Nhiều thanh niên châu Á “rút lui khỏi thế giới”, vì sao?

27/05/2024 - 06:01

PNO - Cách gia đình của một người phản ứng với việc rút lui của người đó là rất quan trọng. Nếu được các thành viên trong gia đình hỗ trợ, hikikomori có thể tái hòa nhập xã hội dễ dàng hơn.

Năm 15 tuổi, Charlie bắt đầu sống một cuộc sống thu hẹp, suốt ngày nằm trên chiếc giường tầng trong căn hộ chật chội ở Hồng Kông (Trung Quốc) của gia đình.

Charlie hiện 19 tuổi và vẫn đang học cách định hướng thế giới bên ngoài. “Tôi cảm thấy rất chán nản, bối rối, giống như không biết mình muốn gì” - anh nói.

Sự co mình của Charlie bắt đầu sau khi anh tranh cãi với một giáo viên và tình cờ nghe được các bạn cùng lớp chỉ trích mình. “Tôi nhạy cảm với lời nói của mọi người. Tôi thực sự quan tâm đến những gì người khác nói về tôi và cách họ nhìn nhận tôi”. Charlie ngủ cả ngày và thức dậy vào lúc hoàng hôn. Đến tối, khi cả nhà đi ngủ, anh lại dành hàng giờ lướt điện thoại.

Charlie nằm trong số hàng triệu hikikomori - một thuật ngữ tiếng Nhật để chỉ những người tách mình khỏi xã hội hay rũ khỏi thế giới, đôi khi trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Hiện tượng này xuất hiện ở châu Á và đang dần lan khắp thế giới.

Sung O-hyun và An Yoon-seung trở thành bạn bè sau khi cùng sống tại một chung cư ở Seoul - nơi những người ẩn dật cùng nhau chia sẻ khó khăn và khuyến khích tương tác xã hội - Nguồn ảnh: CNN
Sung O-hyun và An Yoon-seung trở thành bạn bè sau khi cùng sống tại một chung cư ở Seoul - nơi những người ẩn dật cùng nhau chia sẻ khó khăn và khuyến khích tương tác xã hội - Nguồn ảnh: CNN

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) cho rằng, sự phát triển của internet và sự suy giảm tương tác mặt đối mặt có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự lan rộng của hikikomori trên toàn cầu.

Những người khác cho rằng đại dịch COVID-19 có thể khiến nhiều người cố thủ trong nhà để tránh sự lây lan của vi rút và sau đó không còn muốn bước ra thế giới bên ngoài. Ước tính, hiện có hơn 2 triệu người hikikomori ở Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khắp châu Á, các chính phủ và tổ chức đang nỗ lực giúp hikikomori tái hòa nhập xã hội.

Khi cha mẹ Toyoaki Yamakawa lâm bệnh, anh chuyển từ Tokyo về quê nhà Fukuoka để chăm sóc họ. Là con một nên anh cảm thấy nặng gánh khi chăm sóc cha mẹ già. Theo thời gian, anh rút lui và ở trong nhà suốt 5 năm, bắt đầu từ tuổi 35.

"Lúc đầu, tôi nhốt mình trong phòng ngủ. Tôi không còn sức để làm bất cứ điều gì nên hầu như tôi ngủ cả ngày” - anh kể.

Nhiều hikikomori trưởng thành ở Nhật Bản rút lui sau khi mất việc hoặc gặp khó khăn, không thể chu cấp cho gia đình. Nhật Bản có gần 1,5 triệu hikikomori.

Sung O-hyun - một người Hàn Quốc, 32 tuổi - đã sống ẩn dật khoảng 5 lần vì nhiều lý do khác nhau. Ở tuổi 27, anh gặp thất bại trong công việc và rút lui đến một nơi an toàn.

“Tôi đã nghe rất nhiều phản hồi tiêu cực. Tôi thất vọng về bản thân, chán nản và mất tự tin để làm việc trở lại nên chỉ nhốt mình trong phòng” - anh nói. Do cảm thấy xấu hổ khi gặp người thân nên anh chỉ rời khỏi phòng để ăn hoặc đi vệ sinh khi họ ra khỏi nhà hoặc đang ngủ.

Theo khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc vào năm 2022, có 2,4% (250.000) người Hàn Quốc từ 19-34 tuổi sống ẩn dật. Năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc cho một số thanh niên ẩn dật đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, bao gồm chi phí sinh hoạt lên tới 650.000 won (475 USD) mỗi tháng, để giúp họ “tái hòa nhập xã hội”.

Sau những câu chuyện của mình, giờ thì Charlie, Toyoaki Yamakawa và Sung đã dần hòa nhập lại với cộng đồng. Họ đã tham gia các trung tâm chuyên hỗ trợ những người ẩn dật ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ở đó, họ tái gắn kết với nhau, khuyến khích tương tác xã hội và tạo ra thói quen. Mỗi sáng, họ tụ họp để tâm sự và chia sẻ cảm xúc. Họ cũng ăn trưa cùng nhau vào các ngày trong tuần và thay nhau nấu nướng.

An Yoon-seung - bạn cùng nhà và cũng là bạn cũ của Sung - cho biết: “Chúng tôi làm rất nhiều việc cùng nhau, như cùng nhau xem phim, ăn cùng nhau, trò chuyện, chia sẻ khó khăn với nhau”.

Riêng Charlie mất gần 1 năm để hồi phục. Anh gặp một nhân viên xã hội ở nhà thờ, rồi dần tham gia các hoạt động thiện nguyện, trị liệu cho thú cưng, thủ công mỹ nghệ.

Theo Teppei Sekimizu - phó giáo sư xã hội học tại Đại học Meiji Gakuin - cách gia đình của một người phản ứng với việc rút lui của người đó là rất quan trọng. Nếu được các thành viên trong gia đình hỗ trợ, hikikomori có thể tái hòa nhập xã hội dễ dàng hơn.

Lệ Chi (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI