Nhiều phụ nữ kiệt sức, muốn bỏ việc sau hai năm đại dịch

03/05/2022 - 06:02

PNO - Hơn một nửa trong số 5.000 phụ nữ được Công ty tư vấn Deloitte Global khảo sát ở 10 nước trên thế giới cho biết họ có ý định nghỉ việc trong vòng 2 năm tới.

Sau hơn hai năm làm việc tại nhà, nhiều nhân viên không muốn trở lại văn phòng. Báo cáo mới của Deloitte công bố hồi cuối tháng 4 cho thấy, 53% phụ nữ nói rằng mức độ căng thẳng của họ cao hơn so với một năm trước và gần một nửa nói rằng họ cảm thấy kiệt sức. Ngược lại, khoảng 40% phụ nữ tích cực tìm kiếm nơi làm mới và chưa đến 10% cho biết sẽ tiếp tục làm việc tại công ty cũ trong 5 năm tới. Ngoài ra, phần lớn phụ nữ được khảo sát đều cho biết sức khỏe tâm thần của họ kém hoặc rất kém. 

Một nghiên cứu của Pew Research lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra sự xáo trộn gần như chưa từng có trong thị trường lao động Mỹ và tỷ lệ bỏ việc đã đạt mức cao nhất trong 20 năm qua. Nghiên cứu của Pew phát hiện ra rằng những người lao động bỏ việc vì lương thấp, không có cơ hội thăng tiến và cảm thấy không được tôn trọng trong công việc. 

Nhiều phụ nữ bỏ việc do họ cảm thấy quá khó khăn để cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình - ẢNH: CNBC
Nhiều phụ nữ bỏ việc do họ cảm thấy quá khó khăn để cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình - Ảnh: CNBC

“Xây dựng và duy trì văn hóa thực sự hòa nhập nên được đặt lên hàng đầu trong mọi chương trình nghị sự của công ty”, Michele Parmelee - Phó Giám đốc điều hành toàn cầu kiêm Giám đốc con người và mục đích của Deloitte - cho biết. Ông nhấn mạnh, điều này có nghĩa là các tổ chức cần giải quyết tình trạng kiệt sức, ưu tiên sức khỏe tinh thần và tiếp cận phương pháp làm việc kết hợp với các chính sách linh hoạt và toàn diện thực sự phù hợp với phụ nữ. Có một cơ hội duy nhất để xây dựng dựa trên những tiến bộ đã đạt được để đảm bảo phụ nữ thuộc mọi thành phần có thể phát triển trong môi trường làm việc bình đẳng và hòa nhập.

Ngoài phụ nữ thì những người lớn tuổi cũng đang bỏ việc ngày càng nhiều. Điều đáng lo ngại là những người lao động có kinh nghiệm, được trả lương cao hơn cũng bỏ việc. Trước đó trong đại dịch, đối tượng nghỉ việc nhiều nhất là người lao động trẻ hơn, ít có việc làm trong các ngành được trả lương thấp như bán lẻ, dịch vụ ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, từ quý đầu tiên của năm 2021 đến năm 2022, tỷ lệ bỏ việc tăng mạnh nhất là ở những người từ 40 - 60 tuổi và những người có thâm niên hơn mười năm trở lên. Sự thay đổi này vẽ nên một bức tranh ngày càng phức tạp về tình trạng công việc ở Mỹ. 

Giáo sư Adam Galinsky - Trường Kinh doanh Columbia (Mỹ) - gọi đây là “cuộc khủng hoảng lớn ở tuổi trung niên”. Theo ông, những người trung niên nghỉ việc phần lớn là nhóm ổn định về tài chính. Việc nghỉ việc đang được thúc đẩy bởi mọi thứ, từ mong muốn tiếp tục làm việc từ xa đến tìm kiếm ý nghĩa lớn hơn trong cuộc sống qua hai năm đại dịch.

“Nhóm này là những người đã lớn tuổi và ổn định về kinh tế, có quan điểm xem xét những gì họ thực sự muốn trong cuộc sống và công việc. Ở điểm giữa của cuộc đời, họ nhận thức được sự mong manh của sự sống, khi mà trong đại dịch chúng ta nhìn thấy người thân, đồng nghiệp… ra đi. Từ đó, buộc mọi người suy ngẫm về những gì thực sự quan trọng đối với chúng ta và đại dịch đã khuếch đại hiệu ứng đó”, Galinsky nói. 

Thu Thanh (theo CNBC, Bloomberg, Independent)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI