Nhiều nước theo đuổi “quyền được chết” cho bệnh nhân

05/11/2021 - 06:55

PNO - Những cụm từ “quyền được chết”, “an tử” hay “trợ tử” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, đến nay pháp lý xung quanh vấn đề này vẫn còn tranh cãi dữ dội.

Ngày 24/10, chính phủ liên bang Áo đã đệ trình một dự thảo luật để việc hỗ trợ tự tử cho người lớn bị bệnh nặng trở thành hợp pháp. Điều đáng nói là dự luật này đã từng được trình lên Tòa án Hiến pháp của Áo vào năm ngoái nhưng đã bị phản bác vì tòa cho rằng việc trợ tử là vi hiến, vi phạm quyền tự quyết của một người.  

Một nhà tâm lý học người Hà Lan cho biết đã bán “thuốc tự tử” cho hơn 100 người muốn ra đi nhẹ nhàng mà không quan tâm đến việc có thể phải ngồi tù hay không. Trước đó, vào cuối tháng 10/2020, New Zealand bỏ phiếu để hợp pháp hóa chế độ sinh tử cho người mắc bệnh nan y với hơn 65% cử tri ủng hộ.

Nhiều bác sĩ từng sử dụng phương pháp an tử cho bệnh nhân cho rằng việc thực hiện hành động này là nhân đạo, vì lợi ích của bệnh nhân - ẢNH: AP
Nhiều bác sĩ từng sử dụng phương pháp an tử cho bệnh nhân cho rằng việc thực hiện hành động này là nhân đạo, vì lợi ích của bệnh nhân - ẢNH: AP

Liên tiếp những câu chuyện như trên cho thấy, nhiều nước vẫn theo đuổi dự luật về "cái chết êm ái" và cho rằng đó là việc nhân đạo đối với những người có nhu cầu được chết hơn là tội ác. Phần lớn yêu cầu “được chết” xuất phát từ vấn đề bệnh tật. Nhiều người không còn cảm giác muốn tận hưởng cuộc sống. Khi ấy, quyền được chết với lựa chọn an tử hay trợ tử có thể trở thành sự giải thoát nhẹ nhàng. Thế nhưng, nhiều nước dù đã thông qua luật nhưng với những điều kiện đi kèm từng loại hình cụ thể đã tạo nên nhiều tranh cãi. 

An tử là được sự chấp thuận của pháp luật khi một bệnh nhân hoặc gia đình người bệnh yêu cầu, bác sĩ sẽ là người thực hiện việc kết thúc sự sống của người bệnh bằng các biện pháp không gây đau đớn. Với an tử, bác sĩ thường sử dụng một mũi tiêm có chứa một loại thuốc giúp người bệnh ra đi nhẹ nhàng. Còn trợ tử có nghĩa là bác sĩ sẽ hỗ trợ để bệnh nhân tự kết thúc cuộc sống khi có yêu cầu. Lúc này, bác sĩ sẽ kê một liều thuốc gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân mới là người đóng vai trò chính khi quyết định có sử dụng thuốc để kết thúc cuộc sống hay không.

Ở Hà Lan, an tử hay trợ tử đều hợp pháp nếu bệnh nhân đang chịu những đau khổ đến mức không thể chịu đựng được và không có triển vọng cải thiện. Bất kỳ ai từ 12 tuổi đều có thể yêu cầu điều này, nhưng cần phải có sự đồng ý của cha mẹ nếu là trẻ dưới 16 tuổi. Bỉ, Luxembourg, Canada, Colombia và mới đây là Tây Ban Nha cũng cho phép cả an tử và trợ tử mặc dù có sự khác biệt. Ví dụ: chỉ những bệnh nhân giai đoạn cuối mới có thể yêu cầu an tử ở Colombia, trong khi Bỉ thì không giới hạn độ tuổi đối với trẻ em... 

Theo số liệu từ Thụy Sĩ, số người sống ở nước này từng được hỗ trợ tự tử đã tăng từ 187 vào năm 2003 lên 965 vào năm 2015. Theo thống kê từ Dignitas (một tổ chức chuyên hỗ trợ những người mắc bệnh nan y, không thể cứu chữa, những bệnh nhân khổ sở kinh niên vì nỗi đau thể xác, tinh thần đến với cái chết với sự trợ giúp của nhân viên y tế), năm 2018 có hàng trăm người trên thế giới đã đến Thụy Sĩ với mục đích tìm cái chết. Còn theo báo cáo của Ủy ban nghiên cứu về an tử năm 2017, ở Hà Lan có 6.585 trường hợp tự nguyện tử vong hoặc được hỗ trợ tự tử, chiếm 4,4% tổng số ca tử vong. Trong số đó có khoảng 96% trường hợp an tử và ít hơn 4% là trợ tử, và đa số là các bệnh nhân ung thư.

Agnes van der Heide - giáo sư làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Y khoa thuộc Đại học Erasmus ở Rotterdam - cho biết: “Tôi nghĩ đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và phải chịu đựng những đau khổ nghiêm trọng, không thể chịu đựng được thì hiếm có bác sĩ nào ở Hà Lan nghĩ rằng việc an tử cho họ vào thời điểm đó là gây hại”. 

Khánh Anh (theo CNN, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI