Nhiều “trại lừa đảo” tình, tiền đang nhắm vào Việt Nam

17/03/2025 - 08:25

PNO - Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo nhưng số nạn nhân bị lừa tình vẫn ngày càng tăng, số tiền bị lừa cũng ngày càng nhiều.

Tuyệt chiêu lừa tình

Trước đây, kẻ gian thường giả danh quân nhân Mỹ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền dưới hình thức tặng quà hoặc gửi tiền. Trò này diễn mãi cũng nhàm, nên gần đây chúng chuyển sang giả mạo Việt kiều, quản lý cao cấp và dành nhiều thời gian để tán tỉnh, rồi mới đưa “con mồi” vào bẫy.

Theo cách ấy, chị Trúc Giang (quận 10, TPHCM) được mời kết bạn từ một người đàn ông tự xưng là Quốc Bình - Việt kiều Đức - một người cha đơn thân. Bình nói yêu chị Giang “từ cái nhìn đầu tiên” qua ảnh. Sau đó hắn thường gọi video call chia sẻ những sinh hoạt hằng ngày với chị Giang. Tạo được lòng tin rồi, hắn ngỏ ý muốn về Việt Nam mua nhà và sống cùng chị Giang. “Anh ta cứ thúc giục tôi đi xem nhà, còn hứa sẽ cho thêm 2 tỉ đồng nếu mua được căn nhà ưng ý” - chị Giang kể.

Sau 1 tháng, chị Giang đã tìm được căn nhà ưng ý với giá 17 tỉ đồng. Bình nói sẽ chuyển tiền từ Đức về để chị đặt cọc. Sau đó, một “nhân viên hải quan” gọi điện yêu cầu chị đóng 30 triệu đồng để nhận tiền. Chị Giang chuyển tiền thì “nhân viên hải quan” lại yêu cầu chuyển thêm 80 triệu đồng nữa với lý do số tiền gửi về quá lớn. Không đủ tiền, chị Giang phải mượn em gái thì được cô em cảnh báo: đây là trò lừa đảo!

Một chiêu lừa khác là kẻ gian dụ nạn nhân đầu tư vào một website do chúng tự tạo. Và chị Ngọc Thủy (quận 6, TPHCM) đã mất gần 3 tỉ đồng theo cách này. Đầu tiên, chị Thủy nhận được lời mời kết bạn qua Facebook từ một người đàn ông tự xưng là Nam - quản lý cấp cao tại Tập đoàn Hòa Phát. Anh ta giới thiệu là bố đơn thân, đang tìm người tâm sự, từng làm ăn thua lỗ, mong muốn làm lại cuộc đời và xây dựng một gia đình mới. 2 người nhanh chóng nảy sinh tình cảm. Nam sống ở Hà Nội, thường xuyên gọi video call cho chị Thủy để chia sẻ nhiều chuyện trong cuộc sống. Không lâu sau, Nam rủ chị Thủy cùng đầu tư vào quỹ phúc lợi của tập đoàn để hưởng hoa hồng. Nam giải thích, đây là quỹ dành riêng cho cán bộ cấp cao, không phải ai cũng tham gia được, và anh ta muốn chị Thủy đầu tư để cùng nhau lo cho tương lai. Trang web có nhiều hạng mục dự án với mức đầu tư từ 2 triệu đến 18 tỉ đồng, hứa hẹn lợi nhuận từ 1,32 - 35% chỉ sau 15 phút.

Với địa chỉ http://hoaphat.cc, được Nam giới thiệu là của Tập đoàn Hòa Phát, chị Thủy thử đầu tư 2 triệu đồng và liền nhận được lợi nhuận 26.400 đồng, đầu tư 100 triệu đồng thì được 4.320.000 đồng. Thấy tiền gốc và lãi được chuyển về tài khoản ngay sau khi đầu tư nên chị Thủy tiếp tục đầu tư gói 2,5 tỉ đồng để có lợi nhuận hơn 180 triệu đồng. Nam nói anh ta cũng chuyển một nửa số tiền vào hệ thống (đối tượng sử dụng các biên lai chuyển tiền giả được photoshop để lừa chị Thủy), hứa hẹn cùng chị đầu tư để “lo cho tương lai 2 đứa”.

Tiếp theo, chị Thủy mạnh dạn đầu tư thêm 2 tỉ đồng, Nam cũng góp thêm 3 tỉ đồng để hoàn thành dự án 5 tỉ đồng với hy vọng thu về gần 360 triệu đồng lợi nhuận trong 15 phút. Tuy nhiên, khi chị Thủy rút tiền thì hệ thống báo lỗi và yêu cầu chị đóng phí xác minh tài khoản là 15% số tiền đầu tư. Thế nhưng khi chị Thủy nạp phí theo yêu cầu thì hệ thống lại đưa ra các lý do khác để buộc chị tiếp tục nạp tiền. “Biết mình bị lừa nên tôi đã trình báo cơ quan công an” - chị Thủy cho biết.

Nếu trước đây, những kẻ lừa đảo chỉ ẩn mình trong các ứng dụng hẹn hò, thì nay, Facebook trở thành “thiên đường” cho những chiêu trò mai mối trá hình. Hàng loạt video quảng cáo được tài trợ, hứa hẹn kết nối với Việt kiều giàu có hoặc mở ra cánh cửa định cư nước ngoài… Chỉ cần một cú click nhẹ, người dùng đã có thể rơi vào “mê hồn trận” của những lời mời gọi ngọt ngào. Và khi người dùng tò mò nhắn tin sẽ được yêu cầu đóng phí dịch vụ, phí gia nhập nhóm kín… để được gặp đối tượng như mong muốn.

Nhiều “trại lừa đảo” đang nhắm vào Việt Nam

Nói về website http://hoaphat.cc, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - chuyên gia về an toàn thông tin - khẳng định, đây là những website được tạo ra bởi các đối tượng trong các “trại lừa đảo” đặt tại Campuchia và các quốc gia lân cận Việt Nam, nhằm mục đích lừa đảo. Ngoài ra, các đối tượng này còn tạo nhiều website giả mạo các tập đoàn để thực hiện hành vi lừa đảo. Các cuộc gọi video mà nạn nhân nhận được thực chất là các cuộc gọi giả mạo, hình ảnh của người gọi được thay thế bằng một người thành đạt nào đó. Những kẻ lừa đảo đã tiếp cận và dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào các sàn tiền ảo.

Giữa tháng 2/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ 56 đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, nhiều công dân Việt Nam đã sang Philippines làm việc cho tổ chức lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu tại thủ đô Manila. Nhóm này lập các tài khoản Facebook ảo, giả danh doanh nhân thành đạt… để tiếp cận những phụ nữ trung niên Việt Nam (thường là những người đơn thân, thiếu thốn tình cảm). Bọn chúng thực hiện kịch bản “7 ngày xây dựng lòng tin”, từng bước thiết lập mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Khi đã được tin tưởng, chúng bắt đầu chia sẻ “bí quyết thành công” và thuyết phục nạn nhân cùng đầu tư với lời hứa hẹn về một tương lai tươi đẹp. Ban đầu, bị hại được rút cả gốc lẫn lãi nhằm củng cố niềm tin. Nhưng khi đã đầu tư số tiền lớn hơn, chúng viện lý do lỗi hệ thống, tiền thuế, phí bảo hiểm… để yêu cầu nộp thêm tiền rồi chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Nhóm này đã lừa hơn 1.000 người Việt Nam với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Theo ông Ngô Minh Hiếu, báo cáo gần đây từ các nạn nhân cho thấy, nhiều kẻ lừa đảo hoạt động từ các “trại lừa đảo” trong khu vực Đông Nam Á đang chuyển từ nền tảng Telegram sang Signal để đánh lạc hướng nạn nhân, nhưng chiêu trò, mánh khóe thì vẫn như cũ, gồm: lừa nạn nhân đầu tư vào các nền tảng đầu tư tài chính giả mạo, lừa đảo tình cảm và mạo danh người khác. “Sự thay đổi này cho thấy chúng ta cần cảnh giác hơn, không chỉ với một ứng dụng, mà với tất cả ứng dụng. Nếu đột nhiên một “nàng thơ” hoặc một “soái ca” xuất hiện ngọt ngào bất ngờ, thì tốt nhất là phớt lờ hoặc chặn ngay lập tức. Cứ chậm lại, kiểm tra kỹ danh tính, rà soát cơ hội đầu tư và tuyệt đối không chia sẻ thông tin nhạy cảm trên mạng” - ông Ngô Minh Hiếu cảnh báo.

Vì trót tin vào website giả mạo Tập đoàn Hòa Phát mà chị Ngọc Thủy đã mất trắng số tiền gần 3 tỉ đồng - Ảnh do nạn nhân cung cấp
Vì trót tin vào website giả mạo Tập đoàn Hòa Phát mà chị Ngọc Thủy đã mất trắng số tiền gần 3 tỉ đồng - Ảnh do nạn nhân cung cấp

Làn sóng lừa đảo từ Nigeria đang đổ bộ Việt Nam

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc Phát triển Kaspersky Lab - thông tin, làn sóng lừa đảo từ Nigeria đang đổ bộ Việt Nam, với hơn 5.260 vụ tấn công qua email chỉ trong năm 2023-2024. Không còn là những email lừa đảo đơn giản, bọn tội phạm mạng đang liên tục biến hóa, sử dụng những kỹ thuật tinh vi để đánh lừa cả những người dùng cẩn trọng nhất. Chúng không chỉ giả mạo email của người nổi tiếng, mà còn xây dựng cả một câu chuyện tình yêu giả dối, kéo dài hàng tháng trời để tạo dựng lòng tin, sau đó yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí đi lại, tặng quà nhưng nạn nhân trả phí vận chuyển. Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những chiêu trò lừa đảo này sẽ ngày càng tinh vi hơn, và chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác hơn bao giờ hết.

2 tháng, Meta xóa hơn 116.000 tài khoản liên quan đến lừa đảo tình cảm

Trước thềm lễ tình nhân 14/2 vừa qua, Meta - tập đoàn vận hành Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp - phát đi cảnh báo về việc người dùng các nền tảng mạng xã hội cần tránh mắc bẫy lừa đảo tình cảm.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, Meta đã xóa hơn 116.000 tài khoản và trang Facebook lẫn Instagram liên quan đến lừa đảo tình cảm. Trong năm 2024, Meta đã gỡ bỏ hơn 15.000 đường dẫn (URL) chứa nội dung lừa đảo tại Việt Nam và hơn 9.000 URL giả mạo WhatsApp, Facebook, Meta, Instagram, Threads và Reality Labs tại Singapore; xóa hơn 2 triệu tài khoản trên các nền tảng liên quan đến các tổ chức lừa đảo tại Campuchia, Myanmar, Lào, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Philippines.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI