Nhiều người trưởng thành nhưng không rời gia đình, vì sao?

21/11/2023 - 09:29

PNO - Chưa bao giờ châu Âu và Mỹ chứng kiến tỉ lệ hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống cao như hiện nay. Điều này hoàn toàn trái ngược với văn hóa Tây phương: mọi người luôn muốn rời khỏi gia đình khi trưởng thành để sống tự lập.

Tiết kiệm chi phí 

Một câu chuyện khá hài hước thu hút công chúng vừa xảy ra ở Ý. Người mẹ 75 tuổi quá mệt mỏi vì cứ phải chăm sóc cho 2 người con trai (40 và 42 tuổi). Bà đã nhiều lần thuyết phục con tìm cách sắp xếp cuộc sống nhưng cả hai cứ ì ra. Đáng chán hơn, dù 2 người con đều có việc làm nhưng họ lại không chịu đóng góp vào chi phí sinh hoạt gia đình cũng như không phụ giúp việc nhà. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi thẩm phán TP Pavia chấp thuận đơn khởi kiện của người mẹ, ra lệnh trục xuất 2 người con ra khỏi nhà. Họ có thời hạn đến 18/12 tới để dọn đi.

Ngủ trong xe tải - một cách để tiết kiệm ở New York. Ngày càng có nhiều thanh niên ở thành phố này dù đã trưởng thành  nhưng vẫn chọn sống cùng cha mẹ vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ - Nguồn ảnh: Shutterstock
Ngủ trong xe tải - một cách để tiết kiệm ở New York. Ngày càng có nhiều thanh niên ở thành phố này dù đã trưởng thành nhưng vẫn chọn sống cùng cha mẹ vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ - Nguồn ảnh: Shutterstock

Theo số liệu năm 2022, gần 70% người dân Ý trong độ tuổi từ 18-34 vẫn sống với phụ huynh. Dù Ý vốn là quốc gia có văn hóa nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, nhưng số lượng thanh niên “sống bám” gia đình đã tăng lên trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế khó khăn, nhiều người trẻ cần thêm thời gian để tìm công việc thực sự ổn định. Tuy nhiên, cũng có không ít “bamboccioni” (thuật ngữ được một chính trị gia Ý sử dụng năm 2007, mang nghĩa “những đứa trẻ to xác”, chỉ những người dù đã trưởng thành nhưng vẫn không chịu rời khỏi gia đình) bị cho là muốn lợi dụng cha mẹ để có chỗ ăn ở miễn phí.

Các thành phố lớn ở bờ Tây có tỉ lệ hộ gia đình nhiều thế hệ lớn nhất ở Mỹ. Bên cạnh những người mong muốn con cái trưởng thành rời khỏi nhà, cũng có những phụ huynh lại muốn giữ con ở bên cạnh. Một số nghiên cứu trong lĩnh vực bất động sản cho thấy, số lượng lớn người thế hệ Y (sinh từ năm 1980 đến 1996) và thế hệ Z (sinh từ 1997-2012) đang “ở lại nhà” lâu hơn các thế hệ trước. Ngoài lý do tiết kiệm chi phí sinh hoạt còn có lý do để có cơ hội chăm sóc các thành viên trong gia đình tốt hơn. Đây là truyền thống thường thấy trong xã hội Á Đông.

Cha mẹ không thể bảo bọc mãi

Theo dữ liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ, gần một nửa thanh niên 18-29 tuổi trên toàn quốc đang sống với cha mẹ. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1940. Cuộc sống đa thế hệ đã tăng lên đều đặn trong 5 thập niên qua và đại dịch COVID-19 đã làm xu hướng này mạnh thêm. Theo giải thích của các chuyên gia từ Morgan Stanley, đơn giản là người trẻ đang không đủ khả năng sống một mình trong điều kiện kinh tế hiện nay. Vật giá tăng, lãi suất vay ngân hàng cao, lạm phát… đã khiến việc chuyển ra ngoài sống độc lập trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước. Báo cáo của Morgan Stanley cũng đưa ra giả thuyết về các yếu tố xã hội khác, như nhu cầu tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn, lập gia đình muộn hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sẽ thiết thực hơn nếu biết tận dụng thời gian sống cùng cha mẹ để hướng tới các mục tiêu độc lập về tài chính. “Vấn đề là bạn không kiếm đủ tiền và không làm đủ việc để có thể ra riêng. Cha mẹ không thể làm điều đó thay cho bạn” - Jade Warshaw - người dẫn chương trình tư vấn tài chính cho giới trẻ The Ramsey Show - nói. Lời khuyên là người trẻ nên thay đổi thói quen tiêu dùng: mua trước rồi trả tiền sau, bỏ thói quen mua sắm quần áo rẻ tiền vì vừa có hại cho môi trường vừa có hại cho túi tiền của mình, phải bắt đầu tiết kiệm ngay khi còn trẻ.

Theo một thống kê của Canada vào năm 2021, hơn 1/3 người Canada trong độ tuổi 20-34 sống cùng cha mẹ. Một nhà nghiên cứu của Đại học British Columbia cho rằng, cuộc khủng hoảng nhà ở cũng như những khó khăn trong việc tìm việc làm là nguyên nhân chính.

Tình hình này cũng đặt ra câu hỏi xã hội phương Tây có nên bình thường hóa việc con cái đến tuổi trưởng thành vẫn có thể sống chung với cha mẹ? Ở chung nhà với cha mẹ đôi khi cũng là lựa chọn thông minh trong quá trình tiết kiệm để trả hết nợ học phí và tìm việc làm. 
Đối với phụ huynh, lời khuyên là hãy đặt ra ranh giới trách nhiệm để người trẻ trưởng thành không ỷ lại như trách nhiệm làm việc nhà, chia sẻ tiền thuê nhà… 

Nam Anh (theo The Guardian, Globest, CBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI