa chỉ thường trú cá nhân, địa chỉ tổ chức, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngày cấp hoặc đơn vị cấp quyết định thành lập tổ chức, mã số thuế cá nhân (nếu người kinh doanh là cá nhân) và QLTT sẽ dựa vào thông tin này để kiểm tra người bán.
Tuy nhiên, các trang TMĐT lại không yêu cầu người bán cung cấp các thông tin trên. Nếu người dân mua sản phẩm từ trang TMĐT mà phát hiện vi phạm về hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu, cứ việc phản ánh, QLTT sẽ kiểm tra, bắt đầu từ chủ trang TMĐT.
Sau khi có thông tin phản ánh tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên nhiều trang TMĐT, Chi cục QLTT TP.HCM cho biết sẽ kiểm tra. “Lĩnh vực TMĐT này đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, từ quảng cáo đến kinh doanh. Cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành, mới quản lý xuể” - ông Kiếm nói.
Trao đổi qua điện thoại, đại diện truyền thông Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (sendo.vn) cho rằng, Sendo là trang bán hàng online, cũng giống như một cái chợ, nên chỉ đóng vai trò là ban quản lý. Dù vậy, Sendo vẫn kiểm soát hàng hóa vào chợ, nhưng với quy mô lớn thì khó kiểm soát được hết hoàn toàn.
“Nếu phát hiện người bán có hành vi bán hàng gian, hàng giả, nội dung đăng tải không được pháp luật Việt Nam cho phép, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý, chẳng hạn như không cho gian hàng hoạt động trong vài tháng hoặc hủy gian hàng” - vị đại diện công ty này nói.
|
Thanh Hoa