Nhiều nước tham gia chiến dịch quốc tế “Đòi Amazon trả tiền”

04/12/2020 - 15:18

PNO - Hơn 400 nhà lập pháp từ 34 quốc gia hôm 3/12 đã ký một lá thư gửi cho Jeff Bezos - ông chủ của Amazon.com Inc, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến - để ủng hộ một chiến dịch quốc tế phản đối việc Amazon “né tránh và loại bỏ… các khoản nợ đối với người lao động, xã hội và cả hành tinh”. Chiến dịch có tên “Make Amazon Pay” (Đòi Amazon trả tiền).

Hơn 400 nhà lập pháp từ 34 quốc gia tham gia chiến dịch “Make Amazon Pay” - Ảnh: Reuters
Hơn 400 nhà lập pháp từ 34 quốc gia tham gia chiến dịch “Make Amazon Pay” - Ảnh: Reuters

Chiến dịch “Make Amazon Pay” được một liên minh gồm hơn 50 tổ chức khởi động vào ngày 27/11 - phiên chợ mua sắm Black Friday hàng năm - với các yêu sách đòi Amazon cải thiện điều kiện làm việc và minh bạch đầy đủ về thuế.

Những người ký tên trong lá thư bao gồm các nữ nghị sĩ Mỹ Ilhan Omar và Rashida Tlaib, cựu lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn và Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu Heidi Hautala, theo các nhà tổ chức Progressive International và Liên minh Toàn cầu UNI.

Lá thư có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi ngài hành động dứt khoát để thay đổi các chính sách và ưu tiên của ngài vì người lao động, cộng đồng nhân viên và hành tinh của chúng ta”.

“Chúng tôi sẵn sàng hành động trong các cơ quan lập pháp tương ứng của mình để hậu thuẫn cho phong trào Make Amazon Pay đang lan rộng trên toàn thế giới”, lá thư nhấn mạnh.

Amazon - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới - trước đây từng phải đối mặt với những chỉ trích về việc trốn thuế ở Anh và các nước EU khác. Amazon cho biết lợi nhuận thu được “vẫn thấp” do bán lẻ là một ngành kinh doanh có tính cạnh tranh cao, tỷ suất lợi nhuận thấp và cần đầu tư rất nhiều.

Amazon hôm 3/12 cho biết, công ty chấp nhận sự giám sát kỹ lưỡng từ các nhà hoạch định chính sách, nhưng nhiều vấn đề được nêu ra trong lá thư bắt nguồn từ những khẳng định sai lầm.

Công ty nhấn mạnh, “Amazon có bề dày thành tích trong việc hỗ trợ nhân viên, khách hàng và cộng đồng, bao gồm cả việc cung cấp các điều kiện làm việc an toàn, mức lương cạnh tranh và chế độ phúc lợi tốt, trong khi chi trả hàng tỷ đô la tiền thuế trên toàn cầu”.

Và, Amazon cũng đã cam kết sẽ trung hòa carbon - đạt mức phát thải CO2 bằng zero - vào năm 2040.

Công ty Amazon đã phát triển nhanh chóng trong đại dịch COVID-19, doanh số bán hàng tăng vọt nhờ các quy định phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus đã “đưa người tiêu dùng lên mạng mua hàng trực tuyến”.

Các chính phủ đang xem xét áp dụng các quy định cứng rắn hơn đối với Amazon để khắc phục mối lo về cạnh tranh.

Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11 đã buộc tội Amazon làm tổn hại đến cạnh tranh bán lẻ, cáo buộc Amazon “sử dụng quy mô, sức mạnh và dữ liệu của mình để đạt được lợi thế không công bằng” đối với các thương gia nhỏ hơn bán hàng trên nền tảng trực tuyến của họ.

Amazon không đồng ý với các khẳng định của EU, và nói rằng họ chỉ đại diện chưa đến 1% thị trường bán lẻ toàn cầu và có các nhà bán lẻ lớn hơn ở mọi quốc gia Amazon đang hoạt động.

Thanh Hải (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI