edf40wrjww2tblPage:Content
Nhà thuốc Tâm Phúc (đường Tây Thạnh, Q.Tân Phú) vẫn mở cửa nhưng đã che biển hiệu chính (ảnh chụp 16g30 ngày 23/2/2014)
Nhà thuốc hay tiệm tạp hóa?
Từ nguồn thông tin của bạn đọc, phóng viên Báo Phụ Nữ đã mất nhiều ngày để tìm hiểu về giờ làm việc, vị trí nhà thuốc, các mặt hàng thuốc và nhận thấy, các nhà thuốc này đều không có dược sĩ đại học đứng bán, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc...
Cụ thể, các nhà thuốc Hải Liễu (Q.10), Gia Khiêm, Tâm Phúc, Mỹ Trang, Kiều Trinh (Q.Tân Phú)..., nhìn bên ngoài đều như những tiệm tạp hóa. Tại nhà thuốc Hải Liễu, sát bên các tủ thuốc là những tủ kính bán sim, card điện thoại cũng mang tên Hải Liễu. Bảng hiệu “nhà thuốc Hải Liễu”, không hề có số chứng nhận cấp phép hoạt động lẫn tên của dược sĩ.
Dù trông như cửa hàng tạp hóa nhưng nhà thuốc Hải Liễu bán khá đầy đủ các loại thuốc: tiểu đường, tim mạch, thần kinh, viêm gan, hô hấp... Theo quan sát của chúng tôi, chỉ riêng trong ngày 20/1, tiệm thuốc này bán cho 103 khách hàng với giá trị thuốc hơn 2,3 triệu đồng. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND Q.10 cấp thì nhà thuốc này chỉ được hoạt động khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Sở Y tế cấp.
Tại Q.Tân Phú, chúng tôi tìm đến các nhà thuốc Gia Khiêm, nhà thuốc Tâm Phúc, nhà thuốc Mỹ Trang, nhà thuốc Kiều Trinh. Cả bốn nhà thuốc này đều nằm trên địa bàn P.Tây Thạnh. Tại nhà thuốc Tâm Phúc, nhiều bệnh nhân đến mua thuốc, nhưng ở đây lại không có dược sĩ đại học tư vấn hay đứng bán, và ngay cả bảng hiệu cũng không có số chứng nhận hoạt động. Nhà thuốc bán từ thuốc tây, đông dược, thực phẩm chức năng lẫn mỹ phẩm. Ở lĩnh vực thuốc tây có cả thuốc không kê đơn lẫn thuốc có kê đơn như: Ciprofloxacin, Erybact, Fatig, Calcium, Obimin, vitamin B1, Cefixim... Tình trạng này cũng tương tự tại nhà thuốc Gia Khiêm, Mỹ Trang.
Nhà thuốc Hải Liễu bán điện thoại chung với bán thuốc
Đột kích
Ngay sau khi nhận được thông tin từ phóng viên, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất. Ngày 21/2, đoàn Thanh tra Sở Y tế đã cùng lúc ập vào nhà thuốc Gia Khiêm (đường D16) và nhà thuốc Tâm Phúc (đường D9). Khi một thanh tra viên hỏi nhà thuốc Tâm Phúc có bao nhiêu mặt hàng thuốc, thì nhân viên ở đây trả lời tỉnh queo: “Nhiều quá không nhớ hết!”. “Không nhớ sao quản lý nổi thuốc mình bán ra cho người bệnh?” - thanh tra viên vặn lại. Khi đoàn thanh tra yêu cầu trình giấy tờ gồm: bằng dược sĩ đại học, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh thuốc... thì bà Trần Thị Liên, nhân viên bán thuốc… “bó tay”. Bà Liên xin thông cảm và đưa phong bì, liền bị nhân viên trong đoàn nhắc nhở: “Sẽ đưa vào văn bản, tình tiết sẽ nặng hơn. Khi nào chị có giấy tờ đầy đủ, trình lên Sở thì mới hoạt động trở lại”. Khi bị niêm phong toàn bộ số thuốc hiện có trong cửa hàng, bà Liên còn… trách móc: “Mới bán có một, hai tháng đã bị thanh tra, trong khi nhà thuốc Gia Khiêm không có giấy tờ, bán đã ba năm nay thấy có bị kiểm tra đâu!”.
Tại nhà thuốc Gia Khiêm, khi đoàn yêu cầu cung cấp giấy tờ liên quan đến hoạt động thì người đại diện là bà Phạm Thị Kim Phượng cũng không cung cấp được. Đoàn đã niêm phong các mặt hàng thuốc và yêu cầu phải tháo gỡ bảng hiệu đến khi nào có giấy phép hoạt động trở lại. Tương tự, nhân viên nhà thuốc Mỹ Trang cũng không cung cấp được giấy tờ đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
Nhà thuốc Hải Liễu vui vẻ đón khách trước khi thanh tra đến
Chỉ nắm kẻ có tóc?
Hiện Sở Y tế TP.HCM tiếp tục điều tra, xem xét các nhà thuốc để có hướng xử lý thích hợp. Tuy nhiên, PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM băn khoăn: Những nhà thuốc hoạt động chui như vậy tại sao địa phương không biết? Bởi trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về phòng y tế quận, huyện. Ngoài ra, mỗi năm đoàn liên ngành kiểm tra hai lần mà vẫn không hay. Sở đã đề nghị cơ quan quản lý y tế quận/huyện phải “trông coi” thật kỹ những nhà thuốc này, vì sao vẫn vi phạm?
Theo bà Lan, nhà thuốc nào hoạt động khi chưa được cấp phép là hoạt động chui, dù nhà thuốc đó chuẩn bị được cấp phép cũng không được mua thuốc về để sẵn... Với trường hợp nếu phát hiện dược sĩ cho thuê bằng thì dược sĩ đó sẽ bị tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn. Nhưng vấn đề này sẽ khó chứng minh, vì người ta thường lách dưới dạng hợp tác làm ăn và không ai cấm chuyện này. Tuy nhiên, nếu dược sĩ hợp tác làm ăn ở các nhà thuốc hoạt động chui thì cũng bị xử phạt. Hiện luật không quy định rõ vi phạm bao nhiêu lần sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề của dược sĩ ở nhà thuốc hoạt động chui. Tùy mức độ, đối tượng vi phạm và quy định riêng của mỗi địa phương sẽ có hình thức xử phạt khác nhau. Riêng TP.HCM, nếu bị tái phạm lần thứ ba thì có nguy cơ cao bị tước giấy phép hành nghề. Sở đang tính đến phương án đưa tên dược sĩ, nhà thuốc vi phạm lên trang web của Sở.
Theo BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, phòng y tế quận/huyện phải kiểm tra chặt chẽ để tạo sự công bằng cho các nhà thuốc hoạt động đúng quy định. Hơn nữa, đó là nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vì ngay cả những dược sĩ đại học, có trình độ chuyên môn thỉnh thoảng cũng dễ nhầm tên thuốc. Chưa kể, nhân viên nhà thuốc chui thường không bằng cấp, bán thuốc theo kinh nghiệm tự mày mò hoặc chỉ có bằng dược sĩ trung học nên bị hạn chế trong việc tư vấn cho khách hàng.
Thanh tra viên đang viết giấy niêm phong nhà thuốc Tâm Phúc
Thị trường TP.HCM chiếm khoảng 70% số lượng thuốc của cả nước, với hơn 4.000 nhà thuốc đang hoạt động. BS Bùi Minh Trạng cho biết, mỗi năm, đoàn thanh tra đi kiểm tra định kỳ hai lần vào thời điểm giữa và cuối năm, nhưng khối lượng công việc quá nhiều, lực lượng mỏng nên chỉ kiểm tra được khoảng 50% cơ sở.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ chỉ mới dừng lại ở những cơ sở đã được cấp phép, tức những “kẻ có tóc”, còn những nhà thuốc có vấn đề, Sở chỉ kiểm tra khi có phản ánh.
Khi phóng viên đặt vấn đề, liệu phòng y tế quận/huyện có “ăn rơ” với một số nhà thuốc chui hay không, ông Trạng cho rằng, điều này dư luận có quyền đặt ra vì có những nhà thuốc biết trước thông tin có đoàn kiểm tra, nên đóng cửa. Song cũng có những quận/huyện có quá nhiều nhà thuốc nên quản lý không xuể. Riêng các nhà thuốc đã được phép hoạt động thì buộc phải bổ sung số chứng nhận lên bảng hiệu nhà thuốc, giúp phân biệt đâu là nhà thuốc đã được cấp phép. Trên thực tế, nhiều nhà thuốc được cấp phép đã không thực hiện nghiêm túc quy định này, tạo kẽ hở để những nhà thuốc chui có thể hoạt động nhập nhằng kiểu “cá mè một lứa”.
Một nhà thuốc buôn bán hàng ngày trên địa bàn thì không thể nói là… bí mật được. Liệu có sự thông đồng, “lót tay” giữa người bán và cơ quan thanh tra, quản lý địa bàn?
Văn Thanh