Ám ảnh chuyện sinh con
Vừa dán mắt vào màn hình máy tính xách tay (laptop), chị Nguyễn Thanh Hương (quận Tân Bình, TPHCM) vừa lặp lại câu quen thuộc: “Mẹ sắp xong việc rồi, đợi mẹ chút xíu nữa thôi”. Đứa con gái 8 tuổi mặt bí xị đứng kế bên cùng quyển sách trên tay, chờ mẹ đọc truyện cùng. Nhìn kim đồng hồ đã điểm 21g, chị Hương giật mình, miễn cưỡng gấp laptop, vội vàng xếp 2 bộ quần áo cùng hộp sữa bỏ vào ba lô của con rồi hối con đi ngủ.
|
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường tư vấn về sinh sản cho một cặp vợ chồng trẻ Ảnh do bác sĩ cung cấp |
Lập gia đình gần 9 năm nay, chị Hương bận đến mức không có thời gian để chơi cùng con. Làm điều dưỡng, chị Hương phải có mặt ở bệnh viện từ 6g, đến 18g mới về nhà. Yêu cầu công việc buộc chị phải học thêm các lớp chứng chỉ nâng cao tay nghề vào buổi tối. Do đó, từ ngày gửi con vào nhà trẻ, chị đành khoán trắng việc đưa rước con cho chồng - một công chức nhà nước.
Chị tâm sự: “3 năm con đi nhà trẻ, tôi chỉ đưa rước con đi học dăm ba lần. Cũng đành vậy bởi có công việc ổn định để làm là may lắm rồi. Mấy tháng nay, công việc nhiều hơn, tan ca trễ hơn, tôi chỉ kịp về nhà nấu 1-2 món đơn giản cho có bữa cơm. Có hôm, tôi tấp vào quán mua đồ nấu sẵn về ăn cho nhanh để còn làm việc trên máy tính”. Chị kể, hồi mới sinh con, nội ngoại ở xa nên chị gần như kiệt sức bởi ban ngày đi làm, ban đêm chăm con mọn. Trẻ sơ sinh hay ốm vặt nên vợ chồng chị phải luân phiên xin nghỉ làm, chăm con.
Mỗi lần nghe ai hỏi về việc sinh thêm, chị lắc đầu nguầy nguậy: “Một đứa lo còn chưa xong. Nghĩ tới chuyện nuôi thêm đứa nữa là ám ảnh”.
|
Chị Nguyễn Thanh Hương tranh thủ ngày cuối tuần để chăm sóc con, bù lại những ngày chỉ lo công việc - Ảnh: Tú Ngân |
Ám ảnh cũng là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Hội LHPN phường 10, quận 4, TPHCM - mỗi khi nghĩ đến việc sinh thêm đứa nữa. Con đầu lòng của chị nay 9 tuổi, còn chị sắp bước sang tuổi 40. Chị cũng rất muốn có thêm con cho nhà đông vui và để thấy mình còn trẻ, nhưng mẹ chồng chị gần 80 tuổi, mẹ ruột có sức khỏe không tốt nên không thể phụ chăm cháu, chồng chị là công chức nhà nước nên phải thường xuyên trực đêm. Công việc đoàn thể của chị “làm hoài không hết” nên phải thu vén kỹ lưỡng, chị mới có thời giờ đưa đón, kèm cặp con học hành.
Ngoài việc phải tự mình chăm con mọn và cáng đáng việc cơ quan, chị Nhung ngại nhất là sinh thêm con mà không có thời gian dành cho con. Đặc biệt, 2 năm nay, Hội LHPN phường 10 khuyết chức danh phó chủ tịch nên một mình chị phải “ôm” việc. “Có những giai đoạn, việc dồn nhiều quá, tôi căng thẳng, mệt mỏi, cáu gắt. Mỗi lần như vậy, nghĩ đến chuyện sinh con, tôi ngán. Khi sinh đứa con đầu lòng, tôi chỉ nghỉ thai sản đúng 2 tháng rồi đi làm, gần như quẳng con cho bà ngoại chăm, đến mức con muốn quên mình. Giờ nếu sinh thêm đứa nữa, tôi không biết thu xếp thời gian ra sao để vừa chăm đứa nhỏ, vừa bảo ban đứa lớn” - chị trăn trở.
|
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung lo nếu sinh con thứ hai sẽ thêm gánh nặng tài chính và không có thời gian để nuôi dạy cho vuông tròn - Ảnh: Thu Lê |
Mỗi tháng, vợ chồng chị tốn 5-6 triệu đồng tiền học phí bán trú, tiền học thêm Anh văn, năng khiếu, tiền xe ôm mỗi khi không đưa đón được. Vì vậy, nếu sinh đứa thứ hai, chị lo sẽ thêm gánh nặng tài chính và không có thời gian để nuôi dạy cho vuông tròn.
Cần chính sách hỗ trợ toàn diện
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM năm 2023, tổng tỉ suất sinh của TPHCM là 1,32 con/phụ nữ (năm 2022 là 1,39). Đây là mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước (2,1 con/phụ nữ). TPHCM đang già hóa dân số với tốc độ nhanh hơn so với cả nước, số người cao tuổi đang chiếm hơn 11%. Thay vì vận động các gia đình “chỉ sinh tối đa 2 con”, chính quyền TPHCM (và nhiều tỉnh, thành) đã chuyển hướng sang “khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con”.
Phân tích nguyên nhân khiến phụ nữ ở TPHCM ngại sinh con, thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - giảng viên tâm lý học, Trường đại học Văn Hiến - cho rằng, người trẻ bây giờ không xem con cái là chỗ dựa cho mình lúc về già mà ngược lại, họ nhận thức rằng, muốn sinh con, mình phải bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho con. Thêm vào đó, quá trình thai nghén, sinh nở và chăm sóc con nhỏ lấy đi của người phụ nữ quá nhiều thời gian cũng như sức khỏe khiến họ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cản trở họ phát triển bản thân, thăng tiến nghề nghiệp. Ngoài ra, việc tìm môi trường phù hợp để gửi trẻ sau 6 tháng tuổi cũng là một khó khăn khiến người trẻ ngại sinh con.
Thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - nhận định, trước thực trạng già hóa dân số, tỉ suất sinh giảm, chính quyền TPHCM cần có những chính sách khuyến sinh phù hợp. Có 2 nhóm giải pháp cần được thực hiện đồng bộ là truyền thông nâng cao nhận thức về mức sinh; có chính sách hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con. “Toàn diện” ở đây đòi hỏi sự tham gia không chỉ của riêng ngành y tế mà có sự phối hợp của các sở, ban, ngành phụ trách về giáo dục, an sinh xã hội, nhà ở, việc làm và thu nhập.
Theo ông, ở một số nước có mức sinh thay thế thấp, các chính sách khuyến sinh hầu như không làm mức sinh tăng trở lại. Cụ thể, trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến sinh như hỗ trợ tiền khi sinh con, hỗ trợ thời gian nghỉ làm vẫn hưởng lương, thưởng tiền khi sinh nhiều con... nhưng kết quả không mấy khả quan, tổng tỉ suất sinh đều không thể vượt qua mức 1,3 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Theo ông Phạm Chánh Trung, dự kiến trong kỳ họp HĐND TPHCM tháng 7/2024, Sở Y tế TPHCM sẽ trình các chính sách nhằm tăng mức sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Các chính sách gồm hỗ trợ tài chính cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; hỗ trợ tầm soát bệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. |
Do đó, ông Phạm Chánh Trung cho rằng, chính sách khuyến sinh phải bao gồm cả các giải pháp hỗ trợ về xã hội, giáo dục, nhà ở, việc làm.
Ông cho hay, Sở Y tế TPHCM đang chủ trì soạn thảo đề xuất về các chính sách khuyến sinh, gồm hỗ trợ chi phí bán trú, tiền ăn cho trẻ mầm non và tiểu học; thí điểm nhân rộng các dịch vụ hỗ trợ người lao động như điều chỉnh thời gian trông trẻ, lập ngân hàng sữa mẹ, xây dựng các điểm trông giữ trẻ an toàn ở các khu chế xuất, khu công nghiệp; hỗ trợ một phần kinh phí mua nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ 2 con; giảm thuế thu nhập cá nhân cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con…
Mời đón xem talk show “Cần một chính sách tổng thể để khuyến sinh” Theo kế hoạch, vào lúc 9g ngày 9/6, Báo Phụ nữ TPHCM sẽ phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức buổi thảo luận truyền hình (talk show) Phụ nữ thời đại mới số 2 năm 2024 với chủ đề “Cần một chính sách tổng thể để khuyến sinh”. Các đại biểu sẽ thảo luận về chính sách khuyến sinh trong bối cảnh tỉ suất sinh thấp, dân số Việt Nam đang già hóa. Chương trình dự kiến có sự góp mặt của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia về xã hội học và phát triển; bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM; thạc sĩ Trần Thị Ngọc Yến - Trưởng phòng Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình TPHCM; bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thị Phương Loan (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM). Chương trình sẽ được phát trực tiếp (live stream) trên kênh YouTube, trên trang Facebook (fanpage) và phiên bản điện tử Báo Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn), trên fanpage của Hội LHPN TPHCM và hội phụ nữ các cấp. Từ hôm nay, bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho các đại biểu dự talk show qua email toasoan@baophunu.org.vn hoặc qua số điện thoại 0913 159 315. Rất mong nhận được sự quan tâm, tương tác của quý bạn đọc. BÁO PHỤ NỮ TPHCM |
Thu Lê - Tú Ngân