Nhiều rào cản thủ tục đối với DN có vốn nước ngoài

25/03/2014 - 08:05

PNO - PNO - Ngày 24/3, tại TP.HCM , Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức Diễn đàn đối thoại chính quyền - doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2014.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Tại diễn đàn, gần 300 doanh nghiệp tham dự đã đưa ra các thắc mắc xung quanh vấn đề cấp phép đầu tư, lao động, thuế và hải quan. Trong đó, vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là giấy phép đầu tư. Cụ thể, đại diện Pizza Hut cho biết đã mất gần 4 tháng chỉ để xin một giấy phép mở cửa hàng bán thức ăn nhanh trong trung tâm thương mại tại Hà Nội.

Đại diện Công ty Bosch tại Việt Nam cho rằng đang có nhiều mâu thuẫn trong việc làm luật, một quy định nhưng mỗi luật hoặc văn bản dưới luật lại thể hiện một cách rất khác nhau, không đồng nhất, tạo rất nhiều lúng túng cho nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam. "Theo tôi, chúng ta nên có một đạo luật chung dẫn dắt các luật khác, làm cơ sở quy chiếu thì mới tạo được điều kiện thuận lợi và một môi trường đầu tư thông thoáng tốt nhất như mục tiêu đề ra", đại diện Bosch nêu ý kiến.

Nhieu rao can thu tuc doi voi DN co von nuoc ngoai

Nhieu rao can thu tuc doi voi DN co von nuoc ngoai

Diễn đàn đối thoại chính quyền - doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, luật sư Công ty Baker & McKenzie's, Luật Doanh nghiệp quy định rõ rằng, chi nhánh của một công ty có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh như công ty mẹ. Các chi nhánh của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng có chức năng đó. Tuy nhiên gần đây, một số cơ quan địa phương lại diễn giải rằng chỉ có các chi nhánh của các công ty vốn đầu tư nước ngoài có dự án tại Việt Nam mới có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tại Việt Nam, còn các chi nhánh khác thì chỉ được thực hiện các hoạt động như văn phòng đại diện mà thôi.

"Cách diễn giải như thế đang tạo ra sự không thống nhất, không rõ ràng và thiếu nhất quán, vô hình chung tạo ra nhiều phức tạp cho mọi công ty, cả trong và ngoài nước, đối với việc thành lập chi nhánh", bà Phương phàn nàn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết năm 2013, TP nhận 2.218 hồ sơ xin cấp phép đầu tư, trong đó số hồ sơ cấp trễ hẹn là rất lớn. Cụ thể, số ngày trễ hẹn nhiều nhất là 222 ngày (trung bình là 22 ngày) và thời gian giải quyết một hồ sơ lâu nhất là 257 ngày (trung bình là 58 ngày). Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cho biết thêm, khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, chính quyền cũng gặp các khó khăn như khi lấy ý kiến các Bộ, các Sở thì phần lớn ý kiến trả lời là trên 1 tháng trong khi theo quy định là 15 ngày làm việc (3 tuần). Ngoài ra, các luật không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo.

Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nêu ra các biện pháp khắc phục tình trạng trên như chỉ xin ý kiến Bộ khi cần thiết, công khai quá trình xử lý hồ sơ trên internet, cấp giấy chứng nhận đầu tư tại nhà, kiến nghị giảm bớt thủ tục và công khai trên internet.

Trước những bất cập mà các doanh nghiệp và lãnh đạo UBND TP nêu ra về cấp phép đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận, giấy phép đầu tư là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp nước ngoài bởi kèm theo đó là những giấy phép con, các nghị định, thông tư…

Thời gian tới, Bộ này sẽ kiến nghị Quốc hội bỏ giấy phép đầu tư, tuy nhiên, cùng với đó sẽ là những chế tài quy định riêng để các địa phương vẫn có thể nắm được tình hình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. “Việc gì thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương tự quyết, không cần phải hỏi Bộ, ngành” - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cũng cho biết: quan điểm của Bộ là sẽ đơn giản cao nhất thủ tục cấp phép đầu tư, làm sao chỉ cần những thủ tục tối thiểu nhất để quản lý DN có vốn đầu tư nước ngoài. Còn lại các thủ tục không cần thiết thì phải bỏ. Bộ trưởng cho biết thêm, khi xây dựng Luật đầu tư sửa đổi, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội bỏ giấy phép đầu tư của doanh nghiệp FDI, trừ 4 lĩnh vực mà hiện nay đang nghiên cứu giữ lại: một là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (ví dụ cấp phép thành lập ngân hàng), hai là dự án sử dụng lượng đất đai quá lớn, vài trăm hecta. Ba là ô nhiễm môi trường lớn hay những công nghệ hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nhạy cảm. Cuối cùng là những DN cần có chứng nhận đầu tư để ưu đãi đầu tư.

Hoàng Tấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI