Nhiều thách thức trong quản lý tài nguyên nước

13/06/2013 - 14:57

PNO - PNO - Ngày 13/6, tại TP.HCM, trong khuôn khổ dự án hợp tác quy mô dài hạn giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam (WISDOM), Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (SISD) đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (ZEF) thuộc ĐH Bonn...

 Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Võ Công Nguyện, quyền Viện trưởng SISD cho biết, Dự án “Hệ thống thông tin liên quan đến nước nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, viết tắt là WISDOM, được Chính phủ Đức và Chính phủ VN khởi động từ năm 2009. Cụ thể, dự án đã thu hút 18 cơ quan chuyên ngành của hai nước tham gia, với mục tiêu cung cấp cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, thủy lợi, khí hậu và kinh tế - xã hội của ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyện, một cơ sở dữ liệu, cho dù chất lượng đến thế nào cũng không tự tạo ra sự cải thiện trong quản lý. Do đó, một trong những mục tiêu chính của WISDOM là tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến nước giữa các tổ chức nghiên cứu thuộc những ngành chuyên môn khác nhau và giữa các tổ chức nghiên cứu với các cơ quan quản lý.

Nhieu thach thuc trong quan ly tai nguyen nuoc

Các đại biểu tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thành Công.

GS.TS Bùi Thế Cường, Trung tâm Tư vấn Phát triển thuộc SISD nhìn nhận, hiện nay mọi hoạt động quản lý đất và nước đều tác động mạnh đến những nhóm người, những vùng đất, đến cách sử dụng và chất lượng của nguồn đất và nước. Ngược lại, các nhóm dân cư lại có những lợi ích của họ và nhu cầu khác nhau có thể giúp cải thiện sinh kế của họ trong khu vực tài nguyên này. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tác động kinh tế - xã hội trong quản lý tài nguyên nước luôn luôn phải đặt trong sự đa dạng của sinh kế người dân, về việc tài nguyên nước bị định hình bởi những thay đổi về khí hậu, nhân khẩu và chính trị, xã hội.

Ông Simon Bennedikter, chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện ZEF (Đại học Bonn, Đức) thì đánh giá sinh kế của người dân nông thôn tại ĐBSCL hiện có mối tương quan gắn chặt với các tài nguyên đất và nước, vì nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Theo ông Simon, dù các khu công nghiệp ở khu vực này chưa nhiều nhưng đã bước đầu tác động đến nguồn nước trên nhiều khía cạnh. Thậm chí nhiều cơ sở có vị trí dọc theo những nơi có nguồn nước đã xả chất thải và nước ô nhiễm ra kênh rạch, hoặc tận dụng kênh rạch như là phương tiện giao thông đường thủy và sử dụng cả trong sản xuất nước đá khối, nước đóng chai…

Tại tọa đàm, nhiều nhà khoa học cũng bày tỏ quan ngại về thực trạng sử dụng tài nguyên nước thiếu bền vững mà tác động trực tiếp là sinh kế của đại bộ phận cư dân nông thôn bị ảnh hưởng trầm trọng. Chẳng hạn, một nghiên cứu tại Cần Thơ vào năm 2010 cho thấy có 86 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tăng gấp 9 lần trong vòng 4 năm. Hoặc như tại Long An, hiện có 30 khu công nghiệp và 40 cụm công nghiệp (tổng diện tích 15.138,6 ha) đã thu hẹp sinh kế của phần lớn cư dân nông nghiệp hiện hữu, đồng thời cũng liên tục gây ô nhiễm nguồn nước mà đáng kể nhất là hiện tượng rò rỉ nước thải ra đường thoát nước, từng nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt hành vi gây ô nhiễm.

Từ thực trạng nêu trên, các cơ quan tham gia Dự án WISDOM cũng chỉ ra các thách thức trong quản lý nguồn nước khu vực ĐBSCL hiện nay, như nước dùng cho tưới tiêu và nuôi trồng thủy hải sản dự báo tới năm 2020 sẽ giảm xuống đáng kể; nguy cơ nhà máy thủy điện phát triển ồ ạt kèm theo các hệ quả môi trường, xã hội, biến đổi khí hậu; biến đổi sự hình thành nguồn nước ngầm; hoạt động đối phó với lũ lụt, nước biển dâng…

THÀNH CÔNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI