PNO - Gây ảnh hưởng đến nhân vật có thật hoặc gia đình họ, góc nhìn người kể không hợp ý người xem, pháp luật chế tài việc tiết lộ bí mật đời tư trong hoạt động điện ảnh… là những rào cản cho những người muốn làm phim chân dung tiểu sử (biopic).
Chưa đầy 1 tuần sau khi công bố dự án phim tiểu sử về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ê kíp làm phim đã thông báo điều chỉnh tên phim chỉ còn là Hào quang rực rỡ, không còn cụm từ tiếng Anh The King theo sau như đã thấy trên poster trước đó. Ồn ào đầu tiên của bộ phim như vậy tạm khép lại. Tuy nhiên dự án phim tiểu sử về Đàm Vĩnh Hưng dự báo vẫn còn nhiều thị phi phía trước bởi cuộc đời ca hát của anh trải dài từ thập niên 1980 đến nay nên sẽ có rất nhiều gương mặt trong giới giải trí được đưa vào phim.
Phim Hào quang rực rỡ gây tranh cãi ngay từ khi công bố dự án khiến ê kíp phải sửa tên phim trên poster mới
Sau Em và Trịnh, Hào quang rực rỡ là phim chân dung tiểu sử thứ hai về người nổi tiếng trên màn ảnh Việt. Trong khi đó trên thế giới, dòng phim biopic này rất phổ biến, nhân vật được đề cập rất đa dạng: nghệ sĩ, nhân vật lịch sử, chính khách. Khán giả Việt tiếp cận với dòng phim này đều nhờ vào phim ngoại. Gần nhất có phim Elvis nói về danh ca Elvis Presley, lọt vào danh sách đề cử Oscar Phim hay nhất mùa giải vừa qua.
Sau Em và Trịnh, Hào quang rực rỡ, công chúng đang chờ đợi bộ phim tiểu sử làm về cuộc đời tướng tình báo lừng danh Phạm Xuân Ẩn. Có thể thấy những phim dòng tiểu sử chưa cần đến quá trình truyền thông quảng bá đã có sức lôi cuốn công chúng vì ai cũng tò mò nguyên mẫu được đưa lên phim ra sao. Không chỉ nhân vật chính, các nhân vật phụ trong phim cũng là những người có thật nên người xem cũng chờ đợi không kém. Tuy vậy điểm hấp dẫn nhất ở những phim tiểu sử nằm ở việc phơi bày góc khuất của nguyên mẫu. Điều này cũng được diễn viên - MC Trấn Thành nhắc đến tại buổi công bố dự án phim Hào quang rực rỡ khi anh cho rằng không thích xem những phim tiểu sử chỉ nói tốt mà không dám kể các thói hư tật xấu của nhân vật.
Nhiều cửa ải
Tính đến nay phim tiểu sử ở Việt Nam chỉ có tác phẩm tiên phong là Em và Trịnh. Những phim như Vòng eo 56 của Ngọc Trinh hay Sắc đẹp dối trá của Hương Giang được cho là làm về cuộc đời họ đều không được xem thuộc dòng tiểu sử.
Phim Em và Trịnh từng cũng từng có những phản ứng từ những nguyên mẫu được đưa lên phim (ảnh: internet)
Việt Nam có nhiều nhân vật hay, những câu chuyện hay về người thật việc thật nhưng dòng phim tiểu sử khó có khả năng phát triển thành xu hướng vì vấp phải nhiều rào cản. Cái ải đầu tiên khó vượt qua nhất là công chúng. Nguyên mẫu được đưa lên phim tất nhiên phải là người ai cũng biết nên mỗi khán giả đều có hình dung riêng về họ. Trong khi phim được kể bằng nhãn quan của đạo diễn. Làm phim truyện tất yếu được phép hư cấu. Thế nhưng, với phim tiểu sử, dù có ghi chú “đã hư cấu”, “chỉ lấy cảm hứng từ nhân vật có thật”... vẫn sẽ bị soi xét, so sánh, nhân vật trên phim và nhân vật ngoài đời.
Lợi thế nhất của phim tiểu sử có lẽ chỉ là khâu chất liệu dồi dào nhưng cũng vì nhiều nên rất khó chọn lọc. Nói về cái khó của dòng phim này, đạo diễn Bảo Nhân (đồng đạo diễn với Nam Cito phim Hào quang rực rỡ) cho biết: “Khó nhất của người làm phim là phải làm gì cho khán giả ngạc nhiên và bất ngờ vì những gì mọi người từng đọc, từng xem, từng thấy về nguyên mẫu đều đã qua những bộ lọc khác nhau. Phải kể những hành trình và góc khuất chưa ai được biết. Tất cả phải chắt lọc và miêu tả dưới góc nhìn điện ảnh”.
Cửa ải tiếp theo không dễ dàng là nguyên mẫu. Đứng ở góc độ nhà sản xuất, đạo diễn Nam Cito cho rằng cái khó nằm ở mối quan hệ với nguyên mẫu: “Phụ thuộc nhiều vào sự tin tưởng và quan hệ với nguyên mẫu nhân vật. Đây là giai đoạn mất thời gian nhất giữa chúng tôi - đơn vị sản xuất Mar6 Pictures - và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. 3 năm chúng tôi mới tìm ra được hướng đi của phim. Sau khi có được đáp án cho câu hỏi phim kể về ai và kể những gì, chúng tôi đối mặt khó khăn tiếp theo là kể như thế nào. Ngoài ra điều tôi cũng lo lắng nhưng cũng đã thống nhất được với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là hạn chế tối đa việc nguyên mẫu can thiệp quá sâu, làm thay đổi tầm nhìn của cả bộ phim”.
Trailer Em và Trịnh:
Những ồn ào tranh cãi từ nguyên mẫu, khán giả đã được thấy qua phim Em và Trịnh. Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá cho những người đang định theo đuổi dòng phim khó nhằn này. Bên cạnh những rào cản trên, từ năm nay, các nhà làm phim tiểu sử còn phải hết sức lưu ý đến Nghị định 128 sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 15/2. Trong đó có quy định tiết lộ bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật trong hoạt động điện ảnh sẽ bị phạt 40-50 triệu đồng. Việc như thế nào gọi là tiết lộ bí mật đời tư, tiết lộ như thế nào vừa đủ để cho công chúng có cái xem vừa không phạm quy chắc chắn là ván cược khó cho người làm.
Điện ảnh Việt còn non trẻ, vẫn còn nhiều dòng phim mới mẻ, chưa được khai thác nhiều như phim tiểu sử. Vì vậy rất cần nhiều nhà làm phim dũng cảm đương đầu để làm phong phú, đa dạng hơn bức tranh phim Việt. Cùng với sự dấn thân của người làm phim, cũng cần có góc nhìn cởi mở hơn từ khán giả. Có vậy phim tiểu sử mới được phổ biến, công chúng mới có dịp tiếp cận với nhiều nhân vật hay, những câu chuyện hay có thật.