Nhiều trang thiết bị ở bệnh viện công hư mà không thể sửa vì vướng thủ tục

14/11/2022 - 06:55

PNO - Tình trạng máy móc, cơ sở vật chất tại nhiều bệnh viện xuống cấp trầm trọng sau 3 năm chống dịch khiến các bác sĩ đang rất đau đầu.

 

Phòng xạ trị gia tốc Bệnh viện Bạch Mai xuống cấp, máy móc hỏng khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải tìm đơn vị khác để điều trị
Phòng xạ trị gia tốc Bệnh viện Bạch Mai xuống cấp, máy móc hỏng khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải tìm đơn vị khác để điều trị

Bị ung thư phổi, ông H.B. (quận Hà Đông, TP Hà Nội) được chỉ định xạ trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, do máy móc ở đây bị hư hỏng nên ông B. phải tìm nơi khác để điều trị. “Nghe nói rất nhiều bệnh viện đang thiếu trang thiết bị nên bây giờ nếu dồn sang một vài chỗ còn đủ điều kiện thực hiện chắc chắn bệnh nhân sẽ rất đông. Do đó, tôi cũng chưa biết chọn bệnh viện nào…”, ông B. ngán ngẩm.

Tình trạng của ông B. đang là “chuyện hằng ngày” ở Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Được xem là một trong những nơi quy tụ những loại máy móc đắt tiền bậc nhất của bệnh viện song Phòng Xạ trị gia tốc của bệnh viện đang xuống cấp trầm trọng. Những bức tường tróc lở, ẩm mốc, trang thiết bị đắp chiếu và khung cảnh lạnh lẽo. 

Theo ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc bệnh viện - máy gia tốc được sử dụng để xạ trị có giá trị ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, loại máy này hiện đang hỏng hóc. Trong khi đó, vướng mắc về thủ tục pháp lý, cùng với tình trạng bệnh viện đang “kiệt quệ” khiến loại máy này chưa thể được sửa chữa. 

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các bệnh nhân có chỉ định xạ trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đều phải tìm nơi điều trị khác. Một lãnh đạo tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho hay: “Ngày nào bệnh viện cũng có vài bệnh nhân được chỉ định xạ trị, chúng tôi không biết làm sao. Nhìn bệnh nhân phải tìm bệnh viện khác để điều trị vừa tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc chúng tôi rất xót xa”.

Là một trong những bệnh viện tuyến đầu của cả nước song tình trạng máy móc, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng sau 3 năm chống dịch nên các bác sĩ đang rất đau đầu, ông Đào Xuân Cơ chia sẻ. Theo ông, hiện nhiều tòa nhà của bệnh viện đang xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa chứ chưa nói tới việc xây mới với tổng mức chi phí lên tới cả ngàn tỷ đồng.

Lý giải về việc bệnh viện “thiếu tiền”, ông Đào Xuân Cơ cho biết, sau thời gian đơn vị này tự chủ toàn diện, dù bệnh nhân đông hơn nhưng thực tế nguồn thu lại giảm rất thấp. Bệnh viện rơi vào tình trạng kiệt quệ nguồn kinh phí.  

Máy tốt thì không được sử dụng

Nghịch lý đang xảy ra ở Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, trong nhiều máy móc hư hỏng nặng thì một số máy móc dù đắt tiền và vẫn đang vận hành tốt lại không được đưa vào sử dụng. Điển hình như dao Gamma, máy chụp PET/CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - các thiết bị hiện đại từng được kỳ vọng sẽ “thắp lên hy vọng cho bệnh nhân ung thư” nhưng lại đang “đắp chiếu” do vướng quy định pháp lý.

Theo giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các y, bác sĩ đang rất mong mỏi tình trạng trên được khắc phục.

Tại Đồng Nai, tình trạng thiết bị y tế hư hỏng nặng cũng đang diễn ra ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Tính từ lúc dịch COVID-19 năm 2021 đến nay, bệnh viện có 3 máy CT và 1 máy MRI để phục vụ công tác chẩn đoán hình ảnh bị hư hỏng và hiện vẫn chưa thể sửa chữa.

Cụ thể, máy CT 256 lát cắt bị hư đầu đèn từ tháng 4/2021; máy CT 256 lát cắt cũng bị hư đầu đèn. Giá của mỗi chiếc đầu đèn này khoảng 5-10 tỷ đồng, tùy loại. Ở thời điểm 2 máy CT này bị hư lại trùng với thời điểm dịch COVID-19 nên bệnh viện không thể tiến hành đấu thầu mua sắm. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đều dồn hoạt động chiếu chụp vào chiếc máy CT còn lại là CT 32 lát cắt. Có lẽ hoạt động quá tải nên cách đây hơn 1 tháng, chiếc máy này cũng bị hư luôn đầu đèn. Máy MRI 1,5 Tesla đã sử dụng hơn 10 năm qua, đến tháng 4/2022 thì bị hư đầu lạnh.

Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai - trước đây, mỗi ngày 2 máy CT của bệnh viện chụp từ 70-80 ca bệnh, cao điểm có khi lên đến 120 ca; máy MRI chụp trung bình 30-40 ca, cao điểm từ 60-70 ca mỗi ngày. Nhưng giờ, cả 4 máy bị hư khiến cho hoạt động của bệnh viện rơi vào thế bí, không thể thực hiện các ca phẫu thuật lớn, chuyên sâu.

“Do không được chụp chiếu nên nhiều bệnh nhân đi nơi khác. Từ đó, lượng bệnh nhân giảm, kéo theo nguồn thu giảm dần và lẽ đương nhiên là ảnh hưởng đến thu nhập của toàn bộ nhân viên y tế” - bác sĩ Dũng buồn bã nói.

Chưa khi nào, bệnh viện rơi vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay, khi mà nhiều loại máy móc hiện đại, đa chức năng lại hỏng hóc cùng lúc. Như vậy, các ca bệnh thuộc nhiều chuyên khoa như: ngoại lồng ngực, tim mạch, chấn thương chỉnh hình… đều bị ngưng trệ. Bác sĩ Dũng cho hay, máy hỏng kéo dài chưa sửa chữa được là do quá trình đấu thầu mất khá nhiều thời gian vì còn thẩm định giá.

Đến nay, bệnh viện đã làm xong các loại thủ tục, chuẩn bị đấu thầu. Bệnh viện cũng xin ý kiến Nhà nước cho phép đầu tư 1 đầu đèn giá khoảng 10 tỷ đồng cho máy CT 256 lát cắt để duy trì hoạt động và đã được UBND tỉnh cho phép. Các loại máy còn lại vẫn phải chờ, xin ý kiến của Nhà nước về chủ trương, chọn nhà đầu tư đấu thầu các loại vật tư tiêu hao bị hư hỏng. Với máy MRI thì đang làm các loại thủ tục để đấu thầu mua các bo mạch. 

Minh Quang - Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI