Nhiều thành phố đang dần trở thành “thiên đường khí hậu”

26/11/2023 - 06:00

PNO - Biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn cầu. Bằng các chiến lược thích ứng phù hợp, nhiều thành phố trên thế giới đã có thể vượt qua thách thức, dần trở thành những “thiên đường khí hậu” với không gian xanh, các tòa nhà thông minh và những khu dân cư nhỏ gọn.

 

“Gardens by the Bay” - công viên đô thị mang tính biểu tượng của Singapore - tràn ngập giống cây và hoa từ khắp nơi trên thế giới - Nguồn ảnh: cntraveler
“Gardens by the Bay” - công viên đô thị mang tính biểu tượng của Singapore - tràn ngập giống cây và hoa từ khắp nơi trên thế giới - Nguồn ảnh: cntraveler

Nơi trú ẩn trong mơ

Tình trạng nước biển dâng cao, hạn hán kéo dài, thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ ngày càng nóng hơn đang khiến nhiều khu vực trên thế giới trở nên không thể sinh sống được nữa. Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng như dự đoán, nhiều vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới có thể sẽ “không còn sự sống”. Ngân hàng Thế giới ước tính, vào năm 2050, sẽ có đến 216 triệu người có thể phải di dời nơi ở do biến đổi khí hậu.

Nhưng vẫn có những thành phố chủ động thực hiện các bước chuẩn bị, dần trở thành nơi “trú ẩn” trước các thay đổi cực đoan của thời tiết. Trong nhiều thập niên, Perth, Sydney và Melbourne của Úc được ca ngợi là một vài trong nhiều nơi đáng sống nhất hành tinh. Gần đây, có thêm Hobart, thủ phủ đảo Tasmania (cực Nam Úc). Hàng ngàn người đã chuyển đến đó với lý do hàng đầu chính là khí hậu. Hobart có khí hậu ôn hòa quanh năm nhờ nằm ở bán cầu nam và vùng biển xung quanh hiện đang có khoảng 250.000 cư dân. Dự tính, có khoảng 45.000 người sẽ tiếp tục chuyển đến đây trong vòng 10 năm tới.

Nhờ may mắn về vị trí địa lý, một số nơi trên thế giới ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Nằm ở trung tâm châu Âu, thủ đô nước Áo tự hào có không gian công cộng nổi tiếng toàn cầu và nguồn cung cấp nước trực tiếp từ dãy Alps. Vienna tự hào có hệ thống giảm thiểu lũ lụt lớn, giúp bảo vệ người dân khỏi mực nước dâng cao của sông Danube. Vào năm 2020, họ đã khởi xướng các khu vực “bảo vệ khí hậu”. Tại đây, các tòa nhà muốn được cấp phép xây dựng phải có hệ thống cấp thoát nước và sưởi ấm đảm bảo thân thiện với môi trường. Hơn một nửa thành phố hiện đã được phủ không gian xanh.

Các thách thức về xã hội

Sự nổi tiếng như một thiên đường khí hậu đã phần nào là nguyên nhân cho sự gia tăng dân số của TP Hobart. Điều này đặt ra không ít vấn đề về quản lý xã hội cho chính quyền nơi đây. Các quy hoạch phải tính toán cho sự tăng thêm hàng ngàn cư dân trong những năm tới. Thành phố cho biết sẽ cần có thêm gần 30.000 ngôi nhà. Dự đoán nhiệt độ trung bình của đảo Tasmania sẽ tăng gần 15 độ C vào năm 2100. Bên cạnh mùa đông ngày càng ít lạnh hơn, thành phố còn chịu tác động của tình trạng cháy rừng, hạn hán gia tăng. Theo giáo sư Jason Byrne (Đại học Tasmania), Hobart là một trong những thành phố dễ xảy ra hỏa hoạn nhất ở Úc. Khi ngày càng nhiều người di cư đến đây vì khí hậu, giao thông trở nên tồi tệ hơn, giá nhà ở tăng vọt. 

Để đối phó với làn sóng người di cư đến để tránh tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, Vienna đã ban hành chính sách nhập cư nghiêm ngặt trước tình trạng di cư không giấy tờ. Vào đầu những năm 2000, Vienna đã tăng gấp đôi số nhà giá rẻ, với tốc độ xây dựng khoảng 10.000 căn/năm. “Ngày nay, nguồn cung nhà ở được trợ cấp là gần 200.000 căn. Do đó, một nửa dân số Vienna đang sống trong nhà ở công cộng hoặc nhà trợ cấp” - kiến trúc sư Amila Širbegović nói.

Các báo cáo cho thấy đại đa số người “tị nạn môi trường” khắp thế giới sẽ không thể di chuyển đến các đô thị xa xỉ như Vienna. Chính sách nhập cư của các nước giàu và việc thiếu luật quốc tế bảo vệ người di cư vì khí hậu là rào cản. Hơn nữa, giải pháp tối ưu đối phó với tình trạng môi trường nóng hơn, kém ổn định hơn sẽ phải bắt đầu và kết thúc ngay tại mỗi quốc gia bị ảnh hưởng.

Thích ứng và vượt qua

Ở Pakistan, lũ lụt thảm khốc xảy ra trong năm 2022 đã làm hơn 1.700 người thiệt mạng. Yasmeen Lari - nữ kiến trúc sư đầu tiên của Pakistan, người sáng lập quỹ Di sản Pakistan - cho biết: “Mọi người không thể di chuyển. Khi nước rút, họ phải tái định cư tại chỗ, không có lựa chọn nào khác”. Quỹ Di sản Pakistan đã lên kế hoạch giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhất. Từ khi lũ lụt xảy ra, tổ chức này đã giúp xây dựng hơn 6.000 ngôi nhà sàn tre tại 13 ngôi làng ở Sindh và vùng phụ cận. Mô hình này đã được chứng minh hiệu quả. “Chúng tôi đến thăm sau khi nước rút năm ngoái và tất cả họ đều sống tốt, mọi thứ an toàn, ổn định” - bà nói.

Khi Trái đất nóng lên, Singapore dễ bị tổn thương vì nước biển dâng cao. Dừ vậy, quốc gia này vẫn có khả năng trở thành “thiên đường khí hậu” với chính sách đầy tham vọng của chính phủ nhằm tăng sức hấp dẫn cho đảo quốc. Họ đang nỗ lực biến 46% diện tích thành “rừng đô thị”. Không gian xanh sẽ giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt nguy hiểm do bê tông và nhựa đường sinh ra đồng thời hoạt động như một hệ thống điều hòa tự nhiên.

Singapore cũng đang chi hàng chục tỉ USD cho các công trình chắn sóng và hệ thống phòng thủ đại dương. Theo các nhà quan sát, rõ ràng không có nơi nào thoát khỏi tác động của một hành tinh đang nóng lên. Nhưng có những thành phố đã có sự phòng bị, chiến lược thích ứng tốt, không chỉ chiến thắng các tác động xấu của biến đổi khí hậu mà còn trở thành nơi đáng sống. 

Nam Anh (theo National Geographic, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI