Nhiều nước dỡ bỏ hạn chế phòng dịch, giới khoa học lo lắng

16/02/2022 - 07:16

PNO - Nhiều nước trên thế giới đang nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường, và điều này đang khiến các nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới càng lo lắng hơn.

Bắt đầu từ tháng Hai, khi dữ liệu về Omicron cho thấy biến thể này tuy lây lan nhanh nhưng không gây bệnh nặng và tử vong, nhiều nước bắt đầu dỡ bỏ những hạn chế. Đan Mạch là nước đầu tiên của Liên minh châu Âu thực hiện quyết định này vào ngày 1/2, bất chấp số ca mắc mới đang ở mức cao. Kế đến là Thụy Điển. Từ ngày 9/2, nước này loại bỏ các biện pháp hạn chế và ngừng xét nghiệm COVID-19 trong hầu hết trường hợp. Ngày 12/2, Na Uy thông báo sẽ dỡ bỏ gần như tất cả biện pháp hạn chế còn lại với nhận định SARS-CoV-2 không còn là mối đe dọa sức khỏe lớn đối với hầu hết người dân. 

Ngay cả Vương quốc Anh - một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến thể Omicron - cũng đã thông báo cuối tháng Hai này, mọi quy định về COVID-19 sẽ được dỡ bỏ. Thậm chí, những người có xét nghiệm dương tính cũng không cần tự cách ly. Trong khi đó, chính quyền liên bang và các bang ở Đức đang lên kế hoạch bãi bỏ dần nhiều biện pháp phòng dịch từ ngày 20/3, trong bối cảnh làn sóng Omicron vẫn đang tăng. Không vội vàng nhưng nhiều bang của Mỹ cũng giảm bớt các hạn chế. 

Việc nhiều nước dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch đang khiến các nhà khoa học lo ngại - ẢNH: GETTY IMAGES
Việc nhiều nước dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch đang khiến các nhà khoa học lo ngại - ẢNH: GETTY IMAGES

Mặc dù theo thống kê của trang worldometers.info hôm 15/2, số ca mắc mới trên thế giới đang giảm mạnh nhưng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu hiện đã lên tới 413.665.118 ca, trong đó có 5.842.452 người tử vong. Chính vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo việc vội vàng dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch có thể làm gia tăng ca tái nhiễm. Bởi thực tế, từ khi biến thể Omicron xuất hiện vào tháng 11/2021, thế giới đã có hơn 130 triệu trường hợp mắc mới và hơn 500.000 ca tử vong. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “COVID-19 vẫn lây lan nhiều, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều ca tử vong hơn. Chúng tôi không kêu gọi bất kỳ quốc gia nào quay trở lại biện pháp phong tỏa. Nhưng chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia bảo vệ người dân bằng cách sử dụng mọi công cụ, không chỉ vắc-xin mà còn các quy tắc cơ bản khác như giữ khoảng cách, khẩu trang, rửa tay…”. Tiến sĩ Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm khoa học của WHO - nhấn mạnh rằng, các nước nên vạch ra lộ trình của riêng mình trong việc dỡ bỏ các biện pháp, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của mỗi nước thay vì làm theo những gì các nước khác đang làm.

Các nhà khoa học của Vương quốc Anh đã cảnh báo một biến thể trong tương lai của COVID-19 có thể nguy hiểm hơn, gây ra số ca tử vong, mắc bệnh nghiêm trọng hơn nhiều so với Omicron. Giáo sư Mark Woolhouse - Đại học Edinburgh - nhận định: “Omicron không đến từ biến thể Delta, nó đến từ một phần hoàn toàn khác trong dòng họ của vi-rút. Vì vậy, chúng ta không biết một biến thể sắp tới sẽ đến từ đâu, có thể gây bệnh như thế nào. Nó có thể ít gây bệnh hơn nhưng cũng có thể dễ gây bệnh hơn”.

Quan điểm này được ủng hộ bởi nhà vi-rút học, giáo sư Lawrence Young của Đại học Warwick. Ông nói: “Suy nghĩ rằng các biến thể vi-rút sẽ tiếp tục trở nên nhẹ hơn là sai. Sẽ có một biến thể mới còn gây bệnh hơn cả biến thể Delta”. Tiến sĩ David Nabarro - đặc phái viên về COVID-19 của WHO - cũng nhấn mạnh: “Sẽ có nhiều biến thể hơn sau Omicron và nếu chúng dễ lây truyền hơn, chúng sẽ chiếm ưu thế và gây ra các kiểu bệnh tật khác nhau. Hay nói cách khác, chúng có thể gây chết người nhiều hơn hoặc để lại hậu quả lâu dài hơn”. 

Trọng Trí (theo AP, Reuters, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI