Nhiều nông sản bị 'chụp mũ' biến đổi gen

31/03/2017 - 14:26

PNO - Không chỉ đậu nành, bắp ngọt, hàng loạt sản phẩm nông sản Việt như đu đủ, nhãn tím, ổi tím... đang bị người tiêu dùng (NTD) “ngầm” dán mác GMO (Genetically Modified Organism, tức vật biến đổi gen) và kêu gọi tẩy chay.

Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định, nhiều sản phẩm đang bị “chụp mũ” do NTD hiểu biết chưa đầy đủ về giống cây trồng.

Nhieu nong san bi 'chup mu' bien doi gen
 

Mấy ngày nay, thông tin nông sản biến đổi gen đang gây xôn xao dư luận. Những cảnh báo nguy hại, ảnh hưởng của GMO tới sức khỏe con người được chia sẻ dày đặc trên các trang mạng xã hội… khiến NTD không khỏi hoang mang, lo lắng.

Không đề cập tới vấn đề đúng sai của những thông tin này, bởi đề tài GMO vẫn là cuộc tranh luận chưa có hồi kết của các nhà khoa học trên thế giới. Song, điều đáng nói là NTD đã “truyền tai” nhau danh sách nhiều mặt hàng nông sản được “ngầm” gắn mác GMO và kêu gọi tẩy chay.

Ngô (bắp) ngọt là món ăn “khoái khẩu” của gia đình, nhưng trước thông tin  cho rằng đây là một trong những sản phẩm phổ biến và “điển hình” nhất của cây trồng biến đổi gen, chị Bảo Hân (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) ngay lập tức “cắt” sản phẩm này ra khỏi thực đơn hàng ngày.

Chị Thanh Phương (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) thường xuyên dùng ngô ngọt để làm sữa cho các con uống, cũng không khỏi băn khoăn trước làn sóng “tẩy chay” ngô ngọt rầm rộ khắp mạng xã hội: “Hai năm trở lại đây, sữa ngô ngọt là thức uống phổ biến nhất trong gia đình tôi vì hương vị thơm ngon, dễ uống. Nhưng với thông tin hiện tại, chúng tôi thực sự lo lắng, bởi không rõ với lượng tiêu thụ suốt trong thời gian dài như vậy, có tác động đến sức khỏe hoặc gây ra những chứng bệnh như dậy thì sớm, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của trẻ sau này hay không?”.

Nhieu nong san bi 'chup mu' bien doi gen
Ổi tím

Bên cạnh ngô ngọt, hàng loạt các sản phẩm như đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (sữa, đậu phụ), sữa bò (do nghi dùng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ sản phẩm GMO), các sản phẩm có màu sắc lạ mắt như ổi tím, nhãn tím, cà chua đen… Thậm chí, nhiều thông tin cho rằng, đu đủ biến đổi gen đang tràn lan trên thị trường nên NTD chỉ nên lựa chọn đu đủ ta… vỏ xấu, đốm mụn (?).

Trước thông tin ngô ngọt trên thị trường là sản phẩm GMO, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.Hà Nội khẳng định, đây là thông tin sai lệch, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ nông dân trồng ngô.

Theo bà Thoa, ngô ngọt được trồng khá phổ biến tại các khu vực đất bãi của Hà Nội như Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm… song toàn bộ đều không phải là sản phẩm biến đổi gen. “Không riêng Hà Nội mà các địa phương  khác  cũng chỉ sản xuất ngô biến đổi gen trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó không có giống ngô ngọt” - bà Thoa nói.

Tương tự, giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cũng phủ định thông tin ngô ngọt là sản phẩm biến đổi gen tại Việt Nam: “Hiện nay, ngô biến đổi gen được trồng ở Việt Nam chỉ là các giống đột biến chống lại sâu bệnh và diệt cỏ, nhằm tăng năng suất cây trồng chứ không có chuyện ngô ngọt biến đổi gen”.

Nhieu nong san bi 'chup mu' bien doi gen
Cà chua đen

Giáo sư Lê Huy Hàm cũng phân tích, người nông dân không tự mạo hiểm đưa giống cây trồng biến đổi gen không được phép sử dụng vào sản xuất vì đây là cả một quy trình tốn kém và được nhiều cơ quan nhà nước giám sát chặt chẽ. Để nhân rộng và đưa vào sản xuất, đòi hỏi khoảng thời gian nghiên cứu từ 3 - 5 năm và chi phí cao nên bản thân người nông dân cũng không mặn mà”.

Theo thông tin từ Cục trồng trọt - Bộ NN-PTNT, hiện giá hạt giống bắp GMO đang cao hơn nhiều so với giá bắp lai F1 truyền thống. Trong khi đó, giá bắp hạt thương phẩm lại đang ở mức thấp nên diện tích bắp biến đổi gen mới chiếm khoảng 8% tổng diện tích bắp trồng.

Trong cơ cấu sản xuất ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 50 giống bắp các loại, trong đó có 16 giống bắp biến đổi gen đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Các gen được chuyển gồm gen kháng sâu bọ cánh vảy (sâu đục thân, đục trái, đục cờ) và gen kháng thuốc trừ cỏ gốc glyphosate. 

Giáo sư Lê Huy Hàm cũng cho rằng, người tiêu dùng đang hiểu sai, “chụp mũ” cho nhiều sản phẩm biến đổi gen, trong khi sự thực không phải như vậy. Điển hình là các loại quả có màu sắc lạ như cà chua đen, ổi tím, su hào tím… Theo vị chuyên gia di truyền trong lĩnh vực nông nghiệp, đây chỉ là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống, chọn lọc những đặc tính ưu việt để kích thích giác quan của NTD, vì vậy hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI