Thai có thể bám ở sẹo mổ cũ trong lần mang thai kế tiếp. Với hậu quả là sẩy thai, băng huyết. Đó là cảnh báo của bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng khoa Phụ ngoại ung bướu, Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP.HCM).
|
Bác Sỉ Kim Anh đang tư vấn cho một trường họp thai bám ở sẹo mổ cũ |
Hiểm nguy rình rập
Từ lâu, sinh mổ được nhiều thai phụ lựa chọn như một phương pháp vượt cạn nhiệm màu do giảm đau đớn, lo lắng và nguy hiểm. Tuy nhiên, số ca mổ lấy thai càng nhiều thì càng tăng nguy cơ thai bám sẹo mổ cũ cho lần mang thai sau.
Ở BV Phụ sản Từ Dũ và Hùng Vương, bên cạnh những thai phụ hân hoan đón chào thiên thần nhỏ, cũng có những chị đang lo lắng, đau đớn vì phải chấm dứt thai kỳ giữa chừng, trong đó có nhiều trường hợp do thai bám sẹo mổ cũ.
Chị Nguyễn Kim Y. - 35 tuổi, ở P.16, Q.8, TP.HCM, đang điều trị tại khoa Ngoại ung bướu, BV Hùng Vương - vừa phải chấm dứt thai kỳ ở tuần 12 do thai đóng sâu vào sẹo mổ cũ, nếu không đình chỉ thai kỳ sớm, có thể sẽ gây vỡ tử cung, băng huyết, rất nguy hiểm đến tính mạng. Đây là lần mang thai thứ ba của chị Y. và cả hai lần mang thai trước, chị đều sinh mổ. Lần “vỡ kế hoạch” này, chị có thai chỉ cách kỳ sinh mổ lần hai đúng năm tháng.
Vợ chồng chị Lê Ngọc H. - 34 tuổi ở chung cư Mỹ Thuận, P.16, Q.8 - rất mong có con sau khi bé đầu đã bảy tuổi. Vì thế, sau khi thử que “hai vạch” và đi khám thai, vợ chồng chị rất vui mừng.
Đến lần khám thai sau (chín tuần), vợ chồng chị hụt hẫng khi BS cho biết, chị bị thai bám sẹo mổ cũ và khuyên nên chấm dứt thai kỳ. Thế nhưng, vợ chồng chị vẫn chần chừ vì ham con, khi lên mạng lại thấy có người sinh con từ thai bám sẹo mổ cũ.
Nhưng chỉ một tuần sau, khi đang ngủ, chị bị đau bụng dữ dội và ra máu nhiều khiến người choáng váng. BS BV Hùng Vương cho biết, chị bị sẩy thai, mất máu cấp, rất nguy hiểm tính mạng.
Thực tế, có nhiều trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũ nhưng thai phụ không biết, đến khi bị đau bụng, rong kinh kéo dài, đi khám mới phát hiện, suýt tử vong do bị mất máu nhiều. Như chị Phan Thùy T. - 33 tuổi, ngụ ở Q.Tân Phú, TP.HCM - phải cắt bỏ tử cung bị chảy máu trong ổ bụng do vỡ tử cung do thai bám sẹo mổ cũ.
Chỉ an toàn khi mang thai sau mổ đẻ 24 tháng
BS Kim Anh giải thích: thai bám sẹo mổ cũ là một dạng thai ngoài tử cung đặc biệt. Theo lẽ thường, khi trứng đã thụ tinh ở ống dẫn trứng thì vài ngày sau, trứng sẽ di chuyển vào buồng tử cung và phần lớn trứng thụ tinh sẽ bám ở lòng tử cung. Nhưng với những bà mẹ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, một số trứng không đi vào tử cung mà bám lại ở vết mổ cũ và làm tổ ở đó.
Có hai dạng thai bám sẹo mổ cũ: thai làm tổ ở vết mổ cũ, nhưng phát triển chủ yếu trong buồng tử cung; thai hoàn toàn làm tổ và phát triển thành túi thai ngay vị trí vết mổ cũ cấy sâu vào trong lớp cơ và phần mô sợi của tử cung ở vị trí vết sẹo mổ lấy thai cũ, lấn sâu vào bàng quang.
Dấu hiệu thai bám sẹo mổ cũ cũng giống như thai ngoài tử cung là: trễ kinh, ra huyết âm đạo bất thường, đau bụng lâm râm… Khi mang thai ở vết mổ cũ, thai phụ cũng có những triệu chứng như mang thai bình thường: ốm nghén, mệt mỏi…
Cũng có những trường hợp thai bám sẹo mổ cũ nhưng vẫn phát triển cho đến tháng thứ 6, 7 hoặc thậm chí gần đủ 9 tháng 10 ngày. Thế nhưng, khi đó, tình trạng thai có thể nguy hiểm bất cứ lúc nào, bao gồm:
- Nứt sẹo mổ cũ: Là một tai biến sản khoa, tai biến này có thể xảy ra trên thai phụ mang thai lần thứ hai sau sinh mổ sớm (thường trong khoảng 6-9 tháng kể từ lúc sinh mổ lần trước) và càng sinh mổ nhiều lần thì nguy cơ này càng cao.
- Vỡ tử cung: Những phụ nữ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước sẽ có nguy cơ bị vỡ tử cung trong trường hợp thai bám sẹo mổ cũ. Nguy cơ vỡ tử cung có thể xảy ra khi thai mới 19-20 tuần. Tai biến sản khoa này rất nguy hiểm, nếu không phát hiện và cầm máu kịp thời, thai phụ có thể bị sốc, mất máu và tử vong.
- Nhau cài răng lược: Với những trường hợp này, dù đình chỉ thai kỳ hay sinh mổ cũng đều nguy hiểm, nguy cơ phải cắt tử cung, truyền máu khá cao. Ngoài ra, nhau cài răng lược còn có thể gây tổn thương những cơ quan lân cận như bàng quang, ruột… do bánh nhau xâm lấn.
Tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc gia tăng nhiều nguy cơ do thai bám sẹo mổ cũ. Theo các BS sản khoa, trên thế giới, chỉ có 15% sản phụ phải mổ lấy thai theo chỉ định y khoa, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ mổ đẻ chiếm tới 40%, thậm chí có nơi lên tới 60% tổng số ca sinh.
Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, BS Kim Anh khuyên: những phụ nữ đã sinh mổ lần đầu chỉ nên mang thai lần hai sau 24 tháng, vì đó là thời gian để vết mổ ở tử cung phục hồi hoàn toàn.
Do đó, sau khi đẻ mổ, cần áp dụng các biện pháp phòng tránh thai, kể cả khi cho con bú, để không mang thai ngoài ý muốn, có thể dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Những lưu ý đối với người từng mổ đẻ
- Không nên có thai quá sớm khi vết mổ cũ còn mới (dưới 18 tháng) vì khi đó vết mổ dễ bị nứt, gây mất máu và tử vong thai.
- Nên khám thai đều đặn, đúng hẹn.
- Khi đi khám thai, đi sinh, cần khai rõ thời gian, lý do mổ lần trước, nằm viện bao nhiêu ngày sau mổ, có nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu không…
- Cần chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào thì đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ, cần phải đến ngay BV có khoa sản gần nhất.
|
Thùy Dương