Nghệ An:

Nhiều nữ sinh cấp 2 nghỉ học đi lấy chồng

05/03/2023 - 06:55

PNO - Sau kỳ nghỉ tết, nhiều học sinh ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An nghỉ học để đi lấy vợ, lấy chồng hoặc đi làm trong sự nuối tiếc của thầy cô.

Ồ ạt nghỉ học lấy chồng, đi làm

Mở cuốn sổ theo dõi học sinh, thầy Ngô Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nói, sau kỳ nghỉ tết, các thầy cô đã nỗ lực tìm đến nhà tuyên truyền, vận động học sinh trở lại trường, nhưng hiện vẫn còn thiếu 16 em. Hầu hết những em này đều đã nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng hoặc đi làm công ty.

“Sau tết, có 7 nữ sinh đã lấy chồng, 2 nam sinh đã lấy vợ. Khi giáo viên đến nhà mới biết, phụ huynh cũng bảo giờ con đã lấy chồng, lấy vợ rồi nên thôi, không phải đi học nữa” - thầy Ngô Anh Tuấn nói.

Thầy cô ở vùng cao Nghệ An lặn lội tìm đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường sau mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết - Ảnh: Khánh Trung
Sau mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết, thầy cô ở vùng cao Nghệ An lặn lội tìm đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường - Ảnh: Khánh Trung

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, đã có 154 học sinh của các trường THCS trên địa bàn nghỉ học. Trong đó, 57 em nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng, các em khác chủ yếu nghỉ học để đi làm, hoặc theo cha mẹ đi nơi khác sinh sống.

Số học sinh nghỉ học nhiều nhất tập trung chủ yếu ở các xã: Mường Lống, Nậm Típ, Na Ngoi, Chiêu Lưu, Huồi Tụ… Đây là những xã giáp ranh với Lào, nơi tập trung nhiều người đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Phần lớn các em nghỉ học lập gia đình đang là học sinh lớp 8, lớp 9, cũng có nhiều trường hợp mới học lớp 7, thậm chí lớp 6.

Theo thầy Ngô Anh Tuấn, ở đây, việc học sinh lập gia đình khi chưa tốt nghiệp THCS không lạ, đặc biệt là sau dịp tết. “Năm nào sau tết cũng có học sinh nghỉ học lấy vợ, lấy chồng. Nhưng năm nay số lượng nhiều hơn hẳn” - thầy Tuấn nói.

Thầy Phạm Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) - cho biết, sau kỳ nghỉ tết, trường này có 9 nữ sinh lấy chồng, 2 nam sinh lấy vợ, 10 học sinh khác nghỉ học ở nhà, đi làm công ty. 

Trong số 11 học sinh lập gia đình đợt này, có 4 em cưới nhau. “2 bạn lớp 9 và 2 bạn lớp 8 lấy nhau. Các em bảo cố học xong lớp 9, lấy bằng tốt nghiệp để sau này đi làm công ty cho dễ nên vẫn tiếp tục đi học. Vậy nhưng các em cũng chẳng đi học đều, có hôm vợ đi thì chồng nghỉ và ngược lại. Những học sinh còn lại lấy chồng ở xã khác nên đều đã nghỉ học” - thầy Hùng nói.

Không dám ngăn cản vì sợ mất con

Thầy Phạm Mạnh Hùng cho biết, các thầy cô tiếc nuối nhất trường hợp một nữ sinh lớp 7. Năm ngoái, khi đang là học sinh lớp 6, Xồng Y N. yêu và dự định kết hôn với một chàng trai địa phương. Song khi thầy cô, gia đình biết và can ngăn, nữ sinh này đồng ý quay lại trường.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Tít lắp đặt camera theo dõi ở khu nhà nội trú để giám sát học sinh - Ảnh: Phan Ngọc
Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Tít lắp đặt camera theo dõi ở khu nhà nội trú để giám sát học sinh - Ảnh: Phan Ngọc

“N. là học sinh giỏi, các thầy cô đã bồi dưỡng môn toán cho em từ đầu năm để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh sắp tới. Nhưng giờ em đã lấy chồng bên Lào, chúng tôi buồn và tiếc lắm” - thầy Hùng nói. Thầy Hùng cho biết thêm, khi nữ sinh này quyết định lấy chồng, gia đình đã khuyên can rất nhiều nhưng không dám mạnh tay, sợ cháu giận, đi ăn lá ngón thì mất luôn con.

Để ngăn chặn chuyện tình cảm vượt ngoài tầm kiểm soát, nhất là khi trường có số lượng lớn học sinh ăn ở bán trú tại trường, một số trường vùng cao ở Nghệ An lắp đặt camera ở khu vực nhà nội trú để giám sát, kịp thời ngăn chặn trai bản lẻn vào “tán gái”. Theo thầy Hùng, mỗi đêm trường bố trí 2 giáo viên đi tuần tra khu nội trú của học sinh. “Chỉ đến khi học sinh đã tắt điện đi ngủ hết thì giáo viên mới về nghỉ. Nhưng vẫn có nhiều em lén ra ngoài” - thầy Hùng nói.

Ông Xồng Vả Dềnh - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi - cho biết, học sinh lấy nhau khi chưa đủ tuổi sẽ không được đăng ký kết hôn, đồng thời bị xử phạt hành chính theo quy định. Phần lớn những cặp vợ chồng học sinh này khi về chung sống với nhau đều chỉ tổ chức vài mâm cơm nhỏ để ra mắt người thân, không tổ chức đám cưới lớn. 

“Với phong tục của người Mông, người con gái bước vào nhà chồng dù chỉ vài phút cũng đã thành vợ, nếu không ở lại mà bỏ về thì coi như đã một đời chồng nên rất khó. Nhiều trường hợp bố mẹ các em không đồng ý nhưng không dám phản đối quyết liệt, vì sợ các em ăn lá ngón tự tử” - ông Dềnh nói.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, tình trạng tảo hôn trên địa bàn này xảy ra đã lâu. Hàng năm, đơn vị này và các trường thường xuyên phối hợp với địa phương để tuyên truyền cho học sinh về các tệ nạn xã hội, nạn tảo hôn.

“Thường các ngày chào cờ đầu tuần, trường thường xuyên phối hợp với công an lồng ghép vào các chương trình để tuyên truyền về các tệ nạn xã hội, nạn tảo hôn để các em học sinh phòng tránh. Phòng Lao động cũng có nhiều chương trình riêng của huyện tại các thôn bản để tuyên truyền nhưng vẫn chưa chấm dứt được hẳn nạn tảo hôn” - lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI