Nhiều tổ chức quốc tế cam kết tài trợ cho đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL”

15/10/2024 - 19:49

PNO - Chiều 15/10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - cho biết, ngày 27/11/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Đây là đề án có ý nghĩa quan trọng định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân; thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Quang cảnh hội nghị chiều 15/10
Quang cảnh hội nghị chiều 15/10

Đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025), tập trung vào 200.000 ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất, liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Giai đoạn 2 (2026-2030) đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực để mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đến nay, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Trong đó, 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu năm 2024 đã báo cáo kết quả tích cực, giảm chi phí 20-30%, tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 trên mỗi ha. Tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg. Kết quả thí điểm trên đã khích lệ nông dân và hợp tác xã tin tưởng, tích cực tham gia đề án.

Cùng với tăng lợi nhuận cho nông dân, Bộ NN-PTNT tích cực huy động vốn đầu tư cho đề án. Bộ đã xây dựng đề xuất dự án “hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” bằng việc vay vốn Ngân hàng Thế giới trị giá 430 triệu USD, trong đó 330 triệu USD vốn vay ưu đãi và 100 triệu USD vốn đối ứng, nhằm đầu tư cho giai đoạn 2026-2027. Đề xuất dự án hiện được hoàn thiện qua nhiều hội thảo tham vấn lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ NN-PTNT cũng làm việc với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh ĐBSCL… nhằm thống nhất đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách đặc thù trong việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thực hiện đề án. Bộ làm việc với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác để huy động thêm các nguồn viện trợ không hoàn lại như: viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc ủy thác qua WB với trị giá 1,6 triệu USD, hiện đang được sử dụng hỗ trợ kỹ thuật cho tập huấn, nâng cao năng lực 7 mô hình thí điểm… Làm việc với Quỹ chuyển đổi tài sản carbon (TCAF) của Ngân hàng Thế giới đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ nguồn vốn chi trả lượng giảm phát thải thu được từ kết quả đo thực tế, với trị giá khoảng 40 triệu USD. Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng cam kết các khoản vốn viện trợ không hoàn lại cho đề án.

Đề án được thí điểm tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ rất thành công, tăng thu nhập cho nông dân
Đề án được thí điểm tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ rất thành công, tăng thu nhập cho nông dân

Bộ NN-PTNT cho rằng, giai đoạn 2025-2027, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn đầu tư công của nhà nước thì cần huy động khoảng 20.000 tỉ đồng (tương đương 800 triệu USD) từ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Trong đó cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng (tương đương 400 triệu USD) từ các ngân hàng thương mại để mua sắm vật tư, thu mua lúa gạo và vốn đầu tư cho máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến, xây dựng hệ thống kho, logistics…

Thủ tướng Phạm Minh Chính - phát biểu
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có nhiều cố gắng trong triển khai đề án thời gian qua. Thủ tướng nêu rõ, trong thời đại ngày nay, với xu thế "ăn ngon, ăn sạch", cạnh tranh rất lớn, chúng ta phải "thổi hồn", thổi sức sống mới vào ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo tại ĐBSCL - vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước. Đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với quan điểm đó, đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", hết sức ý nghĩa với nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI