Nhiều sai sót trong cuốn sách "Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử"

09/12/2020 - 12:40

PNO - Nằm trong chương trình Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhưng cuốn sách "Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2020 đã bộc lộ nhiều sai sót.

Sai nhiều tên nhân vật 

Cuốn sách Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử có sự tham gia của ban biên soạn gồm những tên tuổi uy tín như: phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Minh Trưởng (chủ biên); PGS-TS Phạm Hồng Chương; PGS-TS Đỗ Xuân Tuất; PGS-TS Nguyễn Thị Kim Dung; TS Lý Việt Quang; thạc sĩ Trần Thị Nhuần.

Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy trong cuốn sách chưa đầy 240 trang nội dung này, có nhiều sai sót liên quan đến tên nhân vật lịch sử. Chẳng hạn: điền chủ Từ Bá Đước bị viết sai thành “đại điền chủ Từ Bá Được” (trang 39), “điền chủ Tư Bá Đước” (trang 73). Con đường mang tên nữ sĩ Sương Nguyệt Anh viết sai thành “đường Sương Nguyệt Ánh” (trang 49). Luật sư Trần Ngọc Liễng tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi viết sai thành “Trần Ngọc Liểng” (trang 148)...

Ngoài ra, tên nhiều nhân vật không thống nhất. Ví dụ, tên người trưởng bản Giẳng ở Lai Châu, là nơi giam lỏng luật sư Nguyễn Hữu Thọ, khi thì viết là “Trưởng bản Lý Văn Mản ở Lai Châu” (trang 71). Năm 1993, gặp lại luật sư Nguyễn Hữu Thọ thì tên cụ trưởng bản lại thành “Lý Văn Màn” (trang 225). Sai sót này khiến bạn đọc không biết được người trưởng bản đó chính xác tên là gì.

Tại trang 92, dòng 11, từ trên xuống, viết “Khu ủy V cử đồng chí Bùi Định (tức Tư Khiêm)”; vẫn trang này, dòng 2 từ dưới lên, viết “đồng chí Bùi Dinh (Tư Khiêm) - Khu ủy viên để chỉ đạo việc giải thoát luật sư”. Như vậy, ông Tư Khiêm có tên là Bùi Dinh hay Bùi Định? Chỉ trong một trang sách mà còn cẩu thả đến như vậy! 

Không chỉ sai tên nhân vật, sách cũng cho thấy sự sai lệch thông tin do… đoán trong quá trình viết tiểu sử. Trang 91 sách Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử viết: “Lúc này, GS Nguyễn Văn Dưỡng vì tuổi già sức yếu, lại phải trải qua trận đòn thù quá nặng đã qua đời, đoàn chỉ còn lại 4 người”. Trong tài liệu chính thức cho biết: GS Nguyễn Văn Dưỡng sinh năm 1923, mất năm 1958 ở tuổi 35. Tuổi ấy đâu phải tuổi già? Muốn biết về GS Nguyễn Văn Dưỡng thì vào Nghĩa trang TP.HCM có phần mộ của ông nằm trong đó, có đầy đủ thông tin năm sinh, năm mất, quê quán… 

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cho thấy có sự sao chép một cách dễ dãi, không có sự kiểm chứng. Vì sao chép từ sách nọ sang sách kia cho nên có những sự kiện và nhân vật tự nhiên thấy “trồi” ra mà người đọc không hiểu vì sao xuất hiện. Cụ thể là trường hợp GS Phạm Huy Thông. Trang 78 sách Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử viết về sự kiện luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị an trí tại Hải Phòng cùng Phái đoàn bảo vệ hòa bình. Sau đó, những người lãnh đạo chủ chốt của Phái đoàn bảo vệ hòa bình được đưa từ Hải Phòng về Sài Gòn. 

Sách viết: “Thành ủy Hải Phòng cũng nhận được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố trí việc bảo vệ, giúp đỡ đoàn, đòi địch phải bảo đảm an ninh và phải đưa đoàn trở lại Sài Gòn. Trong những ngày ở Hải Phòng, đoàn thường xuyên liên lạc, nhận chỉ thị bí mật của Đảng. Khi được tin địch sắp đưa đoàn trở lại Sài Gòn, GS Phạm Huy Thông cùng gia đình đã được tổ chức bố trí đưa về Hà Nội” (trang 78). Bạn đọc hoàn toàn không hiểu GS Phạm Huy Thông từ đâu đến mà lại xuất hiện trong trường hợp này (?). 

Không phải trường hợp duy nhất  

Mặc dù chương trình Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam có hẳn một ban chủ nhiệm. Đáng tiếc, không chỉ riêng cuốn Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử mới bộc lộ nhiều sai sót, mà khi viết tiểu sử trong các cuốn Hoàng Quốc Việt tiểu sử, Lê Quang Đạo tiểu sử, Võ Nguyên Giáp tiểu sử, Nguyễn Văn Tố tiểu sử… đều xảy ra tình trạng tương tự. 

Nhiều lỗi sai trong sách Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử
Nhiều lỗi sai trong sách Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử

Sách Hoàng Quốc Việt tiểu sử do TS Phạm Văn Bính (chủ biên), đã “sáng tác” cho đồng chí Hoàng Quốc Việt về dự Hội nghị Trung ương mở rộng sau đêm Nhật đảo chính Pháp 9 tháng 3 năm 1945 (trang 188-189). Trong khi đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt vẫn đang hoạt động tại Trung Quốc, chưa về nước.

Cuốn Võ Nguyên Giáp tiểu sử, do PGS-TS Phạm Ngọc Anh (chủ biên) thêu dệt cho “làng An Xá đã có 3 người đỗ đại khoa” (trang 18-19) dưới chế độ khoa cử phong kiến. Thực tế, trong các sách đăng khoa lục ghi chép lại đến nay, làng An Xá không có ai đỗ đại khoa.

Trong Nguyễn Văn Tố tiểu sử, do PGS-TS Vũ Văn Thuấn (chủ biên) lại “sáng tác” ra sự việc cụ Nguyễn Văn Tố chỉ đạo phong trào Bình dân học vụ xóa mù chữ. Nhiệm vụ xóa mù chữ sau ngày thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Nguyễn Công Mỹ - Giám đốc Nha Bình dân học vụ đảm nhiệm chứ không phải cụ Nguyễn Văn Tố. 

Trao đổi với chúng tôi, GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Chủ nhiệm chương trình Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, thừa nhận nhiều cuốn sách có lỗi sai. Ông đã nhắc nhở các tác giả và người chủ biên. Khi được hỏi về biện pháp xử lý, GS-TS Tạ Ngọc Tấn cho biết: “Với những sách chưa in thì sẽ so sánh với tài liệu để anh em chỉnh sửa, còn sách đã in rồi thì chờ sửa chữa ở lần tái bản”.

Kiều Mai Sơn

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI