Đi học xa, ăn uống không đảm bảo
Chị giải thích: “Gia đình tôi không yên tâm khi trung tâm này cho cháu đi học văn hóa quá xa. Đường thành phố đông đúc, nguy hiểm nên tôi đưa cháu về để được học gần nhà, còn chuyện đá bóng thì tính sau”. Một số phụ huynh khác cũng đã hoặc sẽ rút tên con khỏi đội tuyển bóng đá nữ ở trung tâm này với cùng lý do.
Ông Đoàn Công Tuấn - Trưởng phòng Nghiệp vụ của trung tâm này - nói: “Việc học văn hóa của vận động viên (VĐV) là vấn đề đang rất rối. Chúng tôi đang quản lý tập trung 120 nữ VĐV bóng đá nữ, 8 nữ VĐV cầu mây và 2 nữ VĐV xe đạp. Mỗi tối, các em phải vượt 7km từ trung tâm về nhà thi đấu Phú Thọ ở số 4 Lê Đại Hành, quận 11 học văn hóa”.
|
Trẻ em học bơi tại một hồ bơi ở quận 7. Số hồ bơi đạt chuẩn từng là lợi thế của TPHCM trong đào tạo, huấn luyện các bộ môn thể thao dưới nước - Ảnh: Thu Lê |
Ông Chung Tấn Phong - Giám đốc trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu (gọi tắt trung tâm Yết Kiêu, ở quận 1) - cũng có chung trăn trở: “Buổi tối, các em ở đây cũng tự đạp xe qua nhà thi đấu Phú Thọ học văn hóa khiến phụ huynh rất lo”. Theo ông, vừa qua, một số phụ huynh ở quận Tân Bình, Tân Phú không cho con tập luyện tập trung ở trung tâm này và xin chuyển hồ sơ các em về các trung tâm thể thao ở địa phương để tiện học văn hóa.
Quận 1 có 4 trung tâm huấn luyện tập trung. Trước đây, UBND quận sắp xếp cho các VĐV đang rèn luyện tập trung ở các trung tâm thể thao trong quận học văn hóa ở một số trường trong quận, cách nơi tập luyện xa nhất là 2km. Nhưng sau đó, có trường không còn dạy bổ túc ban đêm, có trường không nhận VĐV, trung tâm giáo dục thường xuyên quận 1 cũng yêu cầu học viên phải học đủ 2 buổi/ngày. Do đó, từ năm học 2022-2023, các VĐV phải học bổ túc văn hóa tập trung vào ban đêm ở nhà thi đấu Phú Thọ. Các lớp học này do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên quận 11 tổ chức.
Ngoài chuyện học văn hóa, theo lãnh đạo các trung tâm thể thao, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho VĐV cũng chưa được đảm bảo. Ông Đoàn Công Tuấn cho hay, thời gian qua, trung tâm không tổ chức được bếp ăn, VĐV phải đặt đồ ăn bên ngoài hoặc tự mua về nấu: “Theo quy định, chúng tôi không được tổ chức bếp ăn. Chúng tôi đang phải đặt thức ăn từ một công ty chuyên cung cấp các suất ăn cho trường học, nhưng họ không xây dựng được các tiêu chí dinh dưỡng theo yêu cầu, nên không đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho VĐV”.
Ở trung tâm Yết Kiêu, các VĐV cũng phải tự ra ngoài ăn hoặc nhờ phụ huynh mang cơm đến.
Chầu chực xin kinh phí dự giải
Hiện tại, các trung tâm thể dục thể thao ở TPHCM đều tự chủ về tài chính. Ngân sách chỉ cấp cho một số hoạt động, nhiệm vụ nhất định nhưng các trung tâm lại không được phép khai thác mặt bằng đất công dư dôi nên luôn gặp khó khăn về tài chính.
Trung tâm Yết Kiêu được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM giao làm đầu mối đào tạo VĐV bơi lội cho TPHCM. Hiện trung tâm đang đào tạo, huấn luyện 144 VĐV, chiếm gần 95% VĐV của các đội bơi lội của TPHCM. Để đảm bảo năng lực thi đấu cho VĐV, trung tâm đã dành hết “giờ vàng” cho VĐV tập luyện.
“Chúng tôi ngưng bán vé cho người dân vào hồ bơi từ 18g hằng ngày để dành chỗ cho VĐV tập luyện, sau đó ăn uống, đi học bởi tập luyện sau khi đi học về rất mệt. Nhưng từ 18g trở đi cũng chính là lúc người dân nghỉ làm, muốn đến trung tâm để bơi lội” - ông Chung Tấn Phong nói.
Ông nói thêm, thời gian qua, trung tâm gặp rất nhiều khó khăn về tài chính: “Có những giải đấu, chúng tôi phải chầu chực xin kinh phí. Như năm ngoái, theo kế hoạch, trung tâm đưa các em đi thi giải vô địch Đông Nam Á dành cho VĐV bơi lội theo nhóm tuổi, nhưng chúng tôi xin mãi, mới được cấp kinh phí”.
Cũng theo ông Chung Tấn Phong, việc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cấp kinh phí từng phần, từng hạng mục theo hồ sơ dự toán khiến cán bộ, nhân viên đơn vị, huấn luyện viên và các VĐV cảm thấy bất an: “Có những giải đấu, chúng tôi tập luyện trong tâm trạng không biết có được đi thi đấu hay không, có được xét cho kinh phí để đi thi không. Nếu dự giải xong mới được duyệt chi thì trung tâm không có kinh phí để đầu tư cho VĐV. Năm ngoái, có 3 giải đấu mà mãi đến năm nay mới được chi tiền”.
Ngày 7/4/2022, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 05/2022 về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, VĐV của TPHCM với khá nhiều ưu đãi cho đội ngũ này. Theo ông Chung Tấn Phong, nghị quyết đã tạo thuận lợi rất lớn về chế độ, qua đó khuyến khích VĐV, huấn luyện viên tập luyện, thi đấu nhưng hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu, cách làm giữa các đơn vị. Chẳng hạn, khi VĐV phá kỷ lục, có giải thì họ được thưởng, có giải lại không. Đến nay, trung tâm Yết Kiêu chưa được nhận tổng cộng 80 triệu đồng cho việc phá các kỷ lục.
Ông Đoàn Công Tuấn cũng đánh giá Nghị quyết 05/2022 tạo sức bật cho thể thao TPHCM nhưng hiện chỉ áp dụng cho các đội tuyển cấp thành phố, còn cấp huyện vẫn chưa có hướng dẫn khiến VĐV, huấn luyện viên các đội tuyển cấp huyện chịu thiệt thòi. Trung tâm thể dục thể thao quận 1 đang huấn luyện 38 bộ môn, mỗi năm cử 4.000 lượt VĐV tham gia khoảng 98 giải đấu. Hiện trung tâm vẫn áp dụng mức chi tập huấn cho VĐV 10.000 đồng/người/ngày, chi thi đấu các giải từ 25.000-40.000 đồng/người/ngày, trong khi nếu áp dụng nghị quyết trên, số tiền mà VĐV nhận được sẽ tăng gấp nhiều lần.
Vướng thủ tục thuê chuyên gia nước ngoài Theo ông Chung Tấn Phong, trước đây, trung tâm Yết Kiêu có ký hợp đồng với 1 chuyên gia người nước ngoài. Cứ đến tháng Mười hằng năm, trung tâm làm hồ sơ xin gia hạn cho chuyên gia này và đến tháng Mười hai thì có quyết định. Không hiểu thủ tục đang vướng ở đâu mà gần nửa năm nay, vẫn chưa có quyết định gia hạn cho chuyên gia này. Hiện người này đã trở về nước, nhiều khả năng sẽ tìm đơn vị mới, đất nước khác để hoạt động. Tương tự, đại diện trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư cũng cho biết, trung tâm này cũng chưa thể gia hạn hợp đồng với huấn luyện viên người nước ngoài của bộ môn aerobic và vẫn đang đợi các đơn vị giải quyết. |
Xót xa khi xem chỗ ăn, ở của vận động viên Vừa qua, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM đã tổ chức khảo sát một số trung tâm, đơn vị thuộc ngành thể thao, đồng thời giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2022 của HĐND TPHCM. Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban - nói: “Qua các buổi giám sát, xem chỗ ăn, ở của các VĐV, chúng tôi thấy rất xót”. Ông cho rằng, cần có sự quan tâm thêm về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng của VĐV. Theo ông, Nghị quyết 05/2022 là chất xúc tác để đội ngũ huấn luyện viên, VĐV ra sức luyện tập, cống hiến, từ đó đưa thể thao TPHCM về lại vị trí dẫn đầu cả nước. Trong nghị quyết, có những chế độ tăng gấp 5 lần, VĐV đoạt huy chương ở các giải đấu quốc gia, quốc tế nhận được chế độ đãi ngộ rất cao. Tuy nhiên, đoàn giám sát ghi nhận rằng, các trung tâm được giao nhiệm vụ huấn luyện, chăm lo cho VĐV vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn cần được giải quyết. Một phần nguyên nhân là chưa có sự phối hợp giữa các đơn vị như Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính, Sở GD-ĐT nhằm giải quyết các bất cập. Tới đây, HĐND TPHCM sẽ có những cuộc giám sát chuyên sâu với các sở, ngành liên quan nhằm tìm giải pháp khắc phục các khó khăn, bất cập. |
Bơi lội TPHCM đang mất dần vị thế Ở kỳ SEA Games 32 vừa qua, VĐV TPHCM đoạt 3 Huy chương Đồng ở bộ môn bơi lội. Bộ môn này từng là thế mạnh của TPHCM nhưng hiện đang mất dần vị thế. Theo ông Chung Tấn Phong, có nhiều nguyên nhân: ở thành phố, VĐV có nhiều lựa chọn nghề nghiệp; phụ huynh “rút” con về để dồn sức thi cử trong các kỳ thi học kỳ, chuyển cấp. Ngoài ra, các tỉnh, thành đã có sự đầu tư xây dựng hồ bơi. VĐV bơi lội của TPHCM đa phần là sinh viên, thiếu sức cạnh tranh do không tập luyện chuyên sâu nên khó có thành tích ở các giải vô địch quốc gia, quốc tế. Cũng theo ông Chung Tấn Phong, trong các giải bơi theo nhóm tuổi và giải trẻ, VĐV của TPHCM cũng khó cạnh tranh với VĐV các tỉnh, thành khác do đa số tỉnh, thành gửi VĐV rất trẻ (9-10 tuổi) lên các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để huấn luyện tập trung từ rất sớm. Dù vậy, theo ông, bơi lội của TPHCM vẫn nằm trong tốp 3 ở các giải bơi lội cấp quốc gia. |
Tuyết Dân