Nhiều rào cản trong truyền thông bảo vệ trẻ em

28/06/2020 - 13:32

PNO - Chiều 22/6, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em năm 2020.

 

Bà Hà Thị Bích Thu - đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM - phát biểu tại hội nghị
Bà Hà Thị Bích Thu - đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM - phát biểu tại hội nghị

Từ kinh nghiệm hơn 20 năm xử lý thông tin từ đường dây khẩn (0913 15 93 15), đại diện Báo Phụ Nữ TPHCM chia sẻ với hội nghị: “Thực tế, chúng tôi chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, thuận lợi, nhiều chiều như luật định. Không hiếm trường hợp, sau khi gia đình nạn nhân tố cáo với chúng tôi về vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, họ bị cán bộ cấp cơ sở trách cứ “tại sao lại kêu báo, đài vào làm gì” khiến gia đình nạn nhân phải chịu thêm nhiều áp lực”.

Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM thông tin, có nhiều vụ việc được cơ quan chức năng thụ lý từ lâu nhưng báo chí lại đưa tin kiểu như mới xảy ra, khiến vụ việc bị xới lên lần nữa, tiếp tục gây tổn thương cho nạn nhân. Phản hồi ý kiến này, đại diện Báo Phụ Nữ TPHCM cho rằng, báo chí chính thống đưa tin về các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em là nhằm bảo vệ trẻ, bảo vệ sự công bằng, lẽ phải. Sẽ chẳng bao giờ nhà báo khơi gợi một vụ xâm hại trẻ em đã được cơ quan chức năng giải quyết một cách rõ ràng, minh bạch. Báo chỉ lật lại vụ việc nhằm thông tin, kêu cứu giúp gia đình nạn nhân khi họ không nhận được phản hồi nào từ cơ quan chức năng, hoặc phản hồi theo hướng bất lợi cho nạn nhân. Nhờ báo chí lên tiếng, những vụ việc kiểu này mới được xem xét, khởi tố để điều tra.

Phóng viên Thanh Vũ (Thông tấn xã Việt Nam)
Phóng viên Thanh Vũ (Thông tấn xã Việt Nam)

Phóng viên Thanh Vũ (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng: “Khi nhà báo đi tìm thông tin của vụ việc, họ thường nhận được câu trả lời “đang thụ lý” và không được cung cấp thông tin”. 

Bà Hà Thị Bích Thu - đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM - cho rằng, không hiếm bài báo, sản phẩm truyền thông vô tình vi phạm quyền bí mật đời tư của trẻ, của nghi phạm: “Nhà báo cần nghĩ đến hậu quả khi đặt bút viết bài. Bài viết của mình bảo vệ trẻ nhưng không được quyền công khai về nhân thân của trẻ”.

Ông Trần Công Bình - chuyên gia UNICEF - đồng tình: “Một bài báo nhỏ có thể ngăn chặn được một tội ác lớn, nhưng chỉ một dòng thông tin, một tấm ảnh nhỏ trên báo chí cũng có thể phá đi cuộc sống yên lành của một đứa trẻ. Do đó, trong bất kỳ tình huống nào, nhà báo cũng phải có lương tâm, trách nhiệm với nguồn tin”.

Ông Trần Công Bình - chuyên gia UNICEF - cho rằng, báo chí cần cẩn trọng khi đưa tin các vụ việc liên quan trẻ em
Ông Trần Công Bình - chuyên gia UNICEF - cho rằng, báo chí cần cẩn trọng khi đưa tin các vụ việc liên quan trẻ em

 

5 năm, TPHCM có 782 trẻ em bị xâm hại

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, TPHCM có 782 trẻ bị xâm hại, trong đó có 695 trường hợp bị xâm hại tình dục, 50 trường hợp bị bạo lực thể xác, tinh thần, 36 trẻ bị các hình thức xâm hại khác, một trẻ bị bỏ rơi, không chăm sóc. Theo bà Trần Thị Kim Thanh, những con số này được tổng hợp từ thống kê của 24 quận, huyện, có thể còn thiếu sót.

Nhà báo Lê Mạnh (tạp chí Nhà báo và Công luận) cho rằng, việc UBND TPHCM ban hành quy trình phối hợp, hỗ trợ can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục là một tiến bộ lớn trong công tác bảo vệ trẻ em. Thế nhưng, trong quy trình này, thiếu hẳn báo chí, truyền thông. Quy trình này đưa ra tiêu chí nghiêm ngặt về công tác bảo mật thông tin của nạn nhân. Các nhà báo đặt vấn đề: khi vận hành quy trình này, báo chí làm thế nào vào cuộc, tiếp cận thông tin, đảm bảo sự bí mật? Hơn thế nữa, khi thông tin, hình ảnh của trẻ được báo chính thống che chắn, họ tên, địa chỉ nạn nhân được viết tắt hoặc thay đổi, trong khi mạng xã hội công khai tất cả, cơ quan chức năng xử lý thế nào với trường hợp này?

Phóng viên Thanh Vũ đặt câu hỏi khiến hội trường lắng xuống: “Vì sao nhà báo luôn phải mò mẫm tìm thông tin để bảo vệ trẻ em?”. Phóng viên này cho rằng, cần có sự sòng phẳng với báo chí trong cung cấp và xử lý thông tin. Tại sao các facebooker, nhà báo viết thông tin sai sự thật về COVID-19 bị xử phạt, còn viết thông tin sai về các vụ xâm hại trẻ em thì chưa thấy ai bị xử lý? 
Tại hội nghị, nhiều nhà báo đề nghị cần một đầu mối thông tin về các vụ xâm hại trẻ em. Theo phóng viên Ngân Nga (báo Pháp luật TPHCM), thực tế, phóng viên ở TPHCM gần như chỉ có một đầu mối để hỏi thông tin về các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ, đó là luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em (thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM). Phóng viên này nói: “Vì vậy, chúng tôi cần một môi trường tác nghiệp thuận lợi hơn”. 

Nhiều vụ việc có thể đã  “chìm xuồng” nếu thiếu sự vào cuộc của báo chí

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, việc giấu giếm thông tin về trẻ em bị xâm hại có thể cũng là tội ác với trẻ
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, việc giấu giếm thông tin về trẻ em bị xâm hại có thể cũng là tội ác với trẻ
Thời gian qua, nếu không có sự đồng hành của báo giới, nhiều vụ xâm hại trẻ em có thể đã bị “chìm xuồng”. Để đẩy mạnh tuyên truyền, tôi cho rằng, không nên giấu giếm thông tin. Khi một đứa trẻ bị xâm hại, ta không nên nêu tên, địa chỉ nhưng cần nói thẳng vào vụ việc. Theo tôi, khi có sự giấu giếm thông tin, không xử lý đến nơi đến chốn vụ việc xâm hại trẻ em thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Có như vậy mới tránh tình trạng vì bệnh thành tích mà địa phương giấu nhẹm thông tin và người dân không mạnh dạn
tố cáo. 
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM

Nghi Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI