Nhiều sáng kiến tuyên truyền giúp phụ nữ tránh bị lừa đảo

17/08/2022 - 10:00

PNO - Thời gian qua, nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã được Hội LHPN các cấp đưa vào thực hiện và đang dần phát huy hiệu quả.

Đầu tháng Tám, tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM) hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn đã tham gia buổi tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội. Rất nhiều câu chuyện thực tế xảy ra với chính những người tham dự đã được đưa ra để bàn luận cho thấy sức “nóng” của vấn đề. 

Bị lừa tiền vì cả tin, tham tiền

Một sinh viên bật khóc khi kể lại câu chuyện mình bị lừa mất 20 triệu đồng vì cả tin. Theo chia sẻ của bạn này, trong thời gian qua, đánh vào tâm lý của những sinh viên nghèo muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình, bọn tội phạm mạng đã lôi kéo họ vào chiêu trò “bán hàng qua mạng” để lừa gạt họ. Để việc “chốt đơn” được xác nhận, sinh viên sẽ đóng 2 triệu đồng cho đơn hàng. Khi hàng đến tay người mua, thì số tiền thực tế của món hàng cùng với hoa hồng sẽ được chuyển trả lại vào tài khoản của sinh viên. Trong tuần đầu, từ 2 triệu đồng ban đầu, sinh viên được nhận lại 3,5 triệu đồng. Lần thứ hai, cũng với hình thức đó, sinh viên chuyển 8 triệu đồng thì được nhận lại 12 triệu đồng. Đến lần thứ ba, bạn vay mượn 20 triệu đồng để chuyển theo yêu cầu thì không nhận lại bất kỳ phản hồi nào, cả vốn lẫn lãi đều ra đi.

Hội LHPn TP.HCM cùng các cấp Hội cơ sở tổ chức rất nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông phòng, chống tội phạm, lừa đảo qua mạng, ngăn chặn tín dụng đen...
Hội LHPN TP.HCM cùng các cấp Hội cơ sở đã tổ chức rất nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông phòng, chống tội phạm, lừa đảo qua mạng, ngăn chặn tín dụng đen...

Tiếp theo câu chuyện của bạn sinh viên trên, bà T., một hội viên hơn 70 tuổi, kể lại câu chuyện bà suýt bị lừa qua điện thoại của một người xưng là Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại Hà Nội. Qua cuộc điện thoại kéo dài hơn hai giờ, “người của viện kiểm sát” nói bà dính líu đến một vụ án phức tạp, thấy bà lớn tuổi nên muốn giúp bà với chi phí 50 triệu đồng. Ban đầu, vì quá sợ hãi, bà T. định làm theo hướng dẫn từ “người của viện kiểm sát”, nhưng ngặt nỗi bà không có đủ số tiền trên. Thế là “người của viện kiểm sát” yêu cầu bà T. chuẩn bị quần áo để có người đến đưa bà đi.

Sau khi cuộc gọi kết thúc, quá hốt hoảng, bà T. gọi cho cán bộ phụ nữ ấp 6, xã Long Thạnh để cầu cứu thì được giải thích đó chỉ là một cuộc gọi lừa đảo. “Không có công an, viện kiểm sát nào làm việc qua điện thoại hết nên từ đây về sau, khi nghe những cuộc điện thoại như vậy thì không trao đổi, không tiếp xúc, không làm theo bất kỳ yêu cầu nào” - cán bộ Hội Phụ nữ ấp 6 khẳng định. Bà T. thở phào.

Chị em cần nâng cao cảnh giác 

Ở trên là hai trong chín câu chuyện được chia sẻ tại buổi sinh hoạt. Bà Lê Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch Hội LHPN H.Hóc Môn - thông tin, theo báo cáo, trong sáu tháng đầu năm 2022, Công an H.Hóc Môn nhận hơn 80 cuộc điện thoại từ người dân báo đã nhận những cuộc điện thoại lừa đảo với nhiều hình thức, trong đó, hơn 50 cuộc nhắm vào đối tượng phụ nữ trung niên, người cao tuổi. “Dù không phải tất cả những trường hợp gọi điện báo công an đều bị lừa, nhưng con số đó cho thấy vấn đề tội phạm công nghệ thực sự rất “nóng” và chị em cần hết sức nâng cao cảnh giác” - bà Trang khẳng định.

Hội LHPN Q.6 đã cô đọng những nội dung tuyên truyền lên những hộp khăn giấy tại các hộ kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ, các gian hàng tại khu phố ẩm thực Q.6
Hội LHPN Q.6 đã cô đọng những nội dung tuyên truyền lên những hộp khăn giấy tại các hộ kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ, các gian hàng tại khu phố ẩm thực Q.6

Nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã được Hội LHPN H.Hóc Môn đưa ra. Đó là, các xã, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng địa phương để có hình thức thông tin đến khách hàng như dán thông tin cảnh báo ở từng buồng giao dịch, chiếu các thông tin, những thủ đoạn lừa đảo thường thấy lên màn hình ti vi để khách hàng nhìn thấy trong thời gian ngồi đợi giao dịch. “Bên cạnh đó, cán bộ Hội cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân dưới hình thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” qua Facebook cá nhân của các hội viên. Mỗi thông tin tuyên truyền, chúng tôi sẽ tag ít nhất 5 Facebook cá nhân để từ đó tăng lượng tương tác. Chỉ cần thêm một người đọc và chia sẻ, thông tin sẽ lan tỏa” - bà Trang nói. 

Liên quan đến vấn đề này, bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - chia sẻ một hình thức tuyên truyền mà Hội LHPN Q.6 đã thực hiện có hiệu quả. Đó là tổ chức tập huấn cho 14 phường việc xây dựng các sản phẩm tuyên truyền trên vỏ hộp khăn giấy, đũa, muỗng… đưa đến từng nhà hội viên phụ nữ. Theo đó, người dân sẽ tiếp cận số điện thoại để liên hệ khi có bạo hành, nắm được các thủ đoạn của bọn lừa đảo từ những dòng thông tin ngắn gọn, cô đọng in trên vỏ hộp. Hiện, Hội LHPN Q.6 đã phát khoảng 2.000 hộp khăn giấy có in các thông tin tuyên truyền cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và các khu phố ẩm thực trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN TP.HCM - cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm, đặc biệt là công tác tố giác tội phạm khi phát hiện các vụ việc, băng nhóm, đối tượng nghi vấn liên quan hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo qua mạng bằng các chuyên đề, thì Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở các địa phương cần phát huy hết vai trò của mình thông qua tổ chức sinh hoạt, định hướng hoạt động, phân nhau địa bàn quản lý, cung cấp số điện thoại của cán bộ Hội, cảnh sát khu vực để người dân kịp thời báo khi có vấn đề. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI