Thu hút khách quốc tế
A tourist’s guide to love (tựa Việt: Hành trình tình yêu của một du khách) là phim mới nhất của Hollywood có bối cảnh quay tại Việt Nam. Kể từ khi ra mắt (ngày 21/4), phim liên tục giành được những vị trí cao trên bảng xếp hạng của Netflix.
Sau 10 ngày, A tourist’s guide to love giành vị trí số 1, trở thành phim tiếng Anh được xem nhiều nhất thế giới trên ứng dụng Netflix. Cùng thời điểm, phim cũng lọt vào tốp 10 phim được xem nhiều nhất ở 89 thị trường trên toàn cầu bao gồm châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương.
|
Hình ảnh nữ diễn viên Rachael Leigh Cook và Scott Ly trên phim A tourist’s guide to love - Ảnh: Netflix |
Biên kịch người Ireland gốc Việt - Eirene Tran Donohue - cho biết cô rất xúc động trước sự đón nhận của khán giả đối với bộ phim, đặc biệt là phản ứng tích cực từ người Việt Nam trên khắp thế giới. Nữ biên kịch hạnh phúc khi có thể giới thiệu văn hóa và hình ảnh đất nước hình chữ “S” với thế giới theo một hướng tích cực, khác với những câu chuyện liên quan đến chiến tranh đã từng được đề cập trên phim ảnh trước đó. Cách xuất hiện của các danh lam thắng cảnh, nếp sống con người và văn hóa bản địa tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hội An, Hà Giang trong A tourist’s guide to love đều rất đẹp, chân thật, nên thơ.
Có thể là còn khá sớm để nói A tourist’s guide to love góp phần vào việc kích cầu du lịch, giúp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên từ những hình ảnh trên phim và thông qua chia sẻ từ chính ê kíp tham gia, không ít người xem nói họ muốn đến Việt Nam để tham quan cảnh đẹp, trải nghiệm nền văn hóa đa dạng.
A tourist’s guide to love là dự án mang tính “mở đường” của Netflix tại Việt Nam khi đơn vị này đầu tư toàn bộ kinh phí sản xuất. Trong thời gian tới, có thể nhiều dự án phim khác với mức đầu tư lớn hơn, kịch bản hấp dẫn hơn sẽ được Netflix thực hiện, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Điều này hoàn toàn có thể kỳ vọng bởi từ khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2023, các quy định liên quan đến việc hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim ở Việt Nam đã cởi mở hơn. Nhà nước vẫn sẽ thẩm định kịch bản với các đơn vị quốc tế mong muốn được sử dụng bối cảnh tại Việt Nam nhưng đi kèm là một số ưu đãi về thuế và thoáng hơn trong tiêu chí xét duyệt.
Trailerphim A tourist’s guide to love:
Đông tay thì vỗ nên kêu
Thời gian qua, hình ảnh Việt Nam đã xuất hiện trong không ít bộ phim quốc tế. Gần nhất, trong Beef (tựa Việt: Bất hòa), sự góp mặt của Hồng Đào bên bữa cơm gia đình đậm chất Việt được khán giả trong nước ưa thích. Trước đó, trong bộ phim Hàn Quốc Taxi Driver 2 (tựa Việt: Ẩn danh 2), một số địa danh như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), cầu Rồng (Đà Nẵng) hay nhà thờ Đức Bà (TPHCM) cũng xuất hiện, thu hút sự chú ý của khán giả.
Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên phim không chỉ là câu chuyện liên quan đến các đơn vị sản xuất phim từ quốc tế mà còn thuộc về những nhà làm phim trong nước. Đặc biệt, khi cơ hội đưa phim lên các nền tảng xuyên biên giới hay mang chiếu tại các thị trường điện ảnh quốc tế càng thuận lợi thì vấn đề này càng cần được quan tâm, coi trọng.
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, đạo diễn Lý Hải cho biết Lật mặt: Nhà có khách (hay Lật mặt 4) là phần phim đầu tiên được anh mang đi chào hàng ở các thị trường quốc tế. Cơ hội để phim được chọn mua, chiếu ở các nước bạn khá khó vì họ đòi hỏi cao về chất lượng âm thanh, hình ảnh. Sang đến Lật mặt 5 - Lật mặt: 48H, việc đưa phim đi chinh chiến tại các thị trường phim ngoại đã dễ dàng hơn và đến Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, nhiều nhà phát hành quốc tế đã chủ động “đặt gạch”. Sự thay đổi này nhờ vào uy tín cũng như những đảm bảo về mặt chất lượng phim mà Lý Hải đã gầy dựng được. Tuy nhiên, anh cho biết, một phần sự ủng hộ này cũng đến từ cách anh thực hiện một bộ phim mang nhiều yếu tố Việt Nam.
“Ở Lật mặt 6, tôi phục dựng làng chiếu truyền thống và đưa lên phim. Ở phần 5, tôi đưa vào phim cảnh sông nước miền Tây với những chiếc phà, xe lôi mang đặc trưng vùng miền. Khi đưa phim cho những nhà làm phim Hàn Quốc xem, họ rất thích những nét riêng biệt đó. Tôi nghĩ, chỉ khi nào giới thiệu những “món ăn tinh thần” mang giá trị liên quan đến xứ sở của mình thì khán giả quốc tế mới hào hứng, tò mò” - Lý Hải cho biết.
|
Bối cảnh làng chiếu trên phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải - Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Theo Lý Hải, mỗi nhà làm phim có quan điểm làm nghề khác nhau nhưng với anh, phim ảnh càng gắn với cuộc sống đời thường, bối cảnh thân thuộc thì khi mang đi quốc tế, anh càng tự tin để giới thiệu tác phẩm với khán giả. Anh tin Việt Nam còn rất nhiều bối cảnh đẹp, câu chuyện hay để các nhà làm phim khai thác, đưa vào tác phẩm.
Quan điểm làm nghề của Lý Hải cũng giống như cách một số nhà làm phim trong nước đang thực hiện. Họ chọn đi con đường khá dài, kiểu “mưa dầm, thấm lâu” để vừa kể được câu chuyện muốn kể, vừa quảng bá được một phần hình ảnh Việt Nam dù rất nhỏ trên phim. Với họ, việc kích cầu du lịch nội địa với chỉ một bộ phim là khá khó nhưng nếu thông qua nhiều tác phẩm thì sẽ tạo ra hiệu quả. Hướng đi này đã thành công với nền phim ảnh ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… và Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng.
Diễm Mi