Nhiều thách thức trong phân luồng học sinh sau trung học

20/09/2024 - 15:26

PNO - Sau nhiều năm triển khai, việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Ngoài vấn đề nhận thức, nguyên nhân của việc này còn do những hạn chế trong đào tạo nghề, cũng như công tác phối hợp giữa trường trung học, trường nghề và doanh nghiệp.

Chỉ khoảng 26,19% học sinh sau THCS vào trường nghề

Sáng 19/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TPHCM phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS, THPT giai đoạn 2023-2025.

 Sinh viên trường nghề của TPHCM tham gia hội thi học sinh, sinh viên giỏi nghề năm 2024 - ẢNH: T.T.
Sinh viên trường nghề của TPHCM tham gia hội thi học sinh, sinh viên giỏi nghề năm 2024 - Ảnh: T.T.

Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM - thông tin, đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ này hằng năm hiện chỉ đạt khoảng 26,19%, dự báo nhiều thách thức trong việc thực hiện đề án trong năm tới.

Ông Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM - cũng cho biết, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học sơ cấp và trung cấp nghề còn thấp. Trong khi một tỉ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia thị trường lao động mà không qua đào tạo đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động. Năm 2023, trong 30% học sinh quận Bình Tân phân luồng thì tỉ lệ vào học sơ cấp, trung cấp chỉ từ 10 - 15%.

Tại quận 1, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh - Phó trưởng Phòng GD-ĐT - nhận định, công tác phân luồng trên địa bàn chưa hiệu quả là do điều kiện kinh tế của phần lớn gia đình khá giả nên muốn con em vào đại học, cao đẳng. Phụ huynh tin rằng sau THCS là lứa tuổi chưa trưởng thành, trong khi các trường nghề giáo trình còn lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu của xã hội, khó tìm được việc làm. Mặt khác, hệ thống các trường THPT công lập, ngoài công lập và giáo dục thường xuyên (GDTX) nhiều nên phụ huynh không mặn mà cho con vào trường nghề.

Theo vị đại diện Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), tư tưởng lựa chọn nghề nghiệp dựa vào cảm tính, sở thích cá nhân, theo trào lưu vẫn còn ở khá nhiều học sinh. Cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động hướng nghiệp, phân luồng ở cấp THPT chưa hiệu quả. Một trong những hình thức phân luồng cần có là trải nghiệm các ngành nghề tại các công ty, xí nghiệp… nhưng các trường THPT không có nhiều kinh phí để tổ chức.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - nhận xét: các trường trung học hiện không có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp, giáo viên kiêm nhiệm không được đào tạo về chuyên môn nên thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều trường chưa tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp ở các lĩnh vực lao động khác nhau, hình thức hướng nghiệp còn rập khuôn.

Là đơn vị GDNN, tiến sĩ Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TPHCM - nhấn mạnh: “Việc nhiều địa phương lơ là trong việc xét, giải quyết cấp bù học phí cho người học đã làm mất lòng tin của người học, phụ huynh vào cơ sở GDNN. Những lý do được các địa phương đưa ra là học sinh đã đi làm và nhận lương (mặc dù làm tư nhân), quá độ tuổi đi học, học không liên tục… Ngay cả một số quận, huyện tại TPHCM cũng chưa giải quyết cấp bù học phí cho học sinh năm học 2023-2024. Đến nay, học sinh đã học học kỳ thứ 3 nhưng mới nhận miễn giảm được 1 học kỳ”.

Thêm nguyện vọng xét tuyển cho trường nghề

Từ thực tế trên, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh đề xuất, nên đưa ra chỉ tiêu phân luồng dựa trên đặc thù của địa phương. Ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các cơ sở GDNN chất lượng cao, đặc biệt các cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và thực hành, cơ sở có nghề trọng điểm, nghề kỹ thuật cao, nghề “xanh”. Phát triển chế độ ưu đãi cho học sinh tham gia phân luồng thành một chính sách của xã hội.

Đại diện Trường THPT Dương Văn Thì chia sẻ, trường THPT cần theo dõi nguyện vọng nghề nghiệp của học sinh qua 3 năm học để kịp thời điều chỉnh và có hoạt động hướng nghiệp phù hợp. Trong quá trình học tập, các học sinh có mong muốn chuyển qua các trung tâm học nghề cần được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, trường cần khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp… để truyền cảm hứng lựa chọn nghề nghiệp.

Để các cơ sở GDNN thu hút học sinh, ông Nguyễn Đăng Lý mong muốn ngành GD-ĐT cho phép các trường nghề đủ điều kiện có thể dạy hệ GDTX trong nhà trường. Đồng thời cho phép trường nghề giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp tại các trường trung học. Sở LĐ-TB-XH cần cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu cho giáo viên tư vấn hướng nghiệp; triển khai các công cụ, bài kiểm tra đánh giá năng lực, sở thích nghề nghiệp để bảo đảm tính khoa học và cá nhân hóa trong việc tư vấn học sinh. Phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện nên có cơ chế linh hoạt trong việc thanh toán tiền hỗ trợ học nghề, để các trường nhận trực tiếp kinh phí hỗ trợ khi có xác nhận của phụ huynh.

Về nội dung đào tạo, thạc sĩ Hoàng Phan Bá Phương - Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Bách nghệ TPHCM - cho rằng, sau mỗi khóa học, trường nghề nên khảo sát học sinh, phụ huynh và doanh nghiệp để điều chỉnh, cập nhật chương trình đáp ứng thực tiễn. Mỗi năm cần mở thêm ngành mới để người học có nhiều lựa chọn nghề nghiệp…

Ông đề nghị: “Trong các nguyện vọng xét tuyển vào lớp Mười công lập cần có thêm nguyện vọng 4, 5 cho các trường nghề, hoặc trung tâm GDTX… Đồng thời cho học sinh học chương trình văn hóa 4 môn cũng được đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia như học sinh phổ thông hoặc học sinh học GDTX để học sinh mạnh dạn tham gia học nghề”.

Việc đào tạo nghề cho học sinh là quan trọng, khẳng định chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng các trường nghề. Các đơn vị cần tập trung tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về học và chọn nghề, phân luồng phù hợp theo điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh. Sở GD-ĐT tạo điều kiện cho trường nghề tham gia bình đẳng trong tuyển sinh, hướng nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng các trường trung cấp, cao đẳng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực giảng dạy để thu hút học sinh. Đặc biệt, các trường nghề cần chú trọng đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh để doanh nghiệp an tâm tuyển dụng.

Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TPHCM

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI