Gia tăng sự cố nguy hiểm
Mùa mưa đến, gia đình bà Lê Thị Xem, thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ) lại lo xảy ra lốc xoáy. Là người sống lâu năm ở H.Cần Giờ, bà Xem cho biết, trước đây, người dân chỉ lo lắng mỗi khi nghe dự báo có bão ở vùng biển phía Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, lốc xoáy xảy ra ngày một nhiều hơn, bất kể vào mùa mưa hay nắng và thiệt hại do lốc xoáy gây ra rất nặng nề.
|
Các chiến sĩ PC07 đang chữa cháy cho một nhà xưởng ở TPHCM năm 2021 |
Còn ở Q.8, người dân sống trong hẻm 728 Phạm Thế Hiển lại đang bất an với tình trạng sạt lở. Tháng 5/2021, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở TPHCM, hai căn nhà ở cuối hẻm 728 bất ngờ bị đổ sập, sáu căn gần đó cũng bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân của sự cố này là do bờ kênh Đôi bị sạt lở.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, năm 2021, TPHCM xảy ra năm đợt triều cường, bảy đợt giông, lốc xoáy và sáu vụ sạt lở sông, kênh, rạch. Thiên tai đã khiến một căn nhà hư hỏng hoàn toàn, 240 căn nhà tốc mái, hư hỏng, 29 trụ điện các loại và hai bảng quảng cáo bị hư hại…
Chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, TPHCM xảy ra bốn đợt triều cường, nhiều vụ lốc xoáy làm một người bị thương, hai ô tô hư hỏng và 27 cây xanh ngã, đổ.
Bên cạnh thiên tai, các vụ tai nạn, cháy nổ cũng xảy ra nhiều và phức tạp. Một ngày cuối tháng 3/2022, Trung tâm Thông tin chỉ huy 114, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), còn gọi là PC07, thuộc Công an TPHCM nhận được tin báo về một vụ đuối nước trên sông Sài Gòn, thuộc địa phận P.22, Q.Bình Thạn), liền điều động sáu cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, lặn tìm người bị nạn.
Tổ CNCH thuộc PC07 hiện có khoảng 40 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi tháng, lực lượng này thực hiện khoảng 15 vụ CNCH dưới nước.
Theo Công an TPHCM, 5 năm qua, TPHCM xảy ra 3.479 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn (trung bình mỗi tháng, có gần 58 vụ). Trong đó, có 2.334 vụ cháy, nổ và 1.145 vụ tai nạn, sự cố cần tổ chức CNCH. Trong các vụ việc trên, lực lượng chức năng đã trực tiếp cứu và hướng dẫn thoát nạn cho gần 3.000 người. Các vụ việc như trên ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng chức năng phải tổ chức CNCH hiệu quả để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.
Mới đây nhất, trong vụ cháy nhà kho rộng khoảng 1.000m2 sát ký túc xá Trường đại học Sư phạm TPHCM (Q.11), PC07 đã điều động 29 xe chuyên dùng và gần 160 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, trong đó có lực lượng chuyên giải cứu và hướng dẫn người dân thoát nạn.
|
Lực lượng chức năng đang chữa cháy một nhà kho cạnh ký túc xá Trường đại học Sư phạm TPHCM (Q.11) |
Nhiều rào cản trong công tác cứu nạn cứu hộ
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ - Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức - cho biết TP.Thủ Đức có nhiều công trình, cơ sở sản xuất được thành lập từ trước khi Luật PCCC có hiệu lực. Hầu hết công trình này không đảm bảo về PCCC. TP.Thủ Đức còn có 171 chung cư, trong đó có nhiều chung cư cũ, cao tầng Thủ Đức cũng có nhiều điểm thường xuyên sạt lở, ngập úng mỗi khi có triều cường, mưa lớn. “Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác CNCH ở TP.Thủ Đức vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều trang thiết bị đã hư hỏng, xuống cấp, cần được đầu tư” - ông Nguyễn Hữu Anh Tứ nói.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cũng cho biết, công tác CNCH dưới nước ở TPHCM cũng chưa đạt yêu cầu. Về mặt tổ chức lực lượng, 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đều có lực lượng CNCH nhưng chỉ PC07 có thiết bị, dụng cụ để làm nhiệm vụ này.Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Công an TPHCM - cho biết TPHCM hiện có 890 cơ sở chưa nghiệm thu về PCCC do hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực. Cách đây bốn năm, HĐND TPHCM đã duyệt cấp trên 90 tỷ đồng để trang bị trang phục, phương tiện cho lực lượng dân phòng thực hiện công tác PCCC tại chỗ nhưng trong quá trình hoạt động, một số nơi chỉ làm theo kiểu hình thức; khi xảy ra sự cố, hiệu quả xử lý của lực lượng tại chỗ rất hạn chế.
Ông nói: “Ở TPHCM, nếu xảy ra sự cố dưới nước thì lực lượng ở quận, huyện phải có mặt nhưng lại phải chờ lực lượng CNCH của PC07 đến làm nhiệm vụ. Cái này rất phản cảm và thiếu hiệu quả. Chúng ta có tổ chức, có lực lượng rồi, giờ chỉ thiếu thiết bị, dụng cụ để thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta đang chờ kinh phí, nhưng tai nạn thì không chờ ai cả. Tôi rất mong lãnh đạo các cấp quan tâm vấn đề này”.
|
Tại TPHCM, chỉ có một tổ cứu nạn, cứu hộ thuộc PC07 làm nhiệm vụ dưới nước (trong ảnh: Các chiến sĩ tổ cứu nạn, cứu hộ PC07 tìm kiếm một nạn nhân mất tích trong vụ chìm sà lan ở sông Gò Gia, H.Cần Giờ vào ngày 23/10/2021) - Ảnh: Tam Nguyên |
Thiếu tá Nguyễn Tấn Duệ (PC07) cho biết, mỗi tháng, Tổ CNCH thuộc PC07 thực hiện khá nhiều vụ CNCH dưới nước trên toàn TPHCM nhưng lực lượng và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu: “Tôi nhận thấy, TPHCM cần một lực lượng chuyên nghiệp để thực hiện công tác CNCH hằng ngày trực thuộc PC07 và các đội cảnh sát PCCC, CNCH cấp quận, huyện.
Điều này sẽ rút ngắn được thời gian, khoảng cách đến hiện trường nhằm CNCH đạt hiệu quả cao. Hiện nay, chỉ một tổ CNCH của PC07 làm nhiệm vụ này là chưa đảm bảo. Chúng tôi cũng mong sớm được trang bị phương tiện CNCH mới, hiện đại bởi số vụ cần CNCH đang tăng cao, tính chất phức tạp”.
Cũng theo thiếu tá Nguyễn Tấn Duệ, người làm công tác CNCH tiếp xúc với môi trường độc hại, nguy hiểm. Mặc dù Nghị định 83/2017/NĐ-CP đã có quy định nhưng chế độ, chính sách vẫn chưa được cụ thể hóa trong danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên các cán bộ, chiến sĩ làm công tác này khi về hưu không được hưởng chế độ theo danh mục nêu trên.
Đại tá Huỳnh Thới An - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07), Bộ Công an - cũng cho rằng một thành phố lớn như TPHCM mà chỉ có một tổ CNCH trực thuộc PC07 như hiện nay là bất cập, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lãnh đạo C07 sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an có chỉ đạo riêng về cơ cấu tổ chức của lực lượng CNCH ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội.
“Hiện nay, C07 đang làm việc với một số nước để hợp tác xây dựng đề án đầu tư trang thiết bị PCCC và CNCH. Nếu như đề án này được chấp thuận, vài năm tới, lực lượng làm công tác này sẽ được trang bị theo hướng chính quy, hiện đại. C07 cũng tham mưu cho Bộ Công an, Chính phủ xây dựng đề án nâng cao năng lực của lực lượng PCCC và CNCH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nếu được thông qua, đề án này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC, CNCH của các địa phương” - đại tá Huỳnh Thới An chia sẻ.
Xây dựng lực lượng ngày càng tinh nhuệ, chính quy | Các chiến sĩ PC07 TPHCM đang tìm kiếm một nạn nhân mất tích trong vụ chìm sà lan khu vực sông Gò Gia (H.Cần Giờ) vào ngày 3/10/2021 - Ảnh: Tam Nguyên |
Phó chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, trung bình mỗi năm, TPHCM xảy ra 467 vụ cháy (1,3 vụ/ngày), các vụ cháy này đều liên quan đến công tác CNCH. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác CNCH, ông Ngô Minh Châu yêu cầu PC07 tham mưu cho lãnh đạo UBND TPHCM phương hướng để xây dựng lực lượng PCCC và CNCH ngày càng tinh nhuệ, chính quy, đồng thời xây dựng các lực lượng dân phòng, lực lượng chữa cháy ở cơ sở, đội PCCC chuyên ngành để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra thiên tai, tai nạn, sự cố. Ông đề nghị Công an TPHCM và các đơn vị liên quan xem xét, kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an nghiên cứu, cho phép đội, thậm chí là một phòng CNCH chuyên nghiệp và có lực lượng CNCH ở các quận, huyện bởi TPHCM có mật độ dân cư rất cao, các vụ cháy nổ, tai nạn, sự cố diễn ra hằng ngày. Ông cũng đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND TPHCM xem xét, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung PCCC và CNCH vào danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để có chế độ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác này. |
Xã hội hóa hoạt động phòng, chống thiên tai UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo kế hoạch, đến năm 2025, TPHCM sẽ giảm 30% thiệt hại về người và giảm 50% thiệt hại về tài sản; đến năm 2030, giảm 50% thiệt hại về người và 70% thiệt hại về tài sản đối với các loại thiên tai có quy mô, cường độ tương đương xảy ra trong giai đoạn 2011-2020. Cũng theo kế hoạch này, đến năm 2025, TPHCM sẽ xây dựng nhiều công trình và đầu tư nhiều phương tiện, trang bị, vật tư hiện đại để đáp ứng công tác phòng, chống thiên tai. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, UBND TPHCM sẽ tạo điều kiện cho tư nhân tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai. |
Cảnh báo cây xanh ngã đổ trong mùa mưa TPHCM chưa chính thức vào mùa mưa nhưng tình trạng ngã đổ cây xanh đang khiến nhiều người lo lắng. Theo số liệu từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, chỉ trong một số trận mưa, giông, lốc xoáy ba tháng đầu năm 2022 đã khiến 27 cây xanh trên địa bàn thành phố ngã đổ. Đã có một số trường hợp cây ngã đè trúng người đi đường và gây hư hại tài sản. Thực tế cho thấy, một vài năm gần đây, vào mùa mưa trên địa bàn TPHCM đã xảy ra nhiều sự cố cây xanh gây thiệt hại về tài sản và sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người dân. Trước thực trạng này, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi yêu cầu các sở/ngành, quận/huyện và TP.Thủ Đức về việc triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ trên địa bàn. Đồng thời, UBND TPHCM cũng giao Sở Xây dựng tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị, khắc phục tình trạng cây gãy đổ mất an toàn trong mùa mưa... Đối với Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh, UBND TPHCM yêu cầu phải phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh ven đường, công viên, khu dân cư để xử lý đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất việc cây xanh ngã đổ do giông gió, lốc xoáy gây thiệt hại, đặc biệt là tính mạng của người dân trong khi tham gia giao thông. Khi xảy ra sự cố về cây xanh ngã đổ, Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khắc phục xử lý ngay để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, nhất là xử lý các cây ngã đổ lên nhà ở của nhân dân, trụ sở, trường học, bệnh viện, công trình công cộng... nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại. Liên quan đến việc tiếp nhận tin báo sự cố liên quan đến cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, người dân thành phố khi phát hiện các sự cố liên quan đến cây xanh đô thị như ngã, đổ, trốc gốc, gãy cành… có thể gọi đến Tổng đài 1022 báo tin để cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý sớm nhất. |
Đề phòng giông, lốc, mưa đá cường độ mạnh Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tại TPHCM năm nay mùa mưa sẽ bắt đầu trong khoảng cuối tháng Tư cho đến mười ngày đầu tháng 5/2022. Trong tháng Năm và đầu tháng 6/2022, người dân cần đề phòng giông, lốc, sét, mưa đá… xuất hiện nhiều với cường độ mạnh. |
Sơn Vinh