Nhiều tài xế phải đổ bỏ trái cây ngay cửa khẩu

06/01/2022 - 06:14

PNO - Trái cây, rau củ tươi là những mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất khi phía Trung Quốc tạm ngừng thông quan tại một số cửa khẩu biên giới.

Bán rẻ hoặc đổ bỏ

Gần một tháng qua, tài xế Nguyễn Tài Linh - 45 tuổi, quê Bình Định - phải nằm phơi sương trên Quốc lộ 1, đoạn cách cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn 10km, để chờ thông quan 22 tấn mít sang Trung Quốc.

Nơi sinh hoạt của anh là buồng lái chật chội. Phía sau, dàn máy lạnh hoạt động liên tục để bảo quản trái cây. Dù vậy, mỗi ngày, anh Linh phải ba lần trèo vào bên trong để trực tiếp kiểm tra chất lượng nông sản. Tối 2/1, vừa mở cửa ra để xem lần cuối trước khi đi ngủ, anh Linh té ngửa khi thấy hơn một nửa số mít đã chuyển sang màu đen, dòi bò lúc nhúc. Phát hoảng, anh lập tức gọi điện thoại cho chủ hàng: “Mít hư hết rồi. Giờ phải tính sao?”. Chủ hàng hoảng loạn, chẳng nói được câu nào, vội tắt ngang điện thoại. Khuôn mặt anh Linh chuyển sang lo âu, rầu rĩ. Anh ngồi bệt xuống thùng xe, lắc đầu liên tục. Có thể, anh sẽ phải vứt bỏ số mít trị giá gần 700 triệu đồng.

Hàng trăm tấn nông sản bị vứt bỏ cạnh cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, được người dân thu gom về bán lại - ẢNH: LÊ NGUYỄN
Hàng trăm tấn nông sản bị vứt bỏ cạnh cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, được người dân thu gom về bán lại - Ảnh: Lê Nguyễn

Lát sau, chủ xe container gọi điện thoại cho anh Linh, thông báo chủ hàng bỏ hẳn số mít này, giao cho tài xế tự bán số còn lại để trừ vào chi phí vận chuyển. Sau khi liên hệ các đầu mối, cũng có người đến hỏi mua toàn bộ số mít trên với giá 60 triệu đồng. Anh Linh nhẩm tính, mỗi chuyến hàng từ Tiền Giang ra cửa khẩu Tân Thanh có giá vận chuyển 80 triệu đồng. Hơn một tháng nằm chờ ở cửa khẩu, mỗi ngày, anh tốn hơn 2 triệu đồng tiền dầu để chạy máy lạnh. Nếu bán giá 60 triệu đồng, chắc chắn lỗ nặng, nhưng “có còn hơn không”. 

Chợ tự phát “giải cứu” mít, thanh long

Cùng với xe của anh Linh, hiện nay, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), có hơn 5.000 chiếc xe container với hàng trăm ngàn tấn nông sản đang ùn ứ. Có xe bị mắc kẹt tại cửa khẩu đã gần 40 ngày. Cánh tài xế đậu xe container kín hai bên đường, ngóng chờ thông tin tích cực.

Trên một ngọn đồi tại dốc Quýt, cách cửa khẩu Hữu Nghị 5km, có hơn 30 chiếc xe ủi, máy xúc đang hoạt động hết công suất để tạo một bãi xe dã chiến nhằm giải phóng lượng xe đang đậu phía trước cửa khẩu, gây ùn tắc. Trong khi đó, hơn 2.000 xe đang chen kín bãi tập kết Bảo Nguyên, cạnh cửa khẩu Tân Thanh. Cánh tài xế vật vờ, mệt mỏi do nhiều ngày phải ăn, ngủ tại chỗ. 

Tài xế Nguyễn Thành Trí - 34 tuổi, quê Tiền Giang - cho biết tại bãi xe, mỗi ngày có 1-2 tài xế chấp nhận đổ bỏ trái cây để thu lại thùng giấy. Người dân xung quanh tiếc rẻ, gom chở mít về các bãi đất trống, lựa những trái còn dùng được mang bán với giá 10.000 đồng/trái.  

Ngã tư Mỹ Sơn (TP.Lạng Sơn) trở thành khu chợ tự phát, bày bán hàng chục tấn mít, thanh long; hơn một nửa trong số này hư hỏng, bị vứt lăn lóc khắp nơi. Những tấm bảng hiệu in dòng chữ “Chung tay giải cứu nông sản Việt Nam” được treo lên, thu hút đông đảo người đi đường. Mỗi thùng thanh long 20kg được bán với giá 100.000 đồng. 

Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương cho biết, công ty đang mắc kẹt 40 xe container, không thể đưa hàng vào Trung Quốc, có nguy cơ mất hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó, những ngày qua, hàng chục nông dân trồng thanh long tại H.Châu Thành, tỉnh Long An kéo nhau về trụ sở công ty để yêu cầu thu mua. 

“Mỗi ngày không chở hàng đi được, công ty thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Chúng tôi đang tính cả phương án đổ bỏ hết thanh long ở cửa khẩu, chỉ lấy lại bao bì để vớt vát chút chi phí” - đại diện Hoa Cương cho biết. 

Các biện pháp của phía Trung Quốc là quá mức cần thiết

Đó là quan điểm mà đại diện Bộ Công thương Việt Nam đưa ra trong buổi hội đàm trực tuyến về các biện pháp khẩn cấp nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới với Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), diễn ra cách đây ít ngày.

Bộ Công thương Việt Nam chia sẻ về áp lực phòng, chống dịch của Quảng Tây trong bối cảnh Trung Quốc kiên trì chính sách “zero COVID”, nhưng cho rằng, các biện pháp phòng, chống dịch mà chính quyền tỉnh Quảng Tây đang áp dụng như tạm dừng hoạt động cửa khẩu hay tạm dừng nhập khẩu một số chủng loại trái cây là quá mức cần thiết, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thương mại song phương và gây tổn thất to lớn cho doanh nghiệp, người dân của cả hai bên.

Bộ Công thương Việt Nam đề nghị một số biện pháp cụ thể để góp phần tháo gỡ tình trạng ách tắc hàng hóa hiện nay với phía Trung Quốc. Cụ thể, khôi phục ngay việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đang tạm dừng, tăng thời gian thông quan tại tất cả các cửa khẩu; thống nhất phương án sử dụng và bổ sung tài xế chuyên trách của mỗi bên; đồng ý cho thí điểm đưa lao động đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa COVID-19 tại các địa phương biên giới Việt Nam sang làm việc tại khu vực cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt tài xế và nhân công bốc xếp; khuyến khích các doanh nghiệp hai bên thực hiện thông quan qua các cửa khẩu đường sắt, đường biển; tiếp tục tạo thuận lợi thông quan cho mặt hàng thanh long xuất khẩu của Việt Nam… 

Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây ghi nhận những đề xuất của phía Việt Nam và hứa sẽ báo cáo cấp trên. 

Lê Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI