Nhiều nguy cơ khi dùng đòn roi "dạy" con

16/07/2024 - 09:57

PNO - Chị nên tìm đọc sách báo, tài liệu khoa học về độ tuổi của cháu để có những hiểu biết tốt về cách giáo dục trẻ trong độ tuổi này.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Con gái tôi năm nay 14 tuổi, chuẩn bị vào lớp 9, nhưng rất hay bị bố đánh. Mặc dù con tôi gây ra lỗi lầm, nhưng cũng không đến nỗi hơi một chút anh lại đánh con như vậy. Tôi cũng khuyên ngăn nhiều nhưng không được.

Mỗi lần con bé khóc và nói không muốn nhìn mặt bố nữa, tôi thật sự rất buồn và không biết nên làm thế nào. Tôi có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này không, hay phải làm thế nào? Mong chị tư vấn giúp tôi ạ.

Đỗ Thị Thùy Vân

Chị Thùy Vân thân mến,

Trước tiên có lẽ chị nên phân tích tâm lý của chồng: vì sao anh lại thường xuyên đánh con? Có phải bản tính anh là người vũ phu, thô bạo, hung dữ? Có phải anh bị stress với công việc, cuộc sống, nên trút giận lên con? Có phải con gái tính tình bướng bỉnh, không nghe lời, hay lặp lại những lỗi lầm đã được dạy bảo hay không?

Phải có những phân tích rõ ràng, chị mới biết cách giúp anh thay đổi, quan trọng nhất là làm cho mối quan hệ giữa anh và con gái tốt hơn lên. Bởi con gái chị năm nay 14 tuổi, độ tuổi các chuyên gia tâm lý cho rằng nguy hiểm nhất, tuổi bắt đầu sự khép kín, không thích chia sẻ với cha mẹ những điều đang làm trẻ hoang mang, bối rối.

Ở tuổi này, trẻ còn có khuynh hướng nổi loạn, chống đối, thậm chí là sẵn sàng bác bỏ mọi lời khuyên bảo và thách thức cả cha mẹ. Nếu cha mẹ không có những hiểu biết cơ bản về tâm sinh lý trẻ dậy thì, sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn và mệt mỏi với trẻ trong độ tuổi này.

Chính vào lúc trẻ cần sự thấu hiểu và giúp đỡ của cha mẹ, để có được những định hướng đúng đắn trong việc phát triển bản thân, mà chồng chị lại sử dụng đòn roi với cháu thường xuyên, là một điều vô cùng sai. Hơn nữa, với bản tính chống đối của trẻ lúc này, điều đó có thể khiến xảy ra những việc đáng tiếc.

Chị nên tìm đọc sách báo, tài liệu khoa học về độ tuổi của cháu, để có những hiểu biết tốt và cách giáo dục con trẻ trong độ tuổi này. Sau đó hãy trò chuyện với chồng, giúp anh hiểu ra nguyên nhân tính khí thất thường của con, và thay đổi cách dạy dỗ con.

Hãy nói cho anh biết những nguy cơ có thể xảy ra khi cha mẹ thường xuyên đánh đập và lấy đó làm cách giáo dục, dạy dỗ con. Còn tệ hại hơn khi vì những vấn đề của mình mà trút giận lên đầu con cái.

Hạnh Dung cho rằng ý nghĩ muốn ly hôn là do chị quá thương và muốn bảo vệ con thôi. Sự việc đã đến mức chị cảm thấy cần tách ra khỏi chồng để mang lại sự an toàn cho con, chứng tỏ chị đã không thể chịu nổi, và con gái chị cũng phải chịu quá nhiều bạo hành. Nhưng chị hãy thử cố gắng một lần nữa để dừng thói quen đánh con của chồng lại. Khuyên bảo, nhờ người thân, bạn bè góp ý, thậm chí phản kháng lại chồng khi anh bắt đầu xuống tay với cháu.

Ly hôn dù sao cũng luôn là biện pháp cuối cùng. Nó chỉ nên nghĩ tới và cương quyết thực hiện, khi chị thấy không còn cách nào khác để giải thoát cho mình và cho con thôi, chị nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI