Cyndy O’Brien - một y tá làm việc tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Ocean Springs nằm trên bờ Vịnh Mexico (Gulf Coast), bang Mississippi (Mỹ) - không thể tin vào mắt mình khi đến nơi làm việc. Nhiều bệnh nhân COVID-19 phải nằm chờ trong 3 chiếc xe cứu thương ở bãi đậu xe vì bệnh viện đang quá tải. Bên trong bệnh viện, ngay cửa chính, nhiều bệnh nhân chen lấn để tiếp cận các y tá, tạo ra một tình trạng hỗn loạn.
|
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Ocean Springs, Mississippi (Mỹ) - Ảnh: NYT |
“Tình hình diễn ra như thể đang có chiến tranh. Chúng tôi phải liên tục tiếp nhận bệnh nhân mới, nhưng không biết sắp xếp thế nào cho họ”, O’Brien nói và cho biết thêm, vấn đề không phải là thiếu giường bệnh mà là không có đủ y tá. Tại hệ thống bệnh viện mà cô đang làm việc, có gần 30% trong số 500 giường còn trống, nhưng bệnh viện đang thiếu đến 169 y tá nên ban quản lý bệnh viện buộc phải để giường trống.
Tại Bệnh viện cấp cứu bang Texas, nhiều bệnh nhân cũng đang phải nằm ở hành lang. Trong những ngày gần đây, 90% những người nhập viện là các ca nhiễm COVID-19. Do không có đủ máy thở và nhân sự, nhiều bệnh viện ở thành phố Houston thuộc bang này đã không thể tiếp nhận các ca bệnh nặng.
Cũng tại Houston, một người đàn ông có 6 vết thương do đạn bắn đã phải đợi một tuần mới được Harris Health - một trong những hệ thống bệnh viện lớn nhất ở Mỹ - tiếp nhận để thực hiện phẫu thuật, chỉnh lại một bên vai bị gãy, do bệnh viện đang bị quá tải.
Tình trạng thiếu y tá tại nhiều bệnh viện ở Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp do sự hoành hành của biến thể Delta, đội ngũ này đang phải làm việc dưới áp lực cao và đặt bệnh nhân trước nhiều rủi ro.
Nhiều người trong số này đang bị suy kiệt và bị tổn thương về tâm lý, khiến họ phải tìm cách nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang các công việc ít căng thẳng hơn như làm điều dưỡng tại các trường học, trại hè và các phòng khám bệnh của bác sĩ tư.
“Chúng tôi thật sự cảm thấy kiệt sức, cả về thể chất lẫn cảm xúc”, O’Brien chia sẻ.
|
Cung cấp oxy y tế cho bệnh viện ở Mississippi (Mỹ) - Ảnh: NYT |
Tình trạng thiếu hụt nhân sự tại các bệnh viện cũng đang tác động xấu đến các nỗ lực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện. Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi tại phòng cấp cứu lâu hơn hoặc không được chăm sóc đầy đủ. Các khu chăm sóc đặc biệt (ICU) cũng bị “kẹt toa”, không thể tiếp nhận thêm các ca có diễn biến nặng mới.
Để “chữa cháy”, Thống đốc bang Oregon đã điều động 1.500 vệ binh quốc gia đến hỗ trợ các bệnh viện đang bị thiếu hụt nhân sự và quá tải. Trong khi đó, các quan chức ở một quận thuộc bang Florida, nơi các bệnh viện đang phải hoạt động quá công suất, đã kêu gọi người dân “cân nhắc các lựa chọn khác” trước khi gọi đến đường dây cấp cứu 911.
Tại Mississippi, nơi các ca nhiễm COVID-19 mới đã tăng gấp đôi trong 2 tuần qua, các quan chức y tế đã cảnh báo hệ thống bệnh viện của bang này đang trên bờ vực sụp đổ. Theo Hiệp hội Bệnh viện Mississippi, số y tá có đăng ký ở bang đã giảm 2.000 so với hồi đầu năm.
Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, nước này có hơn 3 triệu y tá trong năm 2019, và ước tính mỗi năm Mỹ sẽ cần thêm khoảng 176.000 y tá mới trên khắp đất nước trong vài năm tới. Nhưng đây là những con số dự báo được đưa ra trước đại dịch.
Thêm vào đó, Peter Buerhaus - một chuyên gia kinh tế học chuyên nghiên cứu về lực lượng y tá của Đại học Bang Montana - cảnh báo sẽ có khoảng 640.000 y tá ở Mỹ sắp bước vào tuổi nghỉ hưu.
Phát triển thêm lực lượng y tá, điều dưỡng cũng là một thách thức khác đối với Mỹ. Trong khi cần đào tạo 170.000 y tá mỗi năm, nhưng trong năm 2019, 80.000 ứng viên đủ tiêu chuẩn để theo học ngành này đã bị từ chối vì thiếu đội ngũ giảng viên, theo Hiệp hội các trường đào tạo y tá Mỹ.
Tại Đông Nam Á, trong những tháng gần đây, nhiều bệnh viện ở các nước như Malaysia, Thái Lan và Indonesia cũng đang trong tình trạng quá tải trước sự gia tăng các ca nhiễm mới do biến thể Delta, trong khi đội ngũ nhân viên y tế luôn bị thiết hụt và đang ở mức thấp báo động.
Là một trong những quốc gia cung cấp y tá nhiều nhất thế giới với khoảng 17.000 người đang làm công việc này ở nước ngoài, trong đó có Anh và Mỹ, năm 2019, nhưng Philippines đang ngày càng khó khăn trong việc bổ sung đầy đủ lực lượng y tá để đáp ứng nhu cầu trong nước.
|
Người dân Philippines xếp hàng chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Getty Images |
Lương thấp và điều kiện làm việc kém là các nguyên nhân chính. Tuần trước, Hiệp hội các bệnh viện tư nhân của Philippines ước tính 40% y tá ở bệnh viện tư nhân của nước này đã nghỉ việc trong năm 2020, và con số này tiếp tục tăng sau những đợt bùng phát dịch COVID-19 trong năm nay.
Maristela Abenojar - Chủ tịch Liên đoàn y tá Philippines (FNU) - cảnh báo số y tá ở nước này sẽ còn sụt giảm nếu chính phủ không tuyển dụng thêm với quy mô lớn để giảm bớt áp lực cho đội ngũ y tá hiện tại ở các địa phương và trả các khoản phúc lợi quá hạn cho họ.
Cảnh báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh Phillippines đang là một trong những nơi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nặng nề nhất ở Đông Nam Á. Chỉ riêng hôm 21/8, nước này đã ghi nhận 16.694 trường hợp nhiễm mới và 398 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tính từ đầu đại dịch lên 31.596 người.
Năm 2020, chính phủ Philippines đã tìm cách giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân viên y tế bằng cách triển khai một kế hoạch tuyển dụng khẩn cấp với các phúc lợi tốt hơn, như tăng 20% lương cho những người ký hợp đồng có thời hạn tối thiểu 3 tháng. Tuy nhiên, FNU cho biết tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, chính phủ Philippines còn thực hiện một số biện pháp gây ra nhiều tranh cãi, như cấm nhân viên y tế ra nước ngoài làm việc. Quy định này đã làm cho nhiều y tá - đã bỏ ra nhiều chi phí cho việc đào tạo, làm bài kiểm tra và chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để làm việc ở các nước khác - không thực hiện được kế hoạch của mình. Sau khi bị nhiều nhóm y tá phản đối dữ dội, biện pháp này đã được thay thế bằng việc giới hạn số lượng y tá được phép ra nước ngoài làm việc mỗi năm.
Nhất Nguyên (theo NYT, The Guardian)