Giáo dục bằng roi vọt
Trường học Georgia (bang Georgia, Mỹ) xây dựng dựa trên triết lý dung hòa giữa tư tưởng giáo dục truyền thống và áp dụng cải cách thời đại. Mới đây, họ đã áp dụng phương pháp rèn giũa học sinh gây tranh cãi. Đó chính là phạt học sinh bằng cách đánh đòn, với tối đa là ba roi vào mông.
|
Ba cây thước/roi dùng để đánh đòn học sinh. Kích thước cây thước/roi sẽ không dài quá 60cm, bề ngang không quá 15cm và bề dày không quá 2,5cm. Mỗi lần bị phạt, học sinh sẽ bị đánh tối đa 3 roi. |
Đầu năm học này, nhà trường hỏi ý kiến phụ huynh học sinh của trẻ từ 5-15 tuổi đang theo học tại trường, liệu họ có đồng ý để con em mình bị đánh đòn vào mông khi vi phạm nội quy nhà trường hay không.
Thầy giám thị Jody Boulineau nói với truyền thông: “Ở trường học này, chúng tôi đưa ra những hình phạt rất nghiêm khắc. Trước đây, việc phạt học sinh bằng các hình thức liên quan tới thể chất từng là điều hết sức bình thường".
Georgia là một trong 19 bang ở Mỹ hiện vẫn cho phép áp dụng hình phạt đánh đòn, đánh, tát, hay nhiều hình phạt khác liên quan đến thân thể học sinh.
Với câu hỏi này, nhà trường đã nhận rất nhiều phản ứng, câu trả lời khác nhau từ phụ huynh. 1/3 số phụ huynh đồng ý hình thức phạt này của nhà trường. Không ít người phản đối ý kiến này, thậm chí đã đưa sự việc lên mạng xã hội, trở thành đề tài bàn tán gây sự chú ý của dư luận.
Nhà trường gửi thông báo qua thư đến phụ huynh và cho biết rằng, nếu phụ huynh không đồng ý với yêu cầu trên của trường thì con họ sẽ nhận hình phạt thay thế là bị đình chỉ 5 ngày học.
|
Đòn roi có phải là biện pháp giáo dục phù hợp không? |
Thầy giám thị Jody Boulineau cho biết: “Đây chỉ là việc bổ sung thêm một công cụ nữa cho những phương pháp giúp nhà trường siết chặt kỷ luật với các em học sinh. Hình thức này không bắt buộc, nên cha mẹ có thể cân nhắc đồng ý hoặc không đồng ý”.
Khi bị đánh đòn, học sinh sẽ được đưa đến phòng đóng cửa kín. Các em có thể đặt tay lên gối hoặc lên bất cứ vật dụng nào để làm điểm tựa và sau đó sẽ bị đánh lên mông.
Thực tế, việc Mỹ vẫn áp dụng hình thức phạt bằng đòn roi đã trải qua nhiều lần tranh luận gay gắt từ các nhà làm luật. Năm 1977, trước Tòa án tối cao, hình phạt nhắm vào thân thể đã được kiểm định về mức độ, nguyên tắc thực hiện và sau đó được cho là có thể áp dụng với nhiều trường hợp học sinh.
Một khảo sát năm 2014 cho thấy, cứ 30 giây là có một em học sinh trường công ở Mỹ bị đánh đòn. Hiện nay, quy định về hình phạt trực tiếp lên thân thể học sinh là quyền ở mỗi bang tại Mỹ. Nhiều bang còn duy trì hình thức này, nhưng cũng có những bang đã từ bỏ từ lâu.
Đòn roi hay là sự bất lực của giáo dục?
|
Đòn roi để lại hậu quả lâu dài với sự phát triển của trẻ là điều mà rất nhiều nhà tâm lý học đã cảnh báo. |
New Mexico là bang mới nhất ở Mỹ cấm việc đánh học sinh và điều này được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của bang từ năm 2011. Trước đó, 30 bang khác cũng quy định cấm hành vi bạo lực thể chất với học sinh.
Ở thời điểm luật được thông qua ở New Mexico, Giám đốc Tara Ford của tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các dịch vụ pháp lý cho trẻ em “Pegasus Legal Services for Children” cho biết, việc dùng đòn ròi, đánh, tát... sẽ gửi sai thông điệp đến trẻ em. Nếu muốn trẻ thay đổi hành vi thì cần giáo dục trẻ thay đổi từ nhận thức. Muốn vậy thì người giáo dục trẻ phải hướng dẫn các em cách giải quyết vấn đề, giảm thiểu công cụ bạo lực.
Giám đốc Điều hành chương trình Quyền của người khuyết tật tại New Mexico, ông Jim Jackson cho biết: "Điều đáng quan tâm là cộng đồng trẻ nghèo, trẻ thuộc nhóm thiểu số, khuyết tật hay tự kỷ lại là những đứa trẻ chịu hình phạt thể chất nhiều nhất trong số 705 trẻ bị đánh mỗi năm ở Mexico, theo khảo sát năm 2010".
Các nhà lập pháp tại đây thấy rõ sự bất cập và khác biệt về nền tảng gia đình ảnh hưởng đến số phận của một đứa trẻ ở nhà trường. Đó là lý do khiến họ quyết tâm chấm dứt hình phạt này ở nhà trường.
Hậu quả của kiểu giáo dục roi vọt
|
Học sinh 13 tuổi tử vong vài ngày sau khi bị thầy giáo đánh ở Tanzania. |
Cuối tháng Tám vừa qua, dư luận Tanzania rúng động với trường hợp học sinh (13 tuổi) qua đời chỉ vài ngày sau khi bị thầy giáo đánh đập thậm tệ, vì tình nghi em ăn cắp túi xách của thầy.
Gia đình Sperius Eradius nhất quyết không chịu làm lễ mai táng cho em, cho đến khi nào thầy giáo bị bắt và bị điều tra. Hiệp hội Truyền thông phụ nữ ở Tanzania gọi cách mà người thầy đối xử với đứa trẻ quá tàn nhẫn và vô nhân đạo.
Ở Tanzania, luật pháp cho phép thầy cô sử dụng hình phạt bạo lực lên thân thể học sinh, nhưng phải bằng cách hợp lý, và chỉ đánh vào mông hoặc tay. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong cơn giận dữ, không ít thầy cô đã quên những giới hạn và đây là một trong những trường hợp đau lòng dẫn đến kết quả tồi tệ nhất.
Trên thế giới, phần lớn các nhà tâm lý học đều phản đối việc dùng đòn roi dạy dỗ trẻ vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần những đứa trẻ. Vì thế, không chỉ cấm đòn roi ở nhà trường, các nhà tâm lý học còn khuyến khích việc cấm đòn roi trong gia đình.
Ngày 12/9 vừa qua, Hiệp hội các nhà tâm lý học giáo dục ở Anh đã đưa ra lời kêu gọi đến Chính phủ Anh, phải chú ý nhận thức “hình phạt thể chất có thể gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài lên sự phát triển của trẻ” vào quá trình làm luật.
Các nhà lập pháp ở Scotland mới đây cũng đã đưa ra dự luật quy định cha mẹ có thể bị khởi tố nếu đánh đập con cái, và dự luật này đang được nhiều người kỳ vọng thông qua.
|
Anh Thông (Theo Telegraph, Independent, AFP)