Nhiều nhóm hàng khó xác định giảm VAT hay không

06/07/2023 - 06:08

PNO - Lần thứ hai áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang rối với danh mục giảm thuế hay không giảm thuế.

Chị Huyền - kế toán tại một hệ thống ghế massage công nghệ Nhật Bản - cho biết, công trình xây dựng của công ty đã ký biên bản nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng từ ngày 19/6, sau đó đã gửi hồ sơ cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, ngày 1/7 vừa qua thì chủ đầu tư mới đồng ý hồ sơ và cho xuất hóa đơn. Nếu vậy thì phía công ty của chị phải xuất hóa đơn thuế VAT là 8% hay 10% vì chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% được áp dụng kể từ ngày 1/7/2023.

Tình trạng một sản phẩm được cấu thành từ những thành phần được giảm VAT và không được giảm... khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng (ảnh minh họa).
Tình trạng một sản phẩm được cấu thành từ những thành phần được giảm VAT và không được giảm... khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng (ảnh: Dân Việt).

Tương tự, chị Vũ Thị Hiền - kế toán tại Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thành Tâm cũng đang loay hoay không biết áp dụng thuế VAT 8% hay 10% do hóa đơn lập vào ngày 30/6 nhưng tới ngày 1/7 sếp mới ký. Một kế toán khác thì thắc mắc, hóa đơn đầu vào của tháng 6 áp dụng thuế VAT 10% nhưng tháng 7 mới liệt kê vào hóa đơn thì hóa đơn xuất ra là áp dụng 10% hay còn 8%.

Nhiều kế toán khác thì không xác định được sản phẩm thuộc danh mục được giảm thuế hay không giảm thuế. Chị Huê Vương, kế toán tại công ty Vạn Xuân - cho biết, sản phẩm bên công ty chị tạo ra là cửa nhôm kính. Theo quy định, nguyên vật liệu nhôm sẽ chịu thuế VAT 10%, kính thì chịu thuế 8%; bản lề, khóa, keo là 10%. Như vậy một sản phẩm cửa nhôm kính hoàn chỉnh thì phải xuất hóa đơn là 8% hay 10%. “Tôi tra trong Nghị định 44 về giảm thuế VAT thì phải xuất hóa đơn 10% nhưng khách hàng không chịu, vin vào sản phẩm có kính chỉ chịu thuế 8% nên phải xuất hóa đơn chịu thuế 8%, nếu không thì sẽ không chịu ký nghiệm thu” - chị Vương nói. Khá nhiều trường hợp cũng phân vân như chị Vương, sau đó chọn giải pháp trên hóa đơn sẽ tách ra hai dòng, giá trị của nhôm bao nhiêu thì xuất hóa đơn 10%, kính thì xuất 8%.

Chị Mỹ Duyên, kế toán công ty lĩnh vực điện lạnh có cùng thắc mắc khi để lắp được trọn bộ sản phẩm máy lạnh phải có ống đồng (chịu thuế suất 10%), bình bảo ôn máy lạnh (chịu thuế suất 8%), nếu vậy thì hóa đơn nên ghi 10% hay 8%.

Nhiều kế toán chia sẻ đang lo lắng sợ làm sai và bị phạt, mong muốn cơ quan thuế sớm ban hành hướng dẫn để doanh nghiệp chuẩn bị.

Rất nhiều nội dung chia sẻ trong việc không xác định được mặt hàng giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%
Rất nhiều nội dung chia sẻ trên các diễn đàn nghiệp vụ về việc không xác định được mặt hàng giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%

Luật sư Trần Xoa - chuyên gia thuế, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang - cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc xác định mã mặt hàng có thuộc diện được giảm thuế VAT hay không. Nguyên nhân là do lâu nay doanh nghiệp chỉ sử dụng mã ngành nghề đăng ký kinh doanh, không sử dụng mã mặt hàng nên không quen và không biết sản phẩm doanh nghiệp sản xuất thuộc mã mặt hàng nào. Trong khi đó chính sách giảm thuế lại căn cứ theo mã số mặt hàng theo quy định của Chính phủ. “Trong đợt giảm thuế năm 2022 đã có hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện giảm thuế. Nghị định 44/2023 này cũng không có gì mới, áp dụng giống hệt như năm 2022. Doanh nghiệp có mặt hàng nào được giảm thuế trong năm 2022 thì cứ áp dụng tương tự trong năm 2023”- luật sư Trần Xoa nói.

Mới đây, một số Cục thuế thuộc các tỉnh thành đã đưa ra thông báo hướng dẫn cho doanh nghiệp. Như Cục thuế tỉnh Bình Định vừa phát đi thông báo, trong thời gian chờ Bộ Tài chính hướng dẫn quy định giảm thuế theo Nghị định 44/2023, để xử lý trường hợp phát sinh thực tế từ ngày 1/7/2023 liên quan đến xuất hóa đơn, cơ sở kinh doanh tạm thời được áp dụng như hướng dẫn xử lý giảm thuế năm 2022 của Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế (công văn 2688/BTC-TCT ngày 23/3/2022 và công văn 3522/TCT-CS ngày 22/9/2022).

Theo đó, nếu cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa dịch vụ thuộc diện giảm thuế và bên mua chấp nhận thanh toán từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023 thì được xuất hóa đơn giảm thuế, nếu cung cấp tháng 6 nhưng sang tháng 7/2023 xuất hóa đơn thì không được giảm thuế. Riêng hàng hóa dịch vụ đặc thù như điện, nước, viễn thông, logistic… được giảm thuế đối với hóa đơn lập từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023.

Đối với hàng hóa dịch vụ cung cấp từ tháng 1/2023 đến tháng 6/223 có sai sót, nếu từ tháng 7 đến 12/2023 lập hóa đơn điều chỉnh hoặc trả lại hàng thì không thuộc diện áp dụng thuế 8%. Đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, có thời gian hoàn thành từ tháng 7/2023 đến 12/2023 thì hóa đơn lập thanh toán phần tiền còn lại từ 7/2023 đến tháng 12/2023 được áp dụng 8%.

Cục thuế tỉnh Hòa Bình hướng dẫn doanh nghiệp tra cứu và xác định mặt hàng giảm thuế.
Cục thuế tỉnh Hòa Bình hướng dẫn doanh nghiệp tra cứu và xác định mặt hàng giảm thuế

Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cũng phát đi thông báo 2 bước hướng dẫn tra cứu và xác định mặt hàng có được giảm thuế giá trị gia tăng hay không. Bước 1, doanh nghiệp tra cứu mã ngành hàng tương ứng với tên mặt hàng, dịch vụ mà doanh nghiệp đang cần xuất hóa đơn tại Danh mục và nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam, được ban hành theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/1/2018.

Bước 2, sử dụng mã ngành hàng hóa, dịch vụ đã tra được đối chiếu với phụ lục I, II, III tại Nghị định 44/2023. Nếu mã ngành của mặt hàng đó nằm ở một trong ba phụ lục trên thì sẽ không được giảm thuế, còn nếu mã ngành của mặt hàng đó không nằm ở bất kỳ phục lục nào sẽ được giảm thuế từ 10% xuống còn 8%.

Trước đó, vào chiều ngày 30/6/2023, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thời gian áp dụng kể từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI