Nhiều phụ nữ để trầm cảm nặng rồi mới 'gõ cửa' chuyên gia

08/01/2018 - 14:20

PNO - Đa số nguyên nhân đẩy phụ nữ Hà Nội lâm vào tình trạng trầm cảm là sự bất an về tài chính, bế tắc trong sự nghiệp, mâu thuẫn với chồng, mẹ chồng.

Gần 200 phụ nữ trầm cảm đã được tư vấn trong chương trình “Tư vấn trầm cảm miễn phí” được tổ chức Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi dự án SỐNG HẠNH PHÚC do trường Vương Quốc Hạnh Phúc sáng lập với nỗ lực hỗ trợ phụ nữ tháo gỡ các bế tắc trong cuộc sống, chữa lành những tổn thương tâm lý bằng các liệu pháp Tâm lý học.
 
Chương trình đã khép lại với 120 ca được tư vấn trực tiếp. Với những ca chưa được tư vấn, Tiến sỹ Tâm lý học Phan Thị Huyền Trân (Dr.Pepper) đã có phần trao đổi chung, chia sẻ một số kiến thức căn bản nhất về trầm cảm để người bệnh xác định mức độ trầm cảm của mình, từ đó có hướng tháo gỡ hợp lý.

Nhieu phu nu de tram cam nang roi moi 'go cua' chuyen gia
 

Theo Dr.Pepper, từ mức độ trầm cảm trung bình, người bệnh đã cần gặp chuyên gia để được tư vấn. Tuy nhiên ở Việt Nam, đa số các ca đều chỉ tìm kiếm sự trợ giúp khi đã bước sang giai đoạn trầm cảm nặng, đã có những ý nghĩ tự tử len lỏi vào tâm trí. Đó là thời điểm quá trễ, bởi chất lượng sống của người bệnh đã chạm đáy và những mối quan hệ xung quanh đã bị tàn phá.
 
“Khi bạn trầm cảm, bạn như một quả bom tích tụ năng lượng tiêu cực, khiến những người bên cạnh không muốn ở bên cạnh nữa, trong đó có chồng, cộng sự, sếp, các con. Rất nhiều phụ nữ trầm cảm - khi nhận thức được tình trạng của mình, muốn thay đổi - thì đã mất chồng, mất việc, nghiêm trọng hơn là đã kéo theo những đứa con cùng rơi vào trầm cảm.

Trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc, chất lượng các mối quan hệ, làm gia đình xào xáo, ảnh hưởng cách nuôi dạy con cái và mang hệ luỵ chính cho sinh mệnh của người mắc bệnh. Gần 85% ca trầm cảm nặng lâu năm có khuynh hướng tự kết thúc cuộc sống. Nhưng cái đáng sợ nhất không phải là cái chết, mà là những hệ lụy xảy ra trong nhiều năm trước đó”, Dr.Pepper phân tích tác hại của căn bệnh trầm cảm ở phụ nữ. 

Cũng theo Dr.Pepper, bệnh nhân trầm cảm tại Hà Nội cao gấp 4 lần tại TP. HCM và có nguy cơ tăng cao vào mùa đông.

Với những ca trầm cảm nặng, để hoàn toàn vượt qua, người bệnh cần trung bình từ 6 tháng đến 2 năm trị liệu với sự hỗ trợ của chuyên gia. Tuy nhiên, Dr.Peppper cho biết, khả năng người bệnh trầm cảm tái phát là gần 100%. Nếu trước đó người bệnh đã hiểu đúng tình trạng của mình, biết cách điều chỉnh suy nghĩ, điều tiết cảm xúc, họ có thể tự giúp bản thân vượt qua dễ dàng hơn.

Nhieu phu nu de tram cam nang roi moi 'go cua' chuyen gia
 

Ghi nhận tại buổi tư vấn cho thấy: đa số nguyên nhân đẩy phụ nữ Hà Nội lâm vào tình trạng trầm cảm là sự bất an về tài chính, bế tắc trong sự nghiệp, mâu thuẫn với chồng, mẹ chồng. Với những trường hợp trầm cảm nhẹ, Dr.Pepper cùng cộng sự đưa ra 3 giải pháp cơ bản để cải thiện trạng thái tinh thần: 1. Cải thiện sức khỏe thể chất bằng cách tập thể dục, phơi nắng, xông hơi, hít thở không khí trong lành, cố gắng ngủ đủ. 2. Nâng cao năng lượng tinh thần bên trong bằng cách mang niềm vui đến cho mình, đồng thời không “nhận” những lời nói tiêu cực, không gần gũi những người, những việc mang lại cảm xúc tiêu cực. 3. Lập bảng kế hoạch vận hành 24g hiệu quả, vì cuộc sống lộn xộn càng khiến người bệnh cảm thấy thất vọng về bản thân và khiến trầm cảm nặng hơn.
 
Đối với những trường hợp trầm cảm trung bình và nặng, phụ nữ cần gặp chuyên gia tâm lý để được điều trị. Không chỉ để cải thiện chất lượng sống cho chính mình mà còn để ngăn ngừa, giảm thiểu sự ảnh hưởng lên con cái.

Mai Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI