Nhiều trạm y tế 'vô tư' với bệnh tay chân miệng

10/10/2018 - 06:48

PNO - Tôi nói: “Con em bốn tuổi, bị nổi bóng nước, có dấu hiệu bị tay chân miệng (TCM), em muốn chở bé đến đây khám”. Vừa nghe, cô nhân viên nói ngay: “Chị đến bệnh viện lớn đi, có bệnh người ta điều trị luôn”.

Trong khi các bệnh viện tuyến trên đang quá tải với bệnh tay chân miệng, thì nhiều tuyến y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, phường ở TP.HCM lại vắng vẻ. Có 3/4 trạm y tế chúng tôi đến khá thờ ơ với tay chân miệng dù Sở Y tế đã chỉ đạo các trạm y tế phải quản lý, theo dõi sát sao tình hình bệnh trên địa bàn, hướng dẫn, tư vấn cách chăm sóc bệnh và tuyên truyền phòng ngừa bệnh tay chân miệng.   

Nhieu tram y te 'vo tu' voi benh tay chan mieng

Lúc 14g20 ngày 8/10, Trạm Y tế P.10, Q.3 (368 Cách Mạng Tháng Tám) không một bóng người. Phải một hồi lâu mới thấp thoáng bóng chị lao công lau dọn ở cuối dãy nhà. Biết tôi cần gặp nhân viên y tế, chị nói tôi chờ, để chị lên lầu gọi. Vài phút sau, một phụ nữ mặc áo sơ-mi sọc xanh đen, không đeo bảng tên, hỏi tôi khám bệnh gì.

Tôi nói: “Con em bốn tuổi, bị nổi bóng nước, có dấu hiệu bị tay chân miệng (TCM), em muốn chở bé đến đây khám”. Vừa nghe, cô nhân viên nói ngay: “Chị đến bệnh viện (BV) lớn đi, có bệnh người ta điều trị luôn”. Thấy tôi chưng hửng, chị bồi tiếp: “Ở đây đâu có điều trị TCM. Mà giờ này cũng không có bác sĩ”.

Bệnh tay chân miệng 90% là lành tính

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng Thành phố: bệnh TCM đến 90% là lành tính, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Chỉ có 10% là có biến chứng. Tâm lý lo lắng của phụ huynh khi con có dấu hiệu bệnh TCM thường đưa đến BV tuyến trên “cho chắc”. Nhưng việc này sẽ dẫn đến hệ lụy là gây tình trạng quá tải ở BV tuyến trên, và vô tình dẫn đến nguy cơ: khi bệnh nhân quá đông có thể làm che mất 10% bệnh nhân biến chứng.

Do vậy, khi mới nghi ngờ con mắc TCM và bé chưa có những biểu hiện bất thường như giật mình khi ngủ, sốt cao khó hạ, li bì… thì phụ huynh nên đưa con đến khám tại tuyến y tế cơ sở, như trạm y tế có bác sĩ, hoặc BV quận, huyện - vì nhân viên y tế đã được tập huấn về bệnh lý này.

Chúng tôi tiếp tục đến Trạm Y tế P.11, Q.10 (trên đường Cao Thắng) lúc 15g15. Từ ngoài nhìn vào, ngoài nữ nhân viên đang ngồi trước chiếc bàn trống thì dường như nơi đây không có hoạt động gì.

Tôi lặp lại tình huống muốn đưa con tới khám TCM, cô nhân viên sốt sắng: “Chị đưa vô BV Nhi Đồng 1 khám liền đi. Nếu bé có bệnh ngày mai chị quay lại lấy thuốc sát khuẩn Chloramine B về lau nhà”. Tôi nói: “Vô BV đông lắm, em muốn đưa bé đến đây khám trước được không?”. Cô nhân viên trả lời: “Bác sĩ đi họp rồi, chị đưa bé qua BV đi”. Cuộc đối thoại kết thúc trong một phút.

Tại Trạm Y tế P.An Lạc, Q.Bình Tân, nghe tôi trình bày, nữ nhân viên mặc áo blouse trắng khuyên tôi đưa con đến BV khám và phát cho tôi một bịch nhỏ thuốc sát trùng Chloramine B, dặn về pha một muỗng cà phê bột với một lít nước để lau sàn. Tôi hỏi thêm: “Ở phường mình có nhiều trẻ bị TCM không chị?”. Chị trả lời: “Nhiều lắm, đừng lo”.

Tôi không hiểu cô nhân viên muốn trấn an tôi hay muốn nói điều gì khác. Nhưng nếu một phụ huynh đang hoang mang, lo lắng về bệnh TCM, thì chắc chắn họ cần sự hướng dẫn, tư vấn về dấu hiệu nhận biết bệnh, các biến chứng, sự nguy hiểm, nên đi điều trị ở đâu, cách phòng ngừa… chứ không phải là nhận bịch thuốc sát trùng. Trong khi đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các trạm y tế phải quản lý, theo dõi sát sao tình hình bệnh trên địa bàn, hướng dẫn, tư vấn cách chăm sóc bệnh và tuyên truyền phòng ngừa bệnh TCM.   

Cuối cùng, chúng tôi đã có niềm vui khi đến Trạm Y tế P.1, Q.6 (trên đường Gia Phú). Hai nữ nhân viên đang làm việc và một nam nhân viên mặc áo blouse trắng đang đo huyết áp cho một bệnh nhân. Tôi lặp lại tình huống cũ, nữ nhân viên nhiệt tình: “Bé được xác định bệnh TCM chưa, hay chị mới nghi ngờ?”.

Nhieu tram y te 'vo tu' voi benh tay chan mieng
Một bé gái đến khám tay chân miệng tại Trạm Y tế P.1, Q.6 lúc 8g15 ngày 9/10

Khi tôi nói thấy bé nổi mụn nước ở bàn chân thì cô nhân viên dặn ngay: “Chị về chở bé tới ngay đi, tụi em khám cho”. Tôi nói: bé đi học, đến 16g15 mới đón ra. Cô nhân viên hỏi thăm: “Bé học trường nào vậy chị? Chút nữa đón rồi đưa đến tụi em khám liền cho bé. Nếu bé bệnh tụi em sẽ tư vấn cách chăm sóc, phòng ngừa lây lan và phát miễn phí thuốc sát khuẩn Chloramine B về lau nhà”. 

Sáng hôm sau, tôi quay lại, chưa kịp giới thiệu, cô nhân viên hôm qua đã vồn vã: “Bé sao rồi chị? Hôm qua, tụi em trông chị đưa bé đến khám quá trời. Tụi em lo quá, vì bé đang đi học, nên phải được theo dõi sát, để phát hiện bệnh sớm, đảm bảo sức khỏe cho bé và phòng ngừa lây lan”.

Thì ra cô là Đào Thị Kiều Vân, Trưởng trạm y tế. Cô cho biết, ở phường đã có bốn trường hợp mắc TCM. Mỗi ngày, các nhân viên y tế đều chia nhau đến hỏi thăm, phát thuốc sát trùng, tuyên truyền vận động người dân phòng bệnh. Bệnh đang vào mùa cao điểm nên sáu nhân viên ở trạm (có hai bác sĩ) đều quay cuồng chống dịch bệnh.

Khi có bệnh nhân đến khám xác định mắc TCM hoặc danh sách bệnh nhân từ các BV báo về, trạm sẽ khoanh vùng bán kính 100m để phát thuốc sát trùng cho những gia đình có con dưới năm tuổi quanh nhà bệnh nhân và theo dõi kỹ diễn tiến bệnh. 

Một phụ huynh đưa con gái năm tuổi đến khám vì trên tay bé nổi bóng nước. Bác sĩ Đinh Quốc Tùng chẩn đoán bé bị viêm họng, nhưng dặn người nhà theo dõi thêm bệnh TCM, vì tuy bé không sốt, không lở miệng, nhưng trên tay có nổi một bóng nước thì không được chủ quan. 

Nhìn những chiếc áo trắng tận tụy rửa vết thương, phát thuốc, khám bệnh mới thấy nếu hoạt động tuyến y tế cơ sở hiệu quả thì sẽ giúp giảm tình trạng quá tải, tránh tình trạng chen lấn ở BV tuyến trên, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo ở BV. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI