"Nhiều thiên thần chống dịch COVID-19 đang phải làm kiểm điểm"

03/03/2023 - 12:30

PNO - Đó là chia sẻ của tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội với Sở Y tế TPHCM về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch; thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng sáng nay (3/3).

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng đã báo cáo về kết quả công tác, kế hoạch thực hiện trong thời gian qua, và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế TP trong thời gian tới.

Sau kết luận của thanh tra về mua sắm thuốc, thiết bị phòng chống dịch, nhiều đơn vị tiên phong phải làm kiểm điểm, ảnh minh họa
Sau kết luận của thanh tra về mua sắm thuốc, thiết bị phòng chống dịch, nhiều đơn vị tiên phong phải làm kiểm điểm (Ảnh minh họa)

Về công tác phòng chống dịch COVID-19 những năm qua, ông Châu cho biết các đơn vị y tế tiên phong đứng đầu, chủ chốt đã không sợ hiểm nguy, không màng sinh tử tham gia vào cuộc chiến chống dịch. Lúc đó y, bác sĩ được tôn vinh, được ngợi ca như “thiên thần”, thì hiện nay đặc biệt là những người trong hội đồng thuốc điều trị, ban giám đốc các bệnh viện phải làm kiểm điểm bởi kết luận của thanh tra. 

Những đơn vị không đi tiên phong thì không có sai sót, xét thi đua vẫn là những đơn vị xuất sắc. Trong khi đó, do phải làm kiểm điểm nên các đơn vị tiên phong chống dịch sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, vô tình tạo tâm lý không công bằng cho nhân viên y tế, các đơn vị dè dặt hơn trong mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho khám, chữa bệnh.

“Cá nhân tôi trước tháng 8/2021 là Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM nên sắp tới cũng làm kiểm điểm. Điều này, thực sự ảnh hưởng đến tâm tư của anh em khi vừa trải qua một trận chiến khốc liệt” - ông Châu chia sẻ.

Nói về vấn đề này, ông Châu cho rằng trong đại dịch, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, do đại dịch lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung cũng có những tác động không nhỏ đến việc mua sắm. 

Nhất là giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, việc lập dự toán kinh phí cho phòng chống dịch chưa sát với thực tế, các kịch bản phòng chống dịch luôn thay đổi; thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị… khan hiếm, giá sản phẩm tăng liên tục nên việc cập nhật báo giá của các nhà cung cấp cũng khó khăn hơn. Thậm chí có giai đoạn hàng hóa, dịch vụ chỉ có 1, 2 nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể có đủ các báo giá. Thêm phần các công ty thẩm định giá không phản hồi, từ chối khi đơn vị y tế nhờ hỗ trợ.

Các y bác sĩ không ngại sức khỏe, tính mạng để tham gia cuộc chiến chống COVID-19
Các y bác sĩ không ngại sức khỏe, tính mạng để tham gia cuộc chiến chống COVID-19

Mặt khác, biến động giá cả quá nhanh nên khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm, thì giá không còn phù hợp để mua sắm tiếp theo. Thậm chí sau khi đã quyết định mua sắm thì bên cung ứng thông báo hết hàng không thể mua được.

Chưa kể đến dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới công tác nhập khẩu và các điều kiện thương mại khác. Hay một số trang thiết bị có tính đặc thù, không thông dụng, có những loại mà đơn vị chưa sử dụng bao giờ nên rất khó khăn.

“Sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, các đơn vị tiên phong, chủ chốt trong phòng chống dịch của TPHCM được ghi nhận có sai sót, thiếu sót trong mua sắm đấu thầu. Các cơ sở này đang phải thực hiện kiểm điểm, thậm chí là làm việc với cơ quan điều tra” - ông Châu nói thêm.

Cuối buổi chia sẻ, ông Châu kiến nghị đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước cần hoàn thành chính sách khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, nhằm mua được hàng hóa có chất lượng với giá cả hợp lý thay cho mục tiêu hàng hóa giá rẻ nhất. Đặc biệt, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong trường hợp phòng chống dịch.

Khi thanh tra, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch cần xem xét gắn với bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết số 30/2021/QH15; khi xem xét, đánh giá, xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần dựa vào Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI