Nhiều nữ công nhân sập bẫy lừa của 'trai đẹp' trên mạng

09/10/2018 - 06:00

PNO - Lợi dụng tình cảnh xa nhà, thiếu thốn tình cảm của nữ công nhân, các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận làm quen, rủ đi chơi rồi chiếm đoạt tài sản.

Chỉ trong vòng một tháng qua, tại địa bàn giáp ranh TP.HCM và tỉnh Bình Dương, đã xảy ra hàng chục vụ lừa đảo như trên.

Nhieu nu cong nhan sap bay lua cua 'trai dep' tren mang
Đối tượng chuyên lừa đảo qua mạng bị nhóm “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải bắt giữ ở Q.10, TP.HCM hồi tháng 8/2018

Đã cướp tài sản, còn tung ảnh “nhạy cảm” lên mạng

Một ngày cuối tháng 9/2018, chị Dương Thị Liễu (quê tỉnh Vĩnh Long, tạm trú tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) hốt hoảng vì hàng loạt ảnh “nhạy cảm” trong điện thoại của chị bị đối tượng xấu tung lên mạng và gửi cho bạn bè. Chị Liễu cho biết, vào tháng 7/2018, chị lên mạng Zalo và quen với một người đàn ông có nickname Tuấn Phát. Qua trò chuyện, gã này tự giới thiệu là đồng hương của chị Liễu, hiện đang làm quản đốc một công ty ở khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương. Sống xa nhà, lại được “đồng hương” thường xuyên hỏi thăm, chị Liễu cũng có phần cảm mến. Sau đó, gã thanh niên chở chị Liễu đi uống cà phê vài lần.

Ngày 15/7, khi hai người đang uống nước tại một quán cà phê thuộc địa phận tỉnh Bình Dương thì thanh niên trên giả vờ kêu điện thoại hết pin và mượn điện thoại của chị Liễu để gọi về cho gia đình. Không mảy may nghi ngờ, chị Liễu đưa điện thoại cho bạn trai mới quen mượn. Gã này đi vòng vòng gọi điện rồi “biến mất” cùng chiếc điện thoại của chị Liễu. “Khi biết mình bị lừa, em uất lắm, nhưng nghĩ báo công an thì phiền phức nên đón xe ôm về nhà luôn. Không ngờ, hai tháng sau, những hình ảnh nhạy cảm của em trong chiếc điện thoại đó bị đăng tải lên mạng bằng chính tài khoản của mình” - chị Liễu chưa hết bàng hoàng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, từ cuối tháng 8/2018 đến nay, tại khu vực giáp ranh TP.HCM và tỉnh Bình Dương, đã xảy ra hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn làm quen, kết bạn trên Zalo. Theo Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, trên thực tế, nhiều nạn nhân vì mặc cảm, xấu hổ nên không dám đến cơ quan công an trình báo.

Nạn nhân cần lên tiếng, phối hợp phá án

Gần đây, trang Facebook của nhóm “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Bình Dương) thường xuyên đăng tải thông báo truy tìm các đối tượng lừa đảo phụ nữ qua hình thức làm quen, kết bạn trên mạng. Mới nhất, vào cuối tháng Tám, nhóm của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tài - sinh năm 1996, quê ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - và bàn giao cho Công an Q.10, TP.HCM xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, chị Trần Thị T.H. - sinh năm 1992, ngụ tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - quen Tài qua mạng xã hội Zalo. Sau nhiều lần đến chỗ chị H. ở chơi, ngày 24/8, Tài mượn xe máy hiệu Vision của chị H. với lý do “đi đón bạn” rồi bỏ trốn, cắt liên lạc. 

Nhieu nu cong nhan sap bay lua cua 'trai dep' tren mang
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải và người dân phát hiện bắt giữ một tên trộm xe máy (Ảnh: Báo Bình Dương)

Sau khi tiếp nhận thông tin từ chị H., “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải và đồng đội đã tổ chức truy tìm. Sáng 28/8, trong lúc tuần tra trên địa bàn P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, các “hiệp sĩ” phát hiện Tài nên tổ chức theo dõi. Trưa cùng ngày, khi Tài đến công viên Lê Thị Riêng (Q.10, TP.HCM) thì bị các “hiệp sĩ” mời về cơ quan công an. Qua làm việc, Tài thừa nhận đã bán chiếc xe của chị H., còn chiếc xe máy mà y đang chạy là do lừa lấy của một phụ nữ khác ở Q.10. Trước đó, Tài đã lừa lấy được nhiều tài sản của phụ nữ bằng thủ đoạn tương tự.

Trung tá Nguyễn Thanh Phương - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - cho biết, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là nhắn tin qua mạng xã hội, rủ các nạn nhân đi chơi một vài lần để nạn nhân tin tưởng, sau đó đưa nạn nhân đến nơi vắng vẻ, quan hệ tình dục rồi cướp tài sản. Trung tá Phương khuyến cáo, loại tội phạm qua mạng xã hội đang có xu hướng nở rộ nên chị em không nên kết bạn khi chưa biết rõ lai lịch người muốn kết bạn với mình.

Một cán bộ Công an Q.Thủ Đức khuyên, khi đã trót bị lừa, nạn nhân nên mạnh dạn tố cáo và phối hợp với cơ quan công an để nhanh chóng phá án: “Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ án cơ quan công an bắt được kẻ lừa đảo là nhờ sự hợp tác của nạn nhân”. Vị cán bộ này dẫn chứng, cách đây không lâu, có nạn nhân bị bạn trai quen qua mạng lừa lấy xe máy. Nạn nhân đã đến trình báo cơ quan công an, đồng thời sử dụng một tài khoản Zalo khác hẹn gặp đối tượng này, giúp công an địa phương bắt giữ. “Tâm lý của tội phạm lừa đảo trên mạng là khi lừa lấy được tài sản mang bán, tiêu hết tiền, chúng sẽ đi tìm con mồi mới để tiếp tục lừa đảo. Do đó, nếu có sự phối hợp của nạn nhân, quá trình phá án của công an sẽ rất dễ dàng hơn” - vị này nói.  

Tiếp tục tuyên truyền cho nữ công nhân về tội phạm qua mạng

Các thủ đoạn lừa đảo, bẫy tình qua mạng thực ra không mới. Hội LHPN và Công an TP.HCM đã rất nhiều lần lên tiếng cảnh báo về các thủ đoạn này. Từ đầu năm 2018 đến nay, theo chỉ đạo liên tịch của Hội LHPN TP.HCM và Công an TP.HCM, công an và Hội LHPN 24 quận, huyện của TP.HCM cũng thường xuyên tổ chức phổ biến chuyên đề cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua mạng cho hội viên, phụ nữ.

Bọn tội phạm công nghệ cao chủ yếu đánh vào tâm lý yếu mềm, thiếu chỗ dựa tình cảm và cả lòng tham của chị em để lừa gạt tình cảm và tiền của. Tuy nhiên, trước đây, các đối tượng này nhắm vào phụ nữ trung niên, đã ly hôn, có tiền, có tài sản thì nay chúng có xu hướng nhắm vào nữ công nhân trẻ, xa quê. Đây thật sự là vấn đề đáng báo động. Về phía Hội, chúng tôi sẽ lưu ý các cơ sở tập trung tuyên truyền, nâng cao cảnh giác và kỹ năng phòng, chống loại tội phạm này cho nữ công nhân nhà trọ.

Chúng tôi mong chị em thật sáng suốt, bình tĩnh, cẩn trọng khi kết giao trên mạng xã hội, nắm được thủ đoạn của loại tội phạm này để phòng, tránh bị lừa. Hội LHPN TP.HCM luôn đồng hành cùng chị em, nhưng trong chuyện quan hệ tình cảm riêng tư, mỗi cá nhân phải tự lựa chọn. Hiện có rất nhiều chi hội phụ nữ công nhân, câu lạc bộ, tổ, nhóm để nữ công nhân nhà trọ sinh hoạt, học hỏi kiến thức, kỹ năng. Chị em công nhân nên tham gia vào các tổ chức này để có những thông tin, hoạt động bổ ích, hoàn thiện bản thân, đề kháng được với những điều không tốt trong xã hội.  

Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM 

Sơn Vinh - Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI