Nhiều thách thức trong thu hồi tài sản tham nhũng

11/10/2024 - 17:02

PNO - Hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhiều bước tiến nhưng chưa được như kỳ vọng. Cần có các biện pháp chế tài mạnh mẽ, cơ chế phối hợp đồng bộ để thu hồi tài sản bị thất thoát cho nhà nước và nhân dân.

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM - nhìn nhận thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ đóng góp vào ngân sách mà còn củng cố lòng tin của người dân
Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM - nhìn nhận thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ đóng góp vào ngân sách mà còn củng cố lòng tin của người dân

Đó là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM” do Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM phối hợp Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng 11/10.

Nhiều đối tượng tìm cách tẩu tán tài sản

Ông Trần Văn Bảy - Chánh Thanh tra TPHCM - cho hay, giai đoạn từ năm 2021 – 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành thanh tra thành phố đã thực hiện 828 cuộc thanh tra. Nếu như năm 2021, số tiền thu hồi đạt gần 10,7 tỉ đồng trong tổng số tiền phải thu 22,1 tỉ đồng (tỉ lệ 48,22%) và 104,36m2 đất; thì 6 tháng đầu năm 2024, số tiền đã thu hồi là 28.000 tỉ (đạt tỉ lệ 100%) và 26.684 m2 đất/29.345,8 m2 đất phải xử lý (đạt tỉ lệ 90,9%)

Tuy vậy, theo ông Trần Văn Bảy, công tác thu hồi tài sản gặp không ít khó khăn như, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm. Hành vi tội phạm và tham nhũng có thể đã được phát hiện từ sớm, nhưng chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với bị can, bị cáo.

Ông Trần Văn Bảy - Chánh Thanh tra TPHCM - cho hay công tác thu hồi tài sản tham nhũng gặp không ít khó khăn
Ông Trần Văn Bảy - Chánh Thanh tra TPHCM - cho hay công tác thu hồi tài sản tham nhũng gặp không ít khó khăn

Việc xử lý tài sản sai phạm, chỉ có tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của thanh tra; còn lại các tài sản khác thì cơ quan thanh tra không có quyền trực tiếp mà chỉ được yêu cầu, kiến nghị. Đồng thời, cơ quan thanh tra cũng không có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra. “Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của người có hành vi sai phạm và những người thân thích của họ” - ông Trần Văn Bảy nhận định.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng - Phó Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an TPHCM - thông tin, giai đoạn 2021-2023, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã thụ lý giải quyết điều tra 208 vụ án/512 bị can, xử lý 419 vụ việc về kinh tế tham nhũng… với tổng số tài sản bị thất thoát chiếm đoạt lên tới gần 2.000 tỉ đồng. Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã thu hồi 1.260 tỉ đồng (đạt 63,2%). Kết quả này khá cao, tuy vậy, cũng gặp phải không ít khó khăn trong giai đoạn phát hiện, kê biên và thu hồi tài sản.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng - Phó Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an TPHCM
Thượng tá Ngô Thuận Lăng - Phó Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an TPHCM

“Quá trình thực hiện hành vi tội phạm, các đối tượng chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Họ và người thân vẫn chuộng sử dụng tiền mặt nên việc xác định tài sản để phân loại, bóc tách rất khó. Trong khi đó, việc chuyển tiền đi nước ngoài rất dễ dàng, chỉ một cuộc điện thoại ở Việt Nam có thể chuyển đi và giao dịch khắp thế giới, chuyển hóa thành các khoản đầu tư ở nước ngoài… Trong khi việc hỗ trợ và tương trợ tư pháp về các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn” - ông Ngô Thuận Lăng nói.

Bên cạnh đó, theo quy định, việc kê biên và phong tỏa số tiền trong tài khoản phải tương ứng với hành vi phạm tội. Việc này rất khó xác định bởi trong giai đoạn tiền tố tụng, kể cả trong giai đoạn điều tra, khởi tố vụ án đều khó xác định vì các dòng tiền đan xen nhau, đòi hỏi cơ quan điều tra phải rất thận trọng.

Kiến nghị xử lý mạnh tay

Ông Trần Văn Bảy cho rằng cần quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian. Cần phải có quy định cụ thể về thẩm quyền trực tiếp của cơ quan thanh tra đối với tài sản là bất động sản, động sản và giấy tờ có giá trị; thẩm quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra. Thậm chí, cần biện pháp mạnh tay đó là hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng.

Ông Ngô Phạm Việt - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM - đánh giá, những đối tượng phạm tội kinh tế chức vụ tham nhũng đều am hiểu luật pháp, trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, chúng có giải pháp tẩu tán những tài sản chiếm đoạt, đưa người thân đứng tên. Do đó, kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu đề ra yêu cầu xác minh, kiểm tra thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ dấu hiệu hình sự, xác định tài sản bị chiếm đoạt; đồng thời tiến hành xác minh, kiểm soát, ngăn chặn tài sản liên quan đến dấu hiệu tội phạm, xác minh quan hệ nhân thân đối tượng nhằm truy vết tài sản liên quan cần xác minh.

Ông Ngô Phạm Việt - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM - đề xuất khởi tố tội rửa tiền với các đối tượng phạm tội cố tình tẩu tán tài sản
Ông Ngô Phạm Việt - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM - đề xuất khởi tố tội rửa tiền với các đối tượng phạm tội cố tình tẩu tán tài sản

Viện kiểm sát cũng đặt ra vấn đề thuyết phục các bị can và gia đình bị can nộp lại tài sản phạm tội để hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. “Điều này vừa thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Điển hình trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 30 ngày truy tố, viện kiểm sát đã thu hồi được gần 8 tỉ đồng do các bị can và thân nhân tự nguyện nộp khắc phục hậu quả” - ông Ngô Phạm Việt dẫn chứng. Cũng theo ông, để răn đe, nếu xác định rõ các đối tượng tẩu tán tài sản mà không có ý định khắc phục thì đề nghị khởi tố tội rửa tiền.

Thạc sĩ Hồ Quân Chính - Học viện Tư pháp chi nhánh TPHCM góp ý, cần nghiên cứu xây dựng các quy định pháp luật cho phép các cơ quan có thẩm quyền áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn và truy vết dòng tiền, tài sản của những người có dấu hiệu tham nhũng. Các biện pháp này mới chỉ đặt các tài sản, giao dịch của đối tượng có dấu hiệu tham nhũng dưới sự giám sát đặc biệt. Để thực hiện được cơ chế này cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cơ quan như cơ quan điều tra, cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng, các tổ chức tín dụng… để đảm bảo khi có thông tin tố giác hoặc cơ quan có thẩm quyền phát hiện có dấu hiệu của hành vi tham nhũng thì lập tức kích hoạt báo động cho toàn hệ thống để theo dõi dòng tiền, tài sản của đối tượng.

“Nếu như cơ chế này hoạt động hiệu quả thì khi cơ quan có thẩm quyền chính thức ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cơ quan chức năng đã có sẵn đầy đủ các thông tin về dòng tiền, tài sản bất minh để áp dụng ngay các biện pháp tố tụng cần thiết. Như vậy, việc truy thu tiền phạm pháp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với tình hình hiện nay” - ông Hồ Quân Chính góp ý.

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM:

Thu hồi tài sản tham nhũng để củng cố lòng tin của người dân

Các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Chính vì vậy, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ cấp bách.

Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát tại TPHCM đã có những bước tiến quan trọng. Chúng ta đã thành công trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu như vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... Tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp vào ngân sách Nhà nước mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát động Giải Báo chí TPHCM về phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024

Tại tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Tăng Hữu Phong đã phát động Giải Báo chí TPHCM về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.

Theo ông Tăng Hữu Phong, giải nhằm động viên, khuyến khích ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc; khẳng định báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền để phòng ngừa, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ban Tổ chức Giải báo chí tiếp nhận các tác phẩm dự giải phải là tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 1/1/2024 đến 20/12/2024.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI