Câu chuyện về việc thu tiền tác quyền của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) mấy ngay qua lại nóng lên khi nhạc sĩ Phú Quang cho biết VCPMC vốn không minh bạch, "lưu manh" trong việc thu tiền và chi trả cho các nhạc sĩ, cũng như đang có 100 tỷ gửi ngân hàng lấy lãi...
Trước đó, NSND Trần Bình cũng cho rằng "VCPMC đang lạm quyền trong vấn đề thu tiền tác quyền".
Ngay sau khi nhạc sĩ Phú Quang đưa ra nhận định, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã lên tiếng trên trang cá nhân, tỏ quan điểm không hài lòng với những phát ngôn của nhạc sĩ ông.
|
Nhạc sĩ Phú Quang bị VCPMC cho rằng phát ngôn sai sự thật, bịa đặt và yêu cầu ông công khai xin lỗi |
Khi được hỏi rõ hơn về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, anh cho biết: “Số tiền mà VCPMC thu cho tôi tăng dần qua từng năm, đến nay đã ổn định, là nguồn thu nhập không nhỏ với cá nhân tôi. Cụ thể, quý vừa qua, tôi thu được 140 triệu tiền tác quyền”. Nam nhạc sĩ cho biết mỗi lần nhận tiền anh đều xem, ký khoảng 200 tờ giấy kê khai., hoàn toàn không có chuyện VCPMC "đưa bao nhiêu thì biết bấy nhiêu" như nhạc sĩ Phú Quang đã nói.
Cũng theo Nguyễn Văn Chung, VCPMC không chỉ làm được việc thu tiền tác quyền, tạo thu nhập cho các nhạc sĩ mà còn tích cực trong việc giúp họ giải quyết các tranh chấp quyền tác giả hay sự cố trong quá trình hoạt động. “Thời điểm tôi bị tố đạo nhạc ca khúc Vầng trăng khóc (năm 2008 - PV), chính VCPMC đã bỏ chi phí ra để tôi sang Singapore để giải quyết vụ kiện tại Liên minh Quốc tế các hiệp hội nhạc và lời thế giới (CISAC). Lúc đó, ở Việt Nam, không một cơ quan nào lên tiếng bảo vệ tôi lẫn sáng tác của tôi mà chỉ chỉ trích. Thử hỏi, nếu không có sự can thiệp của VCPMC thì đến nay, nỗi oan đó có được giải hay không?", nam nhạc sĩ nói.
Nguyễn Văn Chung cho rằng từ sự việc của anh, các anh, chị, em nhạc sĩ bắt đầu có niềm tin nhiều hơn vào VCPMC. Không chỉ bảo vệ lợi ích về tài chính, tổ chức này còn đứng ra lo liệu những việc về mặt pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho các tác giả.
"Gần đây nhất, khi sáng tác của tôi bị mang lên chương trình Phiên bản hoàn hảo, đuợc phối thành nhạc bolero mà không xin phép tôi, tôi cũng không đồng ý với cách phối này. Tức giận quá, tôi chỉ viết lên mạng xã hội để chia sẻ. Sau đó, VCPMC đã can thiệp, đứng giữa để giải quyết. Ngoài chuyện mua bản quyền, VCPMC còn dẫn luật cụ thể, bắt buộc phía nhà sản xuất phải trả thêm cho tôi tiền phái sinh tác phẩm khi mix thành nhạc bolero”, nam nhạc sĩ nói thêm.
|
Ca khúc Chiếc khăn gió ấm của Nguyễn Văn Chung được "cải biên" trên sân khấu Phiên bản hoàn hảo mà không hề xin phép anh |
Không chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, nhạc sĩ Giao Tiên, Hàn Châu, Dương Khắc Linh cũng có nhận định trái ngược với nhạc sĩ Phú Quang, NSND Trần Bình.
“Trước khi có VCPMC, rất nhiều nơi sử dụng tác phẩm của chúng tôi (các nhạc sĩ) không hề xin phép. Thậm chí, khi chúng tôi tìm đến, họ cứ chây ì không trả tiền. Lắm lúc anh em nghệ sĩ bỏ về vì tự trọng. Nhờ có trung tâm mà các nhạc sĩ có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều để yên tâm làm nghề", nhạc sĩ Hoài An - người đã uỷ thác tác phẩm của mình cho VCPMC 10 năm- cho biết.
Hoài An cũng đồng tình rằng việc để tự thân các nhạc sĩ tự thu tiền tác quyền là rất khó khăn bởi “Chúng tôi chẳng thể nào đi Lạng Sơn hay Cà Mau để xem show nào người ta sử dụng tác phẩm của mình, mà dù có biết nếu họ không trả thì làm thế nào? Hiện nay, ngay cả những trường hợp sử dụng không xin phép, hay ở những mảng mới như nhạc trên web, clip quảng bá trên cộng đồng mạng, VCPMC rất nhanh chóng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các tác giả”.
Nhạc sĩ Giao Tiên cho biết ông có theo dõi vụ việc ồn ào vừa qua của nhạc sĩ Phú Quang với VCPMC cũng như chuyện thu tiền tác quyền của trung tâm này. Nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ: “Thường trung tâm sẽ trả tiền theo quý, trước khi trả họ đều có thông báo cụ thể, trong trường hợp không nhận trực tiếp được, VCPMC sẽ chuyển khoản qua ngân hàng. Tôi thấy tiện lợi vô cùng. Bản thân tôi, sống ở xa thành phố (Cam Ranh, Khánh Hoà – PV), nếu không có VCPMC xem như tiền tác quyền mất trắng vì tôi không thể theo dõi được các sáng tác của mình được sử dụng như thế nào, ở đâu, chi phí tính ra sao. Tôi uỷ quyền cho trung tâm này hơn chục năm nay rồi vì tôi cũng không có thời gian, hay tiền bạc để đi từng nơi, từng chỗ để đòi tiền tác quyền, mà thật ra cũng chẳng biết đâu mà đòi, trừ những chương trình công khai", nhạc sĩ Giao Tiên kể.
|
Ca khúc Tình thơ của nhạc sĩ Hoài An, mới đây cùng Ngọc Linh xuất hiện trên sân khấu, là một trong những ca khúc mang về cho anh số tiền tác quyền biểu diễn nhiều nhất |
Không chỉ thế, ông cùng một số nhạc sĩ cũng được VCPMC tạo điều kiện đi Úc, Singapore, và một số quốc gia khác... để tham khảo và học tập mô hình thực thi bản quyền mà các tổ chức, hiệp hội trên thế giới đã rất thành công. "Có thể nói, mặc dù điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, nhưng VCPMC rất cố gắng trong việc chăm lo cho các tác giả, và mức thu cao hơn hằng năm cũng đã nói lên điều đó”, ông nói.
Nhạc sĩ Hàn Châu cho biết ông hài lòng với những hoạt động vừa qua của VCPMC: “Tôi thấy 10 năm trở lại đây, các anh, chị, em nhạc sĩ cũng sống khoẻ hơn nhờ số tiền tác quyền mà trung tâm thu được. Còn trên 10 năm trước, gần như không hề thu được đồng nào, đời sống của các nhạc sĩ cũng bấp bênh theo”.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng hoàn toàn đồng ý với những lợi ích mà 3 nhạc sĩ trên đề ra về chuyện thu tiền tác quyền của VCPMC. Anh cho biết công việc hằng ngày đã quá bận rộn nên không thể thu xếp để tự thu tiền tác quyền. Nhờ có trung tâm này mà Dương Khắc Linh có thêm nguồn thu ổn định, không tốn quá nhiều công sức, tập trung được thời gian cho những việc cần làm khác.
|
Nhạc sĩ Giao Tiên |
Chỉ duy nhất một điều khiến nhạc sĩ Giao Tiên băn khoăn, là đôi lần ông thấy sáng tác của mình lại bị các chương trình nhầm lẫn là của người khác, nên chắc chắn sẽ không thu được tiền tác quyền. "Hơn nữa, VCPMC đôi khi chỉ thu được tiền dựa trên bản kê khai của đơn vị sử dụng. Vì thế, khó lòng để trung tâm kiểm tra được thống kê đó là đúng hay còn thiếu sót gì không. Tuy nhiên, tôi không đặt quá nặng vấn đề lợi ích. Ở tuổi này rồi, đợi ba tháng có thêm tiền để an dưỡng tuổi già, nhạc của mình vẫn còn được nhớ và sử dụng là vui rồi”, ông nói.
Hầu hết các nhạc sĩ đều mong muốn các đơn vị, tổ chức,... có sử dụng sáng tác của các nhạc sĩ thì hãy tự giác hơn trong việc chi trả tiền bản quyền để sự việc bớt đi những ồn ào trong thời gian qua.
Thuỵ Khuê