Nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh

06/11/2023 - 06:17

PNO - Không đội hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách, không đảm bảo chất lượng, đi xe đạp điện, xe máy tốc độ cao, lạng lách nguy hiểm…, nhiều tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đã xảy ra thời gian qua, trong đó có không ít ca nghiêm trọng.

Phụ huynh chủ quan

Mấy ngày qua, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (42 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TPHCM) phải liên tục vào ra bệnh viện để thay phiên chồng chăm sóc con trai 14 tuổi T.V.H. (học lớp Tám) bị gãy chân, dập lách vì tai nạn giao thông. Chị Hằng cho biết, từ khi H. học lớp Sáu chỉ học buổi sáng.

Trường học cách nhà khoảng 5km, chị Hằng phải đi qua trường của H. mới tới chỗ làm, nên chị đã kèm cho con tự đi xe đạp đến trường. Cuối năm lớp Tám, H. xin mẹ mua cho mình xe đạp điện vì sắp tới còn đi học thêm và học 2 buổi ở trường. “Vì con đã đi xe đạp nhiều năm, quen đường nên tôi mua xe cho con. Tôi cũng đã chỉ H. cách chạy xe, dặn dò cẩn thận vì tay ga của xe đạp điện vọt hơn xe máy” - chị Hằng kể. 

Một học sinh bị tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị - ẢNH: PHẠM AN
Một học sinh bị tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị - Ảnh: Phạm An

Không ngờ, H. chỉ mới chạy xe được vài tháng thì xảy ra tai nạn. Chị Hằng cho biết, khoảng 12g ngày 1/11, đang đi làm thì bạn của H. gọi điện thoại thông báo H. bị xe ba gác tông trúng, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn. Khi tới nơi, chị thấy con bị chảy máu nhiều nơi, gãy chân, dập lách… Thấy tình trạng con quá nặng, chị xin được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị. Hiện chân của H. đã được cố định xương, đang được theo dõi dập lách. 

H. kể với chúng tôi: “Sau khi học hết tiết buổi sáng, em chở bạn về nhà. Khi đang chờ đèn xanh để qua đường thì có một chú chạy xe máy ở lề trong vọt lên. Em bị bất ngờ, giật mình kéo tay ga, xe vọt lên nên bị chú ba gác tông trúng. Bạn của em ngồi phía sau nhảy xuống xe kịp nên không sao”. 

Mặc dù mới 12 tuổi, nhưng em P.T.T.T. (ở tỉnh Đồng Nai) đã đi xe máy được gần 2 năm. Theo T., nhà trường cấm học sinh đi xe máy trên 50cc, nên em và các bạn thường gửi xe ở một quán nước đối diện trường. Hôm xảy ra tai nạn, T. thừa nhận em và 2 người bạn nữa đi xe máy dàn thành hàng ngang trên đường, T. chạy ở phía ngoài. “Do đang chạy xe mà trời mưa, em và bạn không có áo mưa nên có chạy nhanh hơn ngày thường. Về gần đến nhà thì có một xe máy đi ngược chiều, vạt áo mưa của cô ấy quật vào tay lái của xe em. Em bị lạc tay lái, loạng choạng rồi tông vào xe bạn em, 2 đứa đều té ngã. Bạn em bị trầy xước nhẹ, còn em đập bụng vào ghi đông xe dập gan và gãy tay” - T. thuật lại.

Khi được hỏi em có đội nón bảo hiểm không, T. lắc đầu. Tiếp tục hỏi thường ngày đi học em có chở theo nhiều bạn không, T. thỏ thẻ: “Lúc nào bạn nhờ thì em mới chở, chở 2-3 bạn, nhưng chỉ chở một đoạn ngắn”.

Chị Hoàng Thị Diễm (mẹ của T.) cho biết đã nhiều lần dặn dò con chỉ chở 1 bạn thôi và phải chạy thật chậm. Tuy nhiên, chị Diễm cũng nói do nhà bán tạp hóa, 2 năm nay đã đưa xe máy cho T. đi giao hàng, giao nước đá nên cứ nghĩ con chạy xe cứng cáp rồi.

Tập cho trẻ cách xử lý tình huống 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, trung bình mỗi tháng có 1-2 em học sinh bị tai nạn giao thông đa chấn thương, tổn thương đa cơ quan rất nặng. Có em gặp tai nạn khi đang được người lớn chở, có em tự đi xe đạp điện, xe máy rồi gây tai nạn. “Đó chỉ là các ca nặng được đưa đến bệnh viện, trên thực thế số lượng học sinh gây tai nạn giao thông còn nhiều hơn” - bác sĩ Phương thông tin.

Ở độ tuổi học sinh, các em không được phép đi xe máy nhưng vẫn còn nhiều trường hợp phụ huynh tự ý đưa xe cho con chạy. Đặc biệt là trẻ ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, rất nhiều học sinh đang đi học bằng xe đạp điện nhưng chưa hiểu biết về luật giao thông, điều khiển xe chạy không theo quy tắc giao thông, chuyển hướng, thay đổi tốc độ bất chợt… rất dễ tự gây tai nạn cho mình và người khác. Nguy hiểm nhất là hầu hết trẻ không đội mũ bảo hiểm hoặc dùng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Các loại xe đạp điện hiện nay tăng tốc rất nhanh, tốc độ rất cao, lực tác động khi xảy ra va chạm rất lớn, dẫn đến gãy xương, vỡ gan, dập lách… phải điều trị thời gian dài.

Một học sinh điều khiển xe máy trên 50cc đến trường bị Đội Cảnh sát giao thông Bến Thành xử phạt vào đầu tháng 10/2023 - ẢNH: THIÊN ÂN
Một học sinh điều khiển xe máy trên 50cc đến trường bị Đội Cảnh sát giao thông Bến Thành xử phạt vào đầu tháng 10/2023 - ẢNH: THIÊN ÂN

Thời gian qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận nhiều trẻ em bị tai nạn giao thông. Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện - cho biết: “Cứ đến năm học, học sinh bị tai nạn do đi xe đạp điện đến trường rất nhiều. Có ngày bệnh viện tiếp nhận 1-3 em bị chấn thương từ nhẹ đến nặng, có em thừa nhận mình là người gây tai nạn. Trong đó, có em chỉ vừa mới biết chạy xe, có em đã chạy xe nhiều năm. Có em lại chủ quan, thách thức nhau “đua xe”, chở 3-4, không kiểm soát được tốc độ. Khi xảy ra tình huống bất ngờ, các em không xử lý kịp. Sau tai nạn, nếu nhẹ thì chấn thương phần mềm, gãy xương, nhưng có bệnh nhi không đội mũ bảo hiểm, bị chấn thương vùng đầu, dập não khó hoặc không thể hồi phục, gây thương tật rất lớn” - bác sĩ Phát nói thêm.

Bệnh viện từng tiếp nhận 2 học sinh nam bị tai nạn được đưa vào vẫn còn nồng nặc mùi bia, rượu. Khi tỉnh lại các em vẫn không biết nguyên nhân bị gãy tay, chân, nằng nặc đòi xuất viện về nhà. Chính vì vậy, nếu nhà có con em từ 12-16 tuổi, trẻ muốn sử dụng phương tiện cá nhân, phụ huynh phải rất cẩn thận, lựa chọn phương tiện phù hợp với trẻ. 

Trước khi cho trẻ tự đi xe đến trường, người lớn nên tập kỹ năng điều khiển phương tiện, cách xử lý các tình huống có thể xảy ra cho trẻ. Thường xuyên dặn dò trẻ cẩn thận khi tham gia giao thông, tránh đùa giỡn, thách đố, hay chở bạn bè quá giới hạn quy định, đề phòng các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương lưu ý, phụ huynh khi chở con em mình đến trường phải cho trẻ ngồi ngay ngắn, thoải mái, đội mũ bảo hiểm cho trẻ, thắt dây an toàn đề phòng trẻ ngủ gật, không chở nhiều trẻ cùng lúc tránh để trẻ đùa giỡn… 

Mỗi năm có gần 500 học sinh tử vong do tai nạn giao thông

Theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, đã xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi từ 6-18 tuổi, làm chết 490 người, bị thương 827 người. Trong đó có đến 737 vụ tai nạn giao thông do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Trung bình mỗi năm, có gần 500 em học sinh tử vong, hơn 800 em bị thương do liên quan đến tai nạn giao giông. Trong đó 10 địa phương xảy ra nhiều là TPHCM, Gia Lai, Tiền Giang, Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, Bến Tre. 

Xử lý ra sao khi học sinh gây tai nạn giao thông?

Khi gây tai nạn giao thông, tùy vào mức độ, hậu quả, người gây tai nạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. 

Theo quy định tại điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu người lái xe chưa đủ 16 tuổi, khi điều khiển xe máy gây tai nạn chỉ bị cảnh cáo. Tuy nhiên, ngoài người điều khiển xe thì chủ sở hữu phương tiện cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 800.000-2.000.000 đồng.

Theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác khi tham gia giao thông nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 260 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người có hành vi giao xe máy cho người dưới 16 tuổi điều khiển khi biết rõ người đó chưa đủ độ tuổi điều khiển xe máy tham gia giao thông đường bộ, dẫn đến hậu quả làm chết người thì tùy vào tính chất của hành vi, mức độ thiệt hại, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI