PNO - Đại diện nhiều ngân hàng nhận xét: hầu hết các khoản vay mà phụ nữ vay với tư cách khách hàng cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp đều ít rủi ro, tỉ lệ nợ xấu thấp hơn mặt bằng chung. Tin vui là với cơ chế mới, nguồn vốn vay dành cho phụ nữ ở TPHCM đã dồi dào hơn.
Bà Lê Thị Liễu (quận 11, TPHCM) đang nuôi 3 đứa cháu nội ăn học nên mong muốn được vay vốn để buôn bán nhỏ. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của quận, bà Liễu được ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) hỗ trợ vay số tiền 50 triệu đồng để mở quán bán hủ tíu. Bà Liễu rất mừng vì lãi suất cho vay từ nguồn vốn ngân sách rất thấp, chỉ 6,6%/năm, thời hạn vay đến 120 tháng, thủ tục vay đơn giản, dễ dàng. Nhờ vậy cuộc sống gia đình bà Liễu và các cháu ổn định hơn trước.
Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh TPHCM - cho biết, hiện toàn thành phố có 3.800 Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận nguồn vốn vay từ ngân hàng CSXH với tổng dư nợ là 8.300 tỉ đồng. Trong đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội LHPN TPHCM quản lý, hỗ trợ cho phụ nữ vay kinh doanh chiếm khoảng 40% dư nợ.
Hầu hết các khoản vay của khách hàng cá nhân là phụ nữ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có ít rủi ro, nợ xấu hơn so với mặt bằng chung. Trong ảnh: Khách giao dịch tại ABBANK - Ảnh: T.Hoa
Đối với khoản vay tín chấp, nếu vay sử dụng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/lao động/hộ nghèo; vay học phí cho học sinh, sinh viên là 40 triệu đồng/năm. Riêng với khoản vay thế chấp, nếu mục đích vay là tạo việc làm mới thì được vay 2 tỉ đồng. Tuy nhiên do một số vướng mắc về cơ chế, quy định pháp luật, trong 3 năm qua, nguồn vốn cho vay từ ngân hàng CSXH bị hạn chế. Điều đáng mừng là Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TPHCM (Nghị quyết 98) đã tháo gỡ các vướng mắc quan trọng từ nhiều năm nay. Cụ thể là bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách trung ương, Nghị quyết 98 cho phép TPHCM dùng ngân sách đầu tư công để ngân hàng CSXH cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm. HĐND thành phố đã nhanh chóng ban hành 2 Nghị quyết 06 và 29, trong năm 2023 này sẽ bố trí nguồn vốn là 2.796 tỉ đồng.
“Ngay đầu tháng 10/2023, nguồn vốn này đã rót về các ngân hàng CSXH quận, huyện, dự kiến đến quý I/2024 sẽ giải ngân hết số vốn này, cho vay 17.000 trường hợp. Theo kế hoạch, năm 2024, thành phố tiếp tục bổ sung nguồn vốn chính sách gần 1.000 tỉ đồng, trong năm 2025 là 1.100 tỉ đồng” - ông Trần Văn Tiên thông tin.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM - cho biết: Ngân hàng CSXH TPHCM cho vay ủy thác qua nhiều tổ chức chính trị như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN và Hội Nông dân. Trong đó dư nợ cho vay qua Hội LHPN luôn chiếm tỉ trọng cao nhất (40% dư nợ), chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỉ lệ nợ quá hạn thấp nhất. Kết quả này phản ánh rõ vai trò của Hội LHPN trong thực hiện chương trình tín dụng chính sách, góp phần không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, các đối tượng yếu thế, qua đó ngày càng nâng cao vai trò vị thế của người phụ nữ.
Cần ưu tiên cho doanh nghiệp nữ
Bà Hoàng Thị Anh Thảo - Giám đốc Hợp tác xã Thảo Nguyên Xanh (TP Thủ Đức, TPHCM) - cho biết: Hợp tác xã thuộc đối tượng vay vốn ngân hàng CSXH nhưng hiện mức vốn hỗ trợ chỉ 100 triệu đồng là quá ít so với nhu cầu. Vì vậy nên bà không đăng ký vay mà đi vay từ các ngân hàng thương mại. Bà cho biết các ngân hàng thương mại hiện coi doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ là một trong những đối tượng ưu tiên nên thủ tục hồ sơ rất nhanh chóng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay còn cao.
Theo bà Hoàng Thị Anh Thảo, DN do phụ nữ làm chủ có thể gặp nhiều khó khăn hơn các DN khác nên rất cần có thêm chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Được biết NHNN vừa ký quy chế phối hợp với Hội LHPN Việt Nam triển khai công tác bình đẳng giới, hỗ trợ cấp tín dụng cho phụ nữ nên bà mong muốn trong thời gian tới, sẽ có thêm nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hơn dành cho phụ nữ, DN do nữ làm chủ. “Với ngân hàng CSXH, mức vốn hỗ trợ nên cao hơn để DN có thể tạo công ăn việc làm cho người lao động, thủ tục vay cũng cần đơn giản giống như tại các ngân hàng thương mại” - bà Hoàng Thị Anh Thảo kiến nghị.
Ông Trần Văn Tiên thừa nhận, cũng do nguồn vốn hạn chế nên thời gian qua, ngân hàng CSXH chỉ mới triển khai hỗ trợ các khoản vay tín chấp với mức vay 100 triệu đồng/trường hợp, chưa thể hỗ trợ vay thế chấp (được vay 2 tỉ đồng/trường hợp) với mục đích giải quyết việc làm. “Hiện nay, nhiều DN do phụ nữ làm chủ, phụ nữ khởi nghiệp có nhu cầu vay nguồn vốn ngân sách hơn là ngân hàng thương mại vì lãi suất ưu đãi. Tới đây chúng tôi sẽ tham mưu UBND TPHCM trình HĐND thành phố bố trí nguồn vốn tốt hơn, mở rộng hơn để phục vụ nhiều đối tượng có nhu cầu như DN nữ khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Với Nghị quyết 98 thì trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tốt hơn, kịp thời đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân” - ông Trần Văn Tiên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, bên cạnh nguồn vốn chính sách, thời gian qua, NHNN TPHCM đã chỉ đạo các ngân hàng trong hệ thống tạo điều kiện bằng nhiều hình thức, sản phẩm, dịch vụ, chương trình hỗ trợ tín dụng cho các DN nhỏ và vừa, nhất là DN do phụ nữ làm chủ có thể tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. NHNN cũng đã ban hành các chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên.
Hiện một số ngân hàng đã triển khai các sản phẩm cho vay dành riêng cho DN do phụ nữ làm chủ. Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) từ năm 2021 và đến ngày 31/12/2022 đã cho gần 500 DN do phụ nữ làm chủ vay với tổng dư nợ tương đương trên 110 triệu USD. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho khách hàng DN do phụ nữ làm chủ vay các gói tín dụng lãi suất cạnh tranh, tặng miễn phí phần mềm kế toán và quản trị kinh doanh, được tham gia miễn phí khóa tư vấn kinh doanh và các khóa đào tạo quản lý dòng tiền, nguồn nhân lực. Dư nợ cho vay DN do phụ nữ làm chủ của BIDV trong năm 2022 đạt trên 60.000 tỉ đồng. Trên 4.000 DN do phụ nữ làm chủ được sử dụng sản phẩm, dịch vụ với chi phí hợp lý… Riêng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngoài cho vay với lãi suất ưu đãi, ngân hàng còn hỗ trợ phụ nữ làm chủ DN xây dựng mạng lưới, chiến lược tiếp cận thị trường, tiếp thị, quảng bá sản phẩm, nắm vững và ứng dụng các công nghệ quản lý DN… Các chương trình kết nối ngân hàng - DN hỗ trợ khách hàng giải quyết khó khăn, vướng mắc của ngân hàng giúp vốn tín dụng cho vay các DN do phụ nữ làm chủ tăng trưởng đều qua các năm.
DN do phụ nữ làm chủ hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại do áp lực cân bằng giữa công việc và gia đình, định kiến giới trong gia đình và kinh doanh nên chưa khai thác hết tiềm năng của mình. Một số DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, năng lực quản trị và tiếp cận thông tin, công nghệ còn hạn chế. Đó là những trở ngại trong tiếp cận chính sách hỗ trợ. Các quỹ phát triển hỗ trợ DN nói chung đang hoạt động còn kém hiệu quả do đó cần cải thiện các cơ chế bảo lãnh tín dụng. Riêng bản thân các nữ DN cũng phải khắc phục hạn chế của mình về khả năng quản trị, tình hình tài chính, minh bạch thông tin trong sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM
NHNN và nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các DN do phụ nữ làm chủ, phụ nữ khởi nghiệp, tạo việc làm cho lao động. Nếu dịch vụ tốt thì khách hàng nữ thường trung thành hơn, có thể quảng bá mạng lưới, giới thiệu khách hàng mới tiềm năng cho ngân hàng hơn so với khách hàng nam giới. Cần đơn giản hóa các thủ tục hồ sơ để khách hàng nữ tiếp cận vốn vay, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tăng cường vai trò kết nối của các hội nữ doanh nhân. Riêng DN nữ cần tăng cường kết nối với các sở ngành, tham gia mạng lưới các hội, hiệp hội để kịp thời kiến nghị các khó khăn cần tháo gỡ, học hỏi kiến thức.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nguyên giảng viên Học viện Tài chính
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.