|
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiều vụ án chưa thể mở phiên tòa xét xử do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 |
Theo tờ trình, thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Do đó, hoạt động xét xử của tòa án cũng bị ảnh hưởng, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định. Một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.
Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đòi hỏi phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay.
“Nghiên cứu pháp luật hiện hành cho thấy, các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Một số tòa án khi tổ chức phiên tòa xét xử vụ án xâm hại tình dục, tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nói.
Bên cạnh đó, tờ trình dẫn, nhiều quốc gia như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp như: cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến, tống đạt điện tử, cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến Từ những phân tích nêu trên, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp.
Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và sự tôn nghiêm của tòa án.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho biết, nhận thấy, xét xử là hoạt động tố tụng; trình tự, thủ tục đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các luật tố tụng. Vì lý do áp dụng các biện pháp cấp bách trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 nên Quốc hội mới xem xét, quyết định theo thủ tục rút gọn về việc ban hành Nghị quyết cho phép tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng. Do đó, Ủy ban tư pháp đề nghị quy định thời hạn cụ thể để Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện.
M.Quang