Nhiều phương thức xét tuyển của các trường đại học không tuyển sinh được thí sinh nào

15/03/2024 - 10:07

PNO - Nhiều phương thức xét tuyển của các trường đại học không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký, kém hiệu quả nhưng vẫn được các trường sử dụng.

Sáng 15/3, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2024 tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM. Tại đây, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - đã tổng kết hoạt động tuyển sinh trong 9 năm qua, từ khi bộ triển khai đổi mới từ năm 2015 đến nay.

Tỉ lệ thí sinh đậu đại học tăng nhưng tỉ lệ nhập học giảm

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2023, cả nước có 1.022.063 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng là 663.063 thí sinh nhưng chỉ có 546.686 em trúng tuyển đại học nhập học. Tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,455%; tỉ lệ nhập học/dự thi là 53,12% nhập học.

Con số này tăng so với năm 2022 khi có 1.011.589 số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng là 625.096 thí sinh, nhưng có 521.263 thí sinh nhập học. Tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu đạt 83,39%. Tỉ lệ nhập học/số thí sinh dự thi là 51,35%. Đại diện Bộ GD-ĐT nhìn nhận, tỉ lệ nhập học năm 2023 có giảm hơn năm trước nhưng tỉ số thí sinh trúng tuyển đã tăng.

Cả nước có 203/322 cơ sở đào tạo có tỉ lệ nhập học trên 80%. Số thí sinh nhập học tại các cơ sở này chiếm 78,24% tổng số nhập học cả nước. Việc tuyển sinh tốt diễn ra ở những trường lớn, có đủ uy tín, chất lượng. 

Đối với tuyển sinh sư phạm, chỉ tiêu cho trình độ đại học là 28.852 thí sinh, nhưng có 25.669 thí sinh nhập học, đạt tỉ lệ 88,97%. Chỉ tiêu cho trình độ cao đẳng sư phạm là 7.609 thí sinh, nhưng có 6.831 thí sinh nhập học, đạt tỉ lệ 89,78%. Bộ GD-ĐT nhìn nhận khó khăn trong việc tuyển sinh sư phạm hiện nay là nhiều địa phương không đặt hàng đào tạo, xử lý kinh phí đào tạo khó khăn và một số ngành khó tuyển sinh.

Tỷ lệ thí sinh nhập học bằng các phương thức năm 2023
Tỉ lệ thí sinh nhập học bằng các phương thức năm 2023

Nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhận định hiện các trường đại học sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, dễ làm nhiễu thông tin, trong đó, có nhiều phương thức xét tuyển của các trường đại học không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký, kém hiệu quả nhưng vẫn được các trường sử dụng. 

Cụ thể, theo số liệu báo cáo của bộ về tỉ lệ thí sinh đăng ký nhập học bằng các phương thức thì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện chỉ chiếm 2,57% lượng thí sinh trúng tuyển nhập học; nhóm phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) chỉ chiểm 14,1%, tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo chiếm 2,32%. Phần lớn thí sinh nhập học hiện nay trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 49,45%; xét tuyển kết quả học tập ở bậc THPT chiếm 30,24%. 

Đánh giá về thực trạng, bà cho rằng hiện nay chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.

Bộ yêu cầu các trường cần đánh giá, đối sánh phân tích tương quan kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển, loại bỏ bớt những phương thức xét tuyển không hiệu quả để tránh làm thí sinh bối rối.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI