Nhiều nguyên nhân gây sẩy thai hoàn toàn có thể phòng tránh

11/11/2024 - 06:33

PNO - Mang thai là một hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy rủi ro. Nhiều thai phụ đã phải trải qua những mất mát đau lòng vì sẩy thai. Đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ?

Có thai đã khó, giữ thai càng khó

Chị N.T.H. (35 tuổi, quê Nam Định) là con dâu trưởng. Chồng chị là con một và là cháu trai duy nhất của dòng họ. Ba mẹ chồng chị đã ngoài 70 tuổi, niềm mong mỏi lớn nhất của ông bà lúc này là có cháu nội để nối dõi tông đường. Vợ chồng chị quen nhau khi lập nghiệp ở TPHCM. Sau 2 năm kết hôn, chị H. có thai. Tin vui khiến vợ chồng chị và gia đình nội ngoại vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, công việc của chị tại một công ty quảng cáo luôn đầy áp lực. Bên cạnh đó, áp lực từ gia đình chồng, đặc biệt là từ mẹ chồng, càng khiến chị thêm căng thẳng. Mẹ chồng thường xuyên nhắc nhở chị giữ gìn sức khỏe để sinh cho gia đình một đứa cháu thật khỏe mạnh, thậm chí bà muốn chị nghỉ việc.

Các dự án lớn liên tiếp ập đến, đòi hỏi chị phải tăng ca thường xuyên. Chị muốn làm hài lòng gia đình chồng, mang đến cho ông bà niềm vui có cháu nội nhưng lại sợ rằng công việc quá tải sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Dù đã cố gắng cân bằng nhưng chị vẫn quá mệt mỏi, dẫn đến tình trạng dọa sẩy. Đến tuần thứ 16, bất ngờ chị bị ra máu, đau bụng dữ dội và không thể giữ được thai.

Thai phụ nên chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như bơi, đi bộ, yoga và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập
Thai phụ nên chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như bơi, đi bộ, yoga và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập

Tương tự, chị T.M.N. (28 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) là một tay vợt nghiệp dư thường xuyên tham gia các giải tennis trong thành phố và luôn được đánh giá cao về kỹ thuật. Chị vừa đăng ký tham gia một giải tennis quan trọng. Ngay sau đó, chị phát hiện mình đang mang thai. Dù rất băn khoăn, lo lắng, chị vẫn quyết định giữ kín tin vui, tiếp tục tham gia tập luyện và chuẩn bị cho giải đấu vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần của đồng đội.

Việc chơi tennis khi mang thai tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Những cú va chạm mạnh, những động tác xoay người đột ngột có thể gây ra các chấn thương cho cả mẹ và bé. Cuối cùng, chị không thể giữ được thai với cường độ luyện tập thể thao cao như vậy.

Trường hợp khác là chị Đ.T.T.M. (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đang tận hưởng cuộc sống độc thân, sôi động với sự nghiệp thành công. Chưa bao giờ chị nghĩ đến việc làm mẹ. Bỗng một ngày, chị phát hiện mình mang thai.

Trước tin này, chị M. rất hoang mang, lo lắng bởi chưa hề chuẩn bị gì cho một thai kỳ. Những cơn ốm nghén dữ dội khiến cơ thể chị suy nhược, tinh thần mệt mỏi. Chị lo lắng về sức khỏe của cả mẹ và bé, đặc biệt khi chưa được chuẩn bị về dinh dưỡng trước khi mang thai. Việc thiếu hụt a xít folic và các chất dinh dưỡng cần thiết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi.

Áp lực tâm lý, sự lo lắng về tương lai và chế độ dinh dưỡng không hợp lý khiến tình hình sức khỏe của chị ngày càng xấu đi. Chị ốm nghén quá nặng, nôn dữ dội, không ăn uống được gì dẫn tới cơ thể suy kiệt và sẩy thai ở tuần thứ 12.

Chỉ có 30% trẻ chào đời khoẻ mạnh

Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - việc mẹ bầu bị dọa sẩy hoặc sẩy thai là chuyện các bác sĩ sản phụ khoa hay gặp phải. Đáng buồn là sau khi thụ thai, chỉ có 30% trẻ chào đời khỏe mạnh. Ngoài những nguyên nhân về bệnh lý, dinh dưỡng, nội tiết và lối sống của người mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều. Bác sĩ Diễm Tuyết nhấn mạnh rằng việc bổ sung dinh dưỡng cần bắt đầu từ trước khi mang thai chứ không phải chờ đến khi đã mang thai.

Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy - Giám đốc y khoa Bệnh viện Quốc tế City - cũng cho biết, khi mang thai, nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng ra máu hoặc đau bụng. Đây là dấu hiệu của việc dọa sẩy thai. Thực tế, khoảng 1/4 số mẹ bầu bị ra máu âm đạo trong 5 tháng đầu của thai kỳ (12 - 27% tiến triển thành sẩy thai). Nguy cơ sẩy thai sẽ tăng theo số lần mà phụ nữ từng sẩy thai trước đó. Dù có nhiều nguyên nhân gây sẩy thai, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được một số nguyên nhân như: lối sống không lành mạnh, rối loạn nội tiết, miễn dịch, viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục nữ. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dọa sẩy thai có thể được cứu chữa.

Một biện pháp điều trị dọa sẩy thai được coi như 1 phác đồ là bổ sung nội tiết progesterone. Đã có nghiên cứu cho thấy sản phụ có nồng độ progesterone thấp trong những tuần đầu của thai kỳ thường liên quan tới tình trạng sẩy thai. Nhưng chỉ progesterone là chưa đủ nên không phải trường hợp nào dọa sẩy thai cũng bổ sung chất này. Đối với các trường hợp sẩy thai liên tiếp thì không thể thiếu việc bổ sung nội tiết progesterone.

Làm gì để có thai kỳ an toàn?

Bác sĩ Thanh Thủy khuyến cáo, thay đổi lối sống, điều trị miễn dịch, nhiễm trùng cơ quan sinh dục nữ cũng là các yếu tố quan trọng để ngăn chặn sẩy thai. Khi mang thai, người phụ nữ cần giảm lượng công việc, dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, thư giãn nhằm bảo đảm sức khỏe…

Thai phụ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi và duy trì  tâm lý thoải mái để có  một thai kỳ khỏe mạnh
Thai phụ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi và duy trì tâm lý thoải mái để có một thai kỳ khỏe mạnh


Phụ nữ mang thai có được tập luyện không là thắc mắc của nhiều thai phụ. Tập thể dục vừa sức rất tốt cho sức khỏe thai phụ. Tuy nhiên, không phải môn thể thao nào cũng phù hợp. Thai phụ nên chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như bơi, đi bộ, yoga và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập. Việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp thai phụ giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, tăng cường sức khỏe và chuẩn bị tốt cho quá trình sinh nở.

Để phòng ngừa sẩy thai, bà bầu cần tránh tối đa tiếp xúc với khói thuốc lá, bia rượu, tia X và hóa chất (trong phòng xét nghiệm, thuốc uốn tóc, sơn móng tay…).

Trước khi mang thai, nếu phụ nữ có các nguyên nhân thực thể ở tử cung như u xơ tử cung, bất thường dị dạng sinh dục bẩm sinh… thì cần điều trị (nếu có chỉ định). Ngoài ra, tránh quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Không ít phụ nữ mang thai có quan điểm rất sai lầm về dinh dưỡng, dẫn tới kiêng khem đủ thứ. Chẳng hạn, một số bà bầu cho rằng ăn đu đủ bị “tuột thai”, ăn cam nhiều bị sẩy thai. Để thai nhi phát triển khỏe mạnh, thai phụ cần cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết ở mỗi giai đoạn. Trong 3 tháng đầu, a xít folic, sắt, i ốt, vitamin D và protein là vô cùng quan trọng. Sang giai đoạn giữa, canxi, photpho, magie, vitamin A và omega-3 đóng vai trò then chốt trong việc hình thành xương, răng và phát triển não bộ của bé. Đến 3 tháng cuối, nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi tăng cao, thai phụ cần bổ sung đầy đủ tất cả dưỡng chất, đặc biệt là choline và vitamin K. Ngoài chế độ ăn uống cân bằng, mẹ bầu cũng nên uống đủ nước, tập luyện vừa sức và khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của cả mẹ và bé. Việc tránh các thực phẩm có hại, giữ tinh thần thoải mái cũng rất quan trọng trong suốt thai kỳ.

Để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau xanh lá đậm, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu, thịt, cá, trứng, sữa và hải sản. Tuy nhiên, thai phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể về chế độ ăn uống phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ.

Nếu bà mẹ thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ có thể dẫn tới các nguy cơ như: nhiễm độc thai nghén, sẩy thai, các hệ lụy nguy hiểm khác không chỉ cho mẹ mà cả sự phát triển của thai nhi…

Thanh Huyền - Ảnh minh họa: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI