Nhiều quốc gia do phụ nữ lãnh đạo đang ứng phó rất tốt với đại dịch COVID-19

23/08/2020 - 15:18

PNO - Một nghiên cứu của hai trường đại học Anh Quốc mới công bố cho thấy các nhà lãnh đạo nữ phản ứng nhanh hơn, tuân theo khoa học nghiêm ngặt hơn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro kinh tế để bảo vệ sinh mạng người dân so với các đồng nghiệp nam trong những hoàn cảnh tương tự.

Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump ghi nhận ​​hơn 170.000 người chết vì đại dịch Covid-19, trong khi New Zealand của Thủ tướng Jacinda Ardern chỉ có 22 người chết - Ảnh: New Zealand Herald
Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump ghi nhận ​​hơn 170.000 người chết vì đại dịch COVID-19, trong khi New Zealand của Thủ tướng Jacinda Ardern chỉ có 22 người chết - Ảnh: New Zealand Herald

 

Nghiên cứu của Đại học Liverpool do Giáo sư Supriya Garikipati đứng đầu, cùng đồng nghiệp Uma Kambhampati tại Đại học Reading, cho thấy rằng các quốc gia do phụ nữ lãnh đạo, khi bị phong tỏa, thì “tuân theo khoa học” nghiêm ngặt hơn, và kết quả cho thấy các nước đó có số người chết do COVID-19 chỉ bằng một nửa so với những nước tương đương về hoàn cảnh.

Nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhà nghiên cứu Garikipati, “các quốc gia được phụ nữ lãnh đạo có lợi thế trong cuộc khủng hoảng hiện nay”, ông kết luận: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng các lãnh đạo nữ phản ứng nhanh và quyết đoán hơn khi đối mặt với những trường hợp tử vong có thể xảy ra. Trong hầu hết các trường hợp, họ đã phong tỏa (đất nước) sớm hơn các nhà lãnh đạo nam trong hoàn cảnh tương tự, điều đó chắc chắn đã giúp các quốc gia của họ cứu được nhiều hơn mạng sống con người”.

Nghiên cứu tổng hợp dữ liệu của 194 quốc gia đến ngày 19/5/2020, trong đó có 19 quốc gia do phụ nữ lãnh đạo. 

Nghiên cứu của Đại học Liverpool xác nhận kết quả nghiên cứu của các nhóm tại Đại học Trinity Dublin và Tổ chức Westminster vì Dân chủ tại Đại học King London (kết hợp với Viện Lãnh đạo Phụ nữ Toàn cầu), cả hai đều được thực hiện vào tháng 5/2020.

Nghiên cứu của Đại học Trinity (tập trung vào 35 quốc gia) cho thấy rằng các nền kinh tế do phụ nữ lãnh đạo có tỷ lệ tử vong được xác nhận ít hơn sáu lần, với tốc độ “làm phẳng đường cong” – tốc độ bình thường hóa - nhanh hơn và đỉnh điểm tử vong thấp hơn 6 lần so với các quốc gia do nam giới lãnh đạo.

Nghiên cứu quan tâm đặc biệt đến các nước Scandinavia, bao gồm các nước Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan - do phụ nữ lãnh đạo - hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với Thụy Điển là quốc gia do nam giới lãnh đạo. Các tác giả viết: “Hầu hết các chính phủ do phụ nữ lãnh đạo cũng chú trọng hơn đến phúc lợi xã hội và môi trường, đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe cộng đồng và giảm ô nhiễm không khí”.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Liverpool xác nhận kết luận này: “Phân tích trên khẳng định rõ ràng rằng khi các quốc gia do phụ nữ lãnh đạo được so sánh với các quốc gia tương đồng, thì các quốc gia đó hoạt động tốt hơn, có số lượng ca nhiễm cũng như tử vong đều thấp hơn."

Khi đại dịch là “một thử nghiệm toàn cầu duy nhất trong việc quản lý khủng hoảng quốc gia”, các nghiên cứu trên dường như thống nhất rằng các nhà lãnh đạo nam nói chung phục vụ đất nước “không được tốt” trong thời kỳ đại dịch. Các tác giả lấy Donald Trump (Mỹ), Jair Bolsonaro (Brazil) và Boris Johnson (Anh) ra làm ví dụ cho lập luận của mình. Họ nêu trường hợp Tổng thống Brazil Bolsonaro tuyên bố COVID-19 chỉ là “cúm nhẹ” hay “cảm lạnh nhẹ”, còn Thủ tướng Johnson của Anh thể hiện phong cách nam tính đến mức “bắt tay với mọi người” tại một bệnh viện có bệnh nhân COVID-19.

Ngược lại, các nhà lãnh đạo kiên định và đáng tin cậy nhất những tháng gần đây rõ ràng là Angela Merkel của Đức và Jacinda Ardern của New Zealand: sự kiên định của họ được đền đáp bằng hàng nghìn mạng người được cứu sống.

Tác giả Garikipati cũng lưu ý, nghiên cứu của họ chỉ đề cập đến giai đoạn đầu – “làn sóng đầu tiên” - của đại dịch toàn cầu, và cần được bổ sung cập nhật. 

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI