Nhiều trăn trở về cải lương tuồng cổ

20/09/2024 - 08:14

PNO - Ngày 18/9, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã tổ chức tọa đàm về thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TPHCM. 1 năm trước, Hội Sân khấu TPHCM cũng có tọa đàm chung chủ đề. Có thể thấy, thực tế sàn diễn cải lương tuồng cổ hiện nay đang khiến các nhà quản lý lẫn người làm nghề trăn trở nhiều.

Xem lại khái niệm “cải lương tuồng cổ”

Tại tọa đàm, các đại biểu đã phân tích giá trị và ghi nhận đóng góp của cải lương tuồng cổ (CLTC) đối với văn học nghệ thuật TPHCM và cả nước.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên (nhà nghiên cứu văn hóa) nhận định: “So với các thể tài khác, CLTC có tính dung hợp mạnh mẽ các loại hình nghệ thuật và được các thế hệ nghệ sĩ ra sức cải tiến, sáng tạo, định hình thành một thể tài sân khấu độc đáo và đặc trưng của TPHCM, sau đó lan tỏa khắp Nam Bộ. Đến ngày nay, dù các thể tài khác gặp nhiều khó khăn trong việc quy tụ công chúng nghệ thuật, sân khấu CLTC vẫn lấp lánh ánh đèn, vẫn thu hút một lượng khán giả nhất định, nhất là lớp khán giả trẻ”.

Các nghệ sĩ thế hệ thứ năm của gia tộc Minh Tơ biểu diễn trích đoạn cải lương tuồng cổ kinh điển Câu thơ yên ngựa tại tọa đàm
Các nghệ sĩ thế hệ thứ năm của gia tộc Minh Tơ biểu diễn trích đoạn cải lương tuồng cổ kinh điển Câu thơ yên ngựa tại tọa đàm

Rất nhiều tác phẩm của sân khấu CLTC hun đúc lòng tự hào dân tộc đến nay vẫn được nhiều thế hệ khán giả yêu thích như: Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tô Hiến Thành xử án, Mặt trời đêm thế kỷ….

Thế nhưng, để có thành quả đó là quá trình sáng tạo đầy gian khó và trăn trở không ngừng của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ nhân dân Quế Trân - thế hệ thứ năm của gia tộc Minh Tơ, góp công lớn trong việc định hình CLTC - cho biết: cha cô là cố Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tòng và tập thể đoàn Minh Tơ đứng trước yêu cầu hòa nhập đường lối văn nghệ mới sau ngày đất nước thống nhất đã thúc đẩy đoàn phải chuyển mình. Từ việc diễn các tuồng Hồ Quảng với nhiều yếu tố vay mượn, đoàn chủ trương sử dụng hoàn toàn chất liệu Việt Nam cho tác phẩm. “Chúng tôi kể câu chuyện lịch sử của người Việt. Vũ đạo biến tấu từ hát bội truyền thống. Âm nhạc đậm đà bản sắc do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác. Vở Câu thơ yên ngựa ra đời là kết tinh những nỗ lực tìm về bản sắc dân tộc, tự mở ra con đường mới của đoàn Minh Tơ, cùng với hàng loạt vở diễn lịch sử về sau đã khẳng định giá trị CLTC trong nền nghệ thuật dân tộc” - Nghệ sĩ nhân dân Quế Trân tự hào chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, cần xem xét lại khái niệm “CLTC” vì thực tế cách gọi này không đến từ thể tài (như cách dùng cải lương xã hội, kiếm hiệp, hay hương xa…) mà có nguyên do lịch sử.

“Nên chăng khép lại giai đoạn CLTC mà trả lại chỉ là cải lương thôi và chúng ta có thể hát cải lương xã hội, hương xa, lịch sử, Hồ Quảng… hay thể tài gì cũng được. Tôi cho rằng, việc bỏ thuật ngữ tuồng cổ trên bảng hiệu, sẽ giúp các đơn vị mở rộng đề tài kịch bản; thúc đẩy sáng tạo, cải tiến để Việt hóa về nội dung và hình thức biểu đạt…” - tiến sĩ Mai Mỹ Duyên nêu quan điểm.

Thiếu nguồn nhân lực

Nói về thực trạng sân khấu CLTC thời gian qua, nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp nêu hiện tượng đáng báo động: “Những năm gần đây, một số đơn vị xã hội hóa có xu hướng quay trở lại “con số 0” trước khi Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tòng “Việt hóa” các yếu tố để định hình CLTC. Nghĩa là các bạn lấy toàn bộ âm nhạc nước ngoài vào tuồng, chỉ chen vài bản vọng cổ; đồng thời cũng lấy luôn cốt truyện từ các bộ phim nước ngoài, đây còn là hành vi vi phạm bản quyền”.

Ca cảnh Gió lộng cờ lau có sự tham gia của các diễn viên nhí – những mầm non nghệ thuật cần được quan tâm, chăm lo từ sớm.
Ca cảnh Gió lộng cờ lau có sự tham gia của các diễn viên nhí – những mầm non nghệ thuật cần được quan tâm, chăm lo từ sớm.

Nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng đặc biệt băn khoăn về tình trạng vay mượn âm nhạc nước ngoài đã dần trở nên phổ biến: “Cải lương của chúng ta hoàn toàn có thể dung nạp nhiều chất liệu ngoại nhập nhưng cần phải Việt hóa. Và tại sao phải vay mượn trong khi chúng ta có kho tàng âm nhạc tài tử - cải lương giàu có đủ để biến tấu các cung bậc truyền thống lẫn hiện đại?”.

“Chúng ta đều thấy thực trạng sân khấu CLTC hiện nay. Nhưng thử đếm ở TPHCM, có bao nhiêu người làm nhạc cho cải lương, trong đó có bao nhiêu làm nhạc được cho sân khấu CLTC và lịch sử? Có bao nhiêu họa sĩ thiết kế sân khấu, người làm phục trang đúng với tiêu chí CLTC, lịch sử? Có bao nhiêu nghệ sĩ đáp ứng được tiêu chí cho các vai diễn tuồng cổ rồi tác giả viết CLTC có bao nhiêu? Đều không quá một bàn tay” - đạo diễn Nguyên Đạt nói.

Rõ ràng, chúng ta đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cho cả sân khấu cải lương lẫn CLTC. Theo đạo diễn Nguyên Đạt, đã có những lớp tập huấn về chuyên môn cải lương và CLTC nhưng đa phần không đúng đối tượng, cũng không đủ thời gian để thẩm thấu. Vì thế, cần đào tạo chuyên sâu, đúng đối tượng và đào tạo theo đặt hàng. Ngoài ra, các trường cũng cần chủ động nghiên cứu thị trường để điều chỉnh nội dung đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nghệ sĩ nhân dân Quế Trân cho rằng, các sân khấu làm CLTC hiện nay vẫn “đang làm chuyện dễ cho mình”, nghĩa là khán giả thích gì thì khai thác yếu tố đó, chưa khơi dậy và phát huy được tiềm năng sáng tạo lớn của những nghệ sĩ trăn trở với nghệ thuật dân tộc. “Mong rằng, sẽ có một định hướng có thể động viên, đoàn kết các sân khấu đồng lòng hướng đến nâng cao chất lượng, thực hiện các tác phẩm tôn vinh văn hóa - lịch sử nước nhà” - Nghệ sĩ nhân dân Quế Trân bày tỏ.

Nnh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI