Khi du học chỉ là “vỏ bọc”
Trước thông tin của trường, ngày 10/12, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục Hàn Quốc, đã lập đoàn công tác liên ngành để rà soát lại hệ thống quản lý sinh viên nước ngoài của Đại học Quốc gia Incheon. Chủ tịch trường - ông Cho Dong Sung - cho biết, sau khi làm việc với nhân viên quản lý trung tâm đào tạo ngôn ngữ, trường ghi nhận: số du học sinh đăng ký khóa học ngôn ngữ ngắn hạn tại trường gia tăng bất thường từ năm 2017 đến nay. Năm 2017, khóa đào tạo ngắn hạn chỉ thu hút 43 sinh viên Việt Nam; năm 2018, tăng lên đến 951 người và năm 2019, tăng lên 1.900 người.
Được biết, các lần tuyển sinh của Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc Đại học Quốc gia Incheon cách nhau chỉ ba tháng, mỗi năm tổ chức bốn học kỳ. Du học sinh nước ngoài chịu mức học phí 1,2 triệu won/học kỳ (1 triệu won tương đương 18.460.000 đồng) và 4,8 triệu won/năm (xấp xỉ 100 triệu đồng). Qua buổi làm việc, đoàn công tác ghi nhận: số lượng du học sinh tăng đột biến nhưng trường Incheon không đầu tư thêm nhân sự quản lý khiến việc giám sát lưu trú học sinh nước ngoài trở nên lỏng lẻo.
Phía nhà trường cho biết, chỉ có hai nhân sự cấp cao của trường chịu trách nhiệm chăm sóc và đảm bảo gần 2.000 du học sinh theo học đầy đủ mỗi học kỳ. Các đối tác tập hợp du học sinh tại Việt Nam và gửi họ đến các trường ở Hàn Quốc sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp chỗ ở cho du học sinh. Chính vì vậy, khi sinh viên “biến mất”, trường khó lòng phát hiện.
|
Người Việt thường sang Hàn Quốc làm “chui” với những công việc không cần trình độ, ngôn ngữ kiểu này - ẢNH: Duy Trân |
Ông Võ Lam Xuân - giảng viên Đại học Busan (Hàn Quốc) - cho rằng, khả năng lớn nhất là những du học sinh này đã toan tính sang Hàn Quốc để kiếm sống chứ không chỉ để học tiếng Hàn. Theo ông, việc sinh viên bỏ trốn như trên là điều bình thường, chỉ có điều báo chí có đăng hay không mà thôi. Đa số các trường không muốn báo đăng những tin tương tự do sợ ảnh hưởng uy tín của trường. Các trường cũng đã lường trước được tình huống sinh viên Việt Nam và các nước sẽ bỏ trốn để ra ngoài làm việc, nhưng họ chỉ cố thuyết phục sinh viên học đủ học kỳ và đóng đủ học phí.
Bà Phạm Ánh Tuyết - điều hành một trung tâm hỗ trợ lao động nhập cư ở Hàn Quốc - cho rằng, không có chuyện sinh viên “mất tích” mà thực chất, số sinh viên này bỏ trốn để tìm việc làm thêm. Một giảng viên người Việt đang công tác ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết, khi còn ở Việt Nam, chị phát hiện nhiều trung tâm du học ở các tỉnh phía Bắc có dịch vụ môi giới đưa người lao động sang Hàn Quốc với vỏ bọc là du học sinh. Khi sang Hàn giảng dạy, chị lại phát hiện, những đầu mối dịch vụ ở Hàn Quốc của các công ty này hầu hết là quản lý sinh viên hoặc có quen biết với các quản lý ở các trường đại học.
Hàn Quốc không hẳn là thiên đường
Ông Võ Lam Xuân phân tích, ở quê nhà, nhất là ở các tỉnh miền Trung, do đường mưu sinh khó khăn, người trẻ đã chọn sang Hàn Quốc lao động, kể cả lao động bất hợp pháp.
|
Bảng tuyển dụng lao động bằng tiếng Việt, Hàn, Nga, Anh, Trung Quốc trên đường phố Hàn Quốc - Ảnh: Duy Trân |
Lê Thị Thu Nga - cô dâu Việt ở TP.Changwon, tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc - cho biết, cô làm trong một công ty thực phẩm ở địa phương, mỗi ngày 8 giờ, lương 80.000 won/ngày (gần 1,6 triệu đồng). Nga nói nếu chỉ làm, ăn, ở, chi tiêu tiết kiệm, một năm mang về Việt Nam vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Nga thuộc diện lao động hợp pháp, vì là công dân Hàn Quốc, thạo tiếng Hàn.
Nhiều người trẻ mà chúng tôi gặp ở TP.Busan cho biết, họ phải làm việc suốt ngày trong nhà kính giữa mùa đông giá rét, nhưng lương chỉ từ 50.000-70.000 won/ngày, bởi họ không có giấy tờ hợp lệ, cũng không được đào tạo tiếng Hàn. Phần lớn các bạn trẻ này sang Hàn Quốc bằng hộ chiếu du lịch và lao động ngắn hạn để kiếm tiền nên chấp nhận mọi công việc.
|
Người Việt thường sang Hàn Quốc làm “chui” với những công việc không cần trình độ, ngôn ngữ kiểu này - Ảnh: Duy Trân |
Tôi hỏi Lê Văn Dũng - 24 tuổi, quê ở H.Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, sang Hàn Quốc thu hoạch nông trại vụ thu đông bằng visa du lịch - tìm việc có dễ không, Dũng cho biết: “Công việc phổ thông đầy ra đó. Nếu có “cò” đưa đến chỗ làm, mình mất tiền môi giới. Còn biết chút tiếng thì hầu như xin việc ở các công trường xây dựng, nông trại dễ vô cùng. Họ trưng cả bảng tuyển dụng lao động bằng tiếng Việt ra nhiều con phố”.
Dũng làm công nhật ở Gwangju, nằm ở phía tây nam thành phố Seoul. Mỗi ngày, anh và các đồng hương phải dậy từ lúc 4g30 chuẩn bị cơm; 5g sáng, xe đến rước đi làm. Ngày nào cũng đến 19-20g mới về tới nhà. Anh kể: “Tụi em làm là tập trung, tối tăm mặt mũi. Điều vui là ngày nào cũng được phát tiền tươi, nhận ngay trên xe lúc về nơi ngủ nghỉ”.
Nói là lương rất cao (xấp xỉ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày) nhưng nhiều nhóm lao động người Việt cũng bị ăn chặn tiền, vì chủ chỉ thuê người giao dịch và môi giới chứ không trực tiếp làm việc hay hợp đồng (dù là hợp đồng miệng) với từng người lao động. Anh Nguyễn Văn Minh - đến từ TP.HCM - nói: “Chủ trả công 80.000 won/ngày, nhưng anh em chúng tôi chỉ nhận 60.000 won/ngày”.
Thời tiết khắc nghiệt của những vùng quê hẻo lánh ở Hàn Quốc đã quật ngã nhiều lao động Việt Nam. Phải ngâm nước lạnh làm đồng giữa mùa giá rét, nhiều người phồng rộp, nứt nẻ tay chân. Có nhiều anh chị bị viêm phổi, tiền thuốc thang nuốt sạch túi, đến khi visa hết hạn, không có tiền về.
|
Vườn táo - nơi những lao động Việt Nam được tuyển dụng làm việc nhiều nhất, trong thông tin tuyển dụng, mức lương được rao từ 60.000 - 80.000 won/ngày |
Ở nông thôn Hàn Quốc, không chỉ mùa đông mà ngay cả mùa hè cũng vô cùng khắc nghiệt. Anh Trân - đến từ TP.HCM - kể, mùa hè vừa qua, trên chuyến bay giá rẻ từ Hàn Quốc sang Việt Nam, anh thấy trên sân bay ngập tràn những người Việt trung niên. Họ kéo về Việt Nam tránh cái nắng hè khắc nghiệt.
Trước đó, trên một số trang mạng Hàn, đã có cảnh báo về những người Việt làm đồng bị đột quỵ. Những người trung niên này có con trai đi hợp tác lao động, con gái đi lấy chồng Hàn, được bảo lãnh sang Hàn Quốc theo diện “đi thăm thân nhân”, “đi phụ buôn bán”, người bảo lãnh có cửa hàng, nông trại, nhà xưởng.
Họ đến Hàn Quốc và tụ tập thành nhóm, cùng thuê nhà ở cho đỡ chi phí hoặc ở chung với gia đình người thân. Sáng sớm, họ xách ba-lô đựng cơm ra bến xe buýt (giống như cái chợ người), chờ các tài xế người Hàn chở đến những nơi cần việc. Nông thôn Hàn Quốc luôn thiếu người làm, rất cần tuyển lao động chân tay trồng cây, dọn cỏ, phủ bạt, tỉa lá, tỉa bông, tỉa trái, thu hoạch rau, củ, quả.
Chị T.L. - quê ở H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, từng theo bạn sang Hàn Quốc hái táo, lấy tiền công về ăn tết - kể: “Tôi tởn tới già, không bao giờ dám liều mình như vậy nữa”. Chị L. cùng nhóm người quen sang Hàn Quốc cuối năm 2018, ngay đúng đợt cảnh sát Hàn Quốc truy lùng lao động bất hợp pháp. Hàng chục người đến từ Nga, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam ở nông trại nơi chị làm việc cùng nháo nhào chạy trốn. Trong lúc bỏ trốn, người bạn đồng hành của chị T.L. bất ngờ bị hạ kali, nằm khuỵu giữa đường, chị L. phải tri hô nhờ người tới giúp và chị đã bị bắt giữ, đưa về đồn cảnh sát, lập biên bản, trục xuất về nước.
Sẽ khó cho du học sinh thực sự của Việt Nam Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, số lượng du học sinh nước ngoài cố tình bỏ trốn, ở lại quá thời hạn dành cho thị thực trao đổi ngôn ngữ đã tăng gấp ba lần trong 3 năm qua. Nếu như năm 2015 có 4.294 trường hợp thì năm 2018, con số này vọt lên 12.526 trường hợp. Có tới 70% số người nhập cư trái phép vào Hàn Quốc qua chương trình đào tạo ngôn ngữ đến từ Việt Nam. Trước tình trạng đó, trong năm 2019, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã hai lần thay đổi chính sách về quản lý du học sinh. Cụ thể, kể từ tháng 3/2019, du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc học tập theo các chương trình trao đổi ngôn ngữ ở bậc đại học sẽ phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn về tài chính. Đến tháng 4/2019, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã gửi thư cho các trường đại học trên toàn quốc, yêu cầu siết chặt việc quản lý du học sinh, trong đó nhóm được lưu ý là du học sinh Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, sau vụ việc 164 du học sinh “biến mất” này, con đường sang Hàn Quốc cho các du học sinh có tâm nguyện học tập thật sự sẽ gặp khó khăn. |
Hạnh Chi