Nhiều trăn trở ở một làng guốc trứ danh

27/03/2023 - 13:48

PNO - Nghề guốc không còn thịnh như trước. Vì thế, việc bảo tồn, phát triển làng guốc Phú Văn (Bình Dương) trứ danh lâu đời đang là nỗi trăn trở của những người làm nghề, các nhà chuyên môn.

Làng guốc trăm tuổi

Không ai rõ chính xác làng nghề ra đời khi nào, chỉ biết đã truyền qua 4 đời hoặc hơn thế. Đường dẫn vào làng guốc (phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) trải nhựa phẳng phiu. 2 bên là những căn nhà khang trang, hiện đại, nép dưới những cây xanh rợp bóng mát. Khoảng sân trước nhà là nơi phơi đế guốc gỗ trước khi những người thợ thực hiện những công đoạn tiếp theo.

Công đoạn mài nhẵn đế guốc - Ảnh: Trung Sơn
Công đoạn mài nhẵn đế guốc - Ảnh: Trung Sơn

Những khúc gỗ lần lượt được xẻ theo chiều ngang, chiều dọc để ra những mảnh gỗ mỏng, vừa vặn để làm guốc. Sau đó, chúng được vẽ khuôn theo từng kích cỡ chuẩn. Đế guốc xù xì, đầy dăm gỗ sẽ được đem đi phơi khô, mài nhẵn bóng, đục đẽo các họa tiết, hoa văn… Gỗ làm guốc thường là cây xoan (hay còn gọi là thầu đâu. Guốc làm bằng gỗ mít phải qua thêm công đoạn hong trên giàn than nóng, để tránh mối mọt.

Lúc trước, người làng nghề chủ yếu làm bằng tay, đục, đẽo từng khúc gỗ để ra được guốc thành phẩm. Giờ thì nhờ máy móc, các khâu đỡ tốn sức hơn, mất ít thời gian hơn. Nhân công chủ yếu vẫn là nam giới.

Không nằm ngoài quy luật chung của phần lớn các làng nghề truyền thống, làng guốc Phú Văn hiện cũng đang trong giai đoạn đầy khó khăn. Anh Trung (44 tuổi) cho biết ngày trước có hàng chục hộ cùng làm, tạo nên xóm nghề nhộn nhịp, sôi động; nhưng hiện tại chỉ còn vài hộ trụ được với nghề. Gia đình anh vừa sản xuất vừa tự tìm đầu ra ở Hà Nội và Đà Nẵng hoặc làm theo đơn hàng.

Bà Võ Thị Ly (66 tuổi, hộ sản xuất Sáu Dẻo) kể: “Ngày trước, mỗi đơn hàng có khi hàng ngàn đôi. Nhưng hiện tại, tình hình sản xuất không ổn định. Có tuần nhân công chỉ làm một vài ngày, thậm chí 1 ngày do lượng gỗ nguyên liệu không ổn định, đơn hàng không nhiều. Có những đơn hàng chỉ vài ba chục đôi”.

Sau đợt dịch COVID-19, làng nghề càng khó khăn. Tại cơ sở của anh Trung, trước đây có vài chục nhân công, nhưng hiện chỉ còn khoảng 10 người. Giá của mỗi đế guốc thành phẩm chỉ từ vài ngàn đến hơn 20.000 đồng. Sau khi được trang trí thêm hoa văn, sơn mài, cẩn ốc… gắn thêm quai, 1 đôi guốc hoàn thiện giá từ 90.000-150.000 đồng.

Anh Trung từng bỏ việc để tiếp nối nghề của gia đình khoảng 20 năm qua. Khi được hỏi liệu gia đình sẽ còn ai tiếp nối nghề truyền thống đã qua nhiều thế hệ này? Anh nói: “Có lẽ không”.

Những đế guốc thô sau khi được cắt gọt
Guốc vẽ sơn mài, cẩn ốc thuộc loại hàng mắc nhất

Bài toán giữ gìn, phát triển

Thị trường không còn ưa chuộng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện tại của làng guốc trăm tuổi này. Chúng tôi rẽ theo cổng số 8, đi qua con đường nhỏ hẹp dẫn đến sạp giày dép của chị Mai - người phụ nữ có hơn 30 năm làm công việc đóng guốc gỗ ở chợ Thủ Dầu Một. Trong không gian nhỏ hẹp, một loạt guốc gỗ với đầy đủ màu sắc, kích cỡ, hoa văn được bài trí gọn gàng. Chị kể, ngày trước có nhiều người cùng bán mặt hàng này, nhưng nay chỉ còn mình chị. Chị Mai có 2 sạp, một bán giày dép hiện đại, sạp còn lại dành cho guốc gỗ.

Chị nói nếu chỉ đóng guốc gỗ, khó duy trì được kinh tế gia đình, bởi sức mua hiện tại rất ít. “Đợt tết vừa qua, số guốc bán ra tăng vọt, nhờ các bạn trẻ mua để chụp ảnh cùng áo dài xưa”, chị kể với đầy sự hứng khởi bởi đây cũng là điểm sáng hiếm hoi trong những năm trụ lại với nghề. Thi thoảng, một vài đoàn làm phim cũng tìm đến chị để đóng vài chục đôi.

Việc giữ gìn làng nghề truyền thống trong nhịp sống hiện đại, bối cảnh đô thị hóa chưa bao giờ dễ dàng. Mới đây, một hội thảo chủ đề phát huy giá trị làng nghề guốc ở Bình Dương được tổ chức tại Trường đại học Thủ Dầu Một.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm - Trưởng khoa Công nghiệp văn hóa, Trường đại học Thủ Dầu Một - cho biết có nhiều lý do làng nghề mai một: chưa tổ chức tốt được thị trường đầu ra; hoạt động, sự phát triển của làng nghề trước nay là tự phát; các kênh của xã hội chưa hỗ trợ được nhiều trong việc quảng bá, phát triển. Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài - nhận định thêm: guốc gỗ phần lớn không thể bắt kịp các xu hướng thời trang thịnh hành, khó kết hợp với trang phục hiện đại, cũng là điểm khó để chúng tồn tại trong đời sống hiện đại…

Những đế guốc thô sau khi được cắt gọt
Những đế guốc thô sau khi được cắt gọt

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm chỉ ra một số việc cần làm: các nhà chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các thông tin chính xác; phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan đưa ra kế hoạch bảo tồn, phát triển; sở công thương và các hội nghề nghiệp cần có động thái hỗ trợ làng nghề, tạo đầu ra… Thị trường tại Hàn Quốc, Nhật Bản là tiềm năng nhưng chưa tiếp cận được. Tuy nhiên, trước khi phát triển bên ngoài thì bên trong phải ổn định, vững mạnh. Hiện, việc thiếu hụt nguồn nhân lực là yếu tố đáng lo ngại nhất để duy trì làng nghề này trong tương lai.

Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết Bảo tàng Áo dài đã sưu tầm guốc gỗ để trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan quá trình thực hiện, ý nghĩa của đôi guốc với các tầng lớp trong lịch sử. Theo bà, cần có một chiến lược truyền thông để làng nghề được biết đến rộng rãi hơn. Trong đó, bà đặc biệt chú ý đến đối tượng trẻ, những người có khả năng lan tỏa thông tin trên mạng xã hội. Những năm qua, phong trào cổ phục cũng phát triển mạnh, là cơ hội để guốc gỗ xuất hiện trở lại. “Trường đại học Thủ Dầu Một cũng có hàng ngàn sinh viên. Mỗi bạn có 1 áo dài, 1 đôi guốc cũng đủ để lan tỏa hình ảnh của chúng” - bà Vân nói.

Bên cạnh đó, muốn để người ngoài biết và cùng trân trọng thì người dân Bình Dương cũng nên nắm rõ và thể hiện được sự tự hào với làng nghề trên chính quê hương mình. Anh Trung nói cũng đã tính đến việc đón khách tham quan, cùng trải nghiệm làm guốc. Tuy nhiên, việc đưa một làng nghề vào sản phẩm du lịch địa phương cần có sự chung tay của các công ty du lịch, cơ quan quản lý. Người làm nghề vẫn đang mong mỏi điều đó. 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI