|
Nhân viên y tế chăm sóc một em bé sơ sinh tại bệnh viện ở Chiết Giang |
Chen Luojin - một nhân viên văn phòng năm nay 33 tuổi đã ly hôn, sống ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Khi tỉnh này mở rộng một số quy định để mẹ đơn thân được hưởng quyền lợi như phụ nữ đã kết hôn hồi đầu năm, đã giúp Chen có thể tiếp cận điều trị sinh sản trong ống nghiệm (IVF) một cách hợp pháp tại một phòng khám tư nhân.
Bây giờ Chen đã mang thai 10 tuần và đang tận hưởng niềm vui làm mẹ. “Trở thành cha mẹ đơn thân không phải dành cho tất cả mọi người, nhưng tôi hài lòng với quyết định này” - Chen cho biết. “Kết hôn hay không là quyền quyết định của mỗi người và tôi biết rất nhiều phụ nữ độc thân đang làm IVF" - Chen nói thêm.
Lo ngại về sự sụt giảm dân số và tình trạng già hóa nhanh chóng, hồi tháng 3 vừa qua, các chuyên gia Trung Quốc đã đề xuất rằng phụ nữ độc thân nên được tiếp cận với phương pháp đông lạnh trứng và điều trị IVF cùng các dịch vụ khác. Theo các chuyên gia, việc cho phép tiếp cận IVF trên toàn quốc có thể mở rộng thêm nhu cầu điều trị sinh sản ở quốc gia được xem là thị trường lớn nhất thế giới.
Ông Yve Lyppens, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của INVO Bioscience, cho biết: “Nếu Trung Quốc thay đổi chính sách cho phép phụ nữ độc thân có con, điều này có thể dẫn đến nhu cầu IVF tăng lên".
|
Hiện phụ nữ Trung Quốc chưa kết hôn có thể được phép đăng ký con nhưng dịch vụ IVF cho phụ nữ độc thân vẫn bị cấm |
Ông Lyppens cho biết hầu hết các phòng khám IVF ở Trung Quốc đã hoạt động hết công suất trước đại dịch COVID-19 và có khả năng sẽ rơi vào tình trạng quá tải khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến vi rút. Không có ước tính có bao nhiêu bệnh nhân muốn nhưng không thể tiếp cận điều trị IVF, nhưng ngày càng nhiều phụ nữ muốn tiếp cận dịch vụ này.
Xiang Yu, 34 tuổi, một phụ nữ đã có gia đình làm thụ tinh trong ống nghiệm ở Trùng Khánh, cho biết: “Luôn luôn có những dòng người xếp hàng dài trong bệnh viện và phải chờ đợi nhiều ngày để đến lượt".
Theo các tạp chí học thuật và các chuyên gia trong ngành, các bệnh viện và phòng khám Trung Quốc (cả công và tư), trung bình mỗi năm cung cấp khoảng một triệu lượt điều trị IVF, trong khi đó trên thế giới là 1,5 triệu lượt.
Giá cho một quy trình - bao gồm thuốc kích thích buồng trứng, lấy trứng, thụ tinh trong phòng thí nghiệm và chuyển phôi - tại Trung Quốc dao động trong khoảng từ 3.500 - 4.500 USD.
Trung Quốc hiện có 539 cơ sở IVF công và tư, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết họ đặt mục tiêu thành lập một cơ sở cho mỗi 2,3 triệu người vào năm 2025. Theo ước tính, vào năm 2025, thị trường IVF của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm với tổng giá trị lên hơn 12,4 tỉ USD.
Bà Vivian Zhang, Giám đốc điều hành của Merck China, công ty cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sinh sản cho các phòng khám IVF cho biết các thành phố ở khắp Trung Quốc đang xây dự những phòng khám riêng IVF: “Bệnh nhân Trung Quốc có nhu cầu y tế rất lớn chưa được đáp ứng,” bà Zhang nói, đồng thời cho biết thêm rằng bà “rất lạc quan” về thị trường IVF ở Trung Quốc.
|
Trong năm 2022, lần đầu tiên sau 60 năm Trung Quốc trải qua năm giảm sinh, với 10,4 triệu ca tử và 9,6 triệu ca sinh. Tổng dân số của Trung Quốc theo đó giảm 850.000 người xuống còn 1,41 tỉ người. |
Bà Camila Caso - giám đốc một công ty chuyên đầu tư vào các phòng khám và công nghệ sinh sản, cho biết hiện tại có khoảng 500.000 phụ nữ Trung Quốc ra nước ngoài thực hiện IVF. Bà cho biết nhiều phụ nữ Trung Quốc thích đến các phòng khám ở nước ngoài nếu họ còn độc thân hoặc chọn giới tính của đứa trẻ. Bởi tại Trung Quốc giới tính của thai nhi không được tiết lộ.
Tiến sĩ Lu Weiying, chuyên gia trưởng tại Trung tâm Y tế Sinh sản của Phụ nữ và Trẻ em ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, cho biết bà đã đệ trình một đề xuất để cho phép phụ nữ độc thân tiếp cận với đông lạnh trứng. “Người dân Trung Quốc kết hôn và sinh con muộn hơn nhiều so với trước đây, điều này dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ vô sinh, sẩy thai và tăng nguy cơ dị tật thai nhi" - bà nói.
Bác sĩ Lin Haiwei, Giám đốc Bệnh viện Gia đình Hoàn hảo Bắc Kinh, chuyên điều trị sinh sản, cho biết, tại Hoa Kỳ, tỷ lệ thành công khi một phụ nữ thực hiện IVF là 52%. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này chỉ hơn 30%. Theo bác sĩ này, nguyên nhân một phần do mức độ căng thẳng cao ở phụ nữ và độ tuổi trung bình để có con ngày càng tăng, bên cạnh đó chất lượng của một số phòng thí nghiệm IVF ở Trung Quốc cũng thấp hơn.
Tiến sĩ Lin ước tính rằng đã có khoảng 300.000 trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc thông qua IVF hàng năm (chiếm khoảng 3% trẻ sơ sinh). “Tôi tin rằng một chính sách liên quan sẽ ra đời trong tương lai gần có thể đáp ứng mong muốn có con của nhiều người,” tiến sĩ Lin nói.
Cô Joy Yang, 22 tuổi, chuyên ngành tài chính quốc tế đến từ tỉnh Hồ Nam, cho biết lần đầu tiên cô nghe nói về IVF trên truyền hình và cô muốn được tiếp cận trong trường hợp cô không tìm được người yêu hoặc chồng. “Có một số phụ nữ không muốn kết hôn nhưng họ vẫn muốn có con. Tôi có thể chọn làm IVF” - cô nói.
Trọng Trí (theo Reuters)